Những lợi ích rõ ràng từ QR động đã được nhiều doanh nghiệp nhận thấy và áp dụng cho các giao dịch không tiền mặt của mình.
Giảm thiểu rủi ro với QR động
Tại một chuỗi cà phê khá nổi tiếng ở TP.HCM, khi khách hàng đến mua đồ uống và có yêu cầu thanh toán bằng quét mã QR, chỉ sau vài giây thực hiện thao tác trên máy tính, nhân viên cho khách hàng quét mã.
Khách hàng dùng ứng dụng thanh toán có chức năng quét mã QR như ví MoMo, Vietel Monney, app ngân hàng chỉ cần quét, lập tức trên màn hình điện thoại sẽ hiện đầy đủ thông tin: số tiền, nội dung thanh toán cho món đồ, thậm chí cả địa chỉ của chuỗi.
Sử dụng thường xuyên Vietel Money và tài khoản TPBank để thanh toán hằng ngày, chị Thanh (Q.1, TP.HCM) cho hay vừa tiện lợi, dễ quản lý, thường xuyên được nhắc về an toàn, chị thấy an tâm hơn khi thanh toán bằng QR động. Chỉ việc thao tác xác nhận là giao dịch được thực hiện. Nhân viên không đòi chụp lại màn hình đã thanh toán thành công.
Vậy QR động khác gì QR tĩnh? Hiểu đơn giản, QR tĩnh chứa thông tin lập ra từ đầu và không thay đổi được trong suốt quá trình sử dụng, in ra các tờ giấy để người trả quét. Mỗi mã QR tương ứng với một tài khoản giao dịch. Khi quét mã QR tĩnh để thanh toán, khách hàng phải nhập số tiền - có thể xảy ra nhầm lẫn. Sau đó, nhân viên thường phải chụp hình giao dịch thành công để đối soát.
Đó là chưa kể việc dùng mã QR tĩnh, gần đây kẻ xấu hay dán đè mã QR lên mã của người bán, khiến khách mua chuyển nhầm tiền cho kẻ lừa đảo. Thậm chí còn có người chụp hình mã QR của các cửa hàng để tạo hóa đơn chuyển tiền giả và nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, mã QR động cho phép người tạo có thể thay đổi nội dung theo ý muốn mà không cần phải thiết kế, in lại mã QR. Khách mua không cần phải mất công tự gõ số tiền hoặc nội dung chuyển khoản. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và hạn chế những rủi ro chuyển tiền sai.
Về phía người bán, các thông tin thanh toán - tương tự như hóa đơn - được hiển thị đầy đủ trên máy tính quản lý khi thu ngân xuất mã QR động đưa cho khách hàng thanh toán. Giao dịch chỉ hiển thị thành công khi khách đã hoàn thành thanh toán nên không cần kiểm tra số dư hay chụp lại màn hình chuyển khoản. Điều này giúp hạn chế tối đa các rủi ro lừa đảo bởi chiêu trò làm giả hóa đơn thanh toán.
Bên cạnh đó, mã QR động còn có tính năng giới hạn thời gian sử dụng. Chẳng hạn, người tạo có thể giới hạn thời gian hiệu lực của mã trong khoảng 10 phút giúp hạn chế việc sao chép mã để lừa đảo.
Ngân hàng, chuyển phát, bệnh viện dùng QR động
Vietcombank có thể được xem là một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng thanh toán qua mã QR động. Ngay từ năm 2022, Vietcombank đã hợp tác hãng chuyển phát nhanh J&T Express. Theo đó, chỉ cần người dùng có cài app của ngân hàng bất kỳ trên điện thoại khi thanh toán đơn hàng bằng cách quét mã QR động, các thông tin như số tiền cần thanh toán, số tài khoản, thông tin đơn hàng... sẽ tự động hiển thị đầy đủ trên app giúp các bên dễ dàng đối soát.
Đối với đơn vị giao nhận, việc thanh toán qua mã QR giúp thời gian xử lý vận đơn của nhân viên được rút ngắn, tăng năng suất. Đặc biệt, tiền từ tài khoản của khách hàng được chuyển thẳng về hệ thống sẽ tránh các rủi ro nhầm lẫn hoặc mất mát khi shipper cầm nhiều tiền mặt rong ruổi cả ngày.
Năm 2023, Vietcombank cũng hợp tác với Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh triển khai thanh toán qua QR động cho phép bệnh nhân thực hiện thanh toán viện phí ngay tại nơi khám bệnh, điều trị mà không phải tới quầy thu ngân của bệnh viện, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 15-20 phút cho người bệnh khám ngoại trú... Nhiều bệnh viện khác cũng đã áp dụng QR động.
Đầu tháng 5 vừa qua, VNPAY cũng công bố đã triển khai công nghệ thanh toán QR động cho toàn hệ thống siêu thị GO! và Big C. Người dân khi thanh toán có thể dùng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử quét mã VNPAY-QR trực tiếp trên màn hình phụ tại quầy thu ngân để thấy chính xác số tiền cần thanh toán... Trước đó, MB cũng cho biết đã triển khai thành công giải pháp thanh toán viện phí qua mã QR động được tích hợp trên phiếu khám bệnh tại nhiều bệnh viện, góp phần giảm đến 90% tải cho khu vực thanh toán…
Hơn 116.000 tỉ đồng thanh toán qua mã QR
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỉ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỉ đồng. Trong đó, thanh toán qua phương thức mã QR đạt gần 183 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 116.000 tỉ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước).
Cẩn thận "thanh toán thành công" giả
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Lào Cai cho biết đã phát hiện H.T.N. (tỉnh Vĩnh Phúc) đi chụp mã QR của nhiều cửa hàng rồi nhờ một người quen qua mạng tạo hóa đơn mua quần áo trị giá 2 triệu đồng, hóa đơn trả tiền quán cơm 650.000 đồng, thanh toán mua ví 1 triệu đồng... Sau đó, N. đem các hóa đơn giả đã "thanh toán thành công" này đến các cửa hàng tương ứng lừa đảo người bán.
Qua vụ việc nêu trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công. Ngoài ra, hình ảnh "giao dịch thành công" bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận