Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tăng trưởng kinh tế không còn có thể dựa vào khai khoáng và vốn như trước - Ảnh: LÊ KIÊN
Phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội sáng 24-10, phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra hàng loạt các phân tích để bác bỏ những hoài nghi về tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong quý 3-2017.
"Tổng cục Thống kê họ làm kỹ đến từng con số, ông Nguyễn Bích Lâm (tổng cục trưởng - NV) rất kỹ lưỡng" - ông Huệ khẳng định.
Sắp hết thời tăng trưởng dựa vào dầu
"Trước đây ta cứ nói muốn tăng trưởng thì khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu một cách dễ dàng, thì bây giờ không đơn giản. Trong 9 tháng đầu thì khai khoáng đã giảm 8% so với năm trước" - phó thủ tướng cho hay.
Ông khẳng định trong 2 năm qua chúng ta bắt đầu đối mặt với thực tiễn là công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá.
Với than đá, bình quân khai thác ở độ sâu -285m so với mặt nước biển, chi phí giá thành cao khai thác khó khăn. Còn dầu thô năm 2017 khai thác chỉ đạt 13,28 triệu tấn, so với năm 2016 giảm 3 triệu tấn.
"Giờ có muốn khai thác thêm để tăng trưởng thì cũng không được đâu vì giờ dầu phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm. Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô và trữ lượng có khả năng thương mại thì thấp, nên không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô" - ông Huệ nói.
Phó thủ tướng cũng cho rằng ý kiến nói tăng trưởng của Việt Nam dựa vào vốn là chưa đúng. "Tín dụng có thể điều hành tăng trưởng 21%, nhưng tùy vào khả năng hấp thụ. 9 tháng đầu năm mới đạt 11%, gần tương đương năm ngoái, còn từ nay đến cuối năm Chính phủ điều hành tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế" - ông giải thích.
Trích phát biểu của phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp tổ Quốc hội sáng 24-10 - Clip: LÊ KIÊN
Khách du lịch và Galaxy Note 8
"Vậy động lực tăng trưởng dựa vào đâu?" - phó thủ tướng nêu vấn đề và giải thích: Công nghiệp tăng, quan trọng là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh, đây là động lực tăng trưởng của quý 3 và 9 tháng đầu năm.
"Năm ngoái sự cố Galaxy Note 7 đã làm Samsung mất 1 tỉ USD, sau đó họ tập trung vào làm Note 8, đến quý 3 năm nay bán rất chạy, góp phần giúp ngành linh kiện điện tử trong 9 tháng tăng hơn 41%, trong đó Samsung tăng 45%. Bắc Ninh công nghiệp tăng 25,1%, Hải Phòng 20,1%, Thái Nguyên 18,1%, Hải Dương 11,2%, Đồng Nai 8,3%...", ông Huệ phân tích.
"Vùng công nghiệp trọng điểm này tăng tốt, tỉ lệ nội địa của Samsung hiện nay là 57% (trước đây là 20,1%) bao gồm doanh nghiệp Việt Nam tham gia và các doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc sang sản xuất ở Việt Nam. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, công nghiệp chế tạo dự kiến tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây".
Đồng thời ngành xây dựng tăng 9-9,5% do đầu tư hạ tầng đô thị và các dự án FDI, cả năm dự kiến tăng 7,5-8% và đóng góp 2,5- 2,6% vào tăng GDP. Lệch pha giữa FDI và xuất khẩu đã rút ngắn lại.
Nếu cố gắng tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, bởi nó vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp, vừa an toàn. Từ nay về sau dầu thô không còn là chỗ dựa nữa.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Dịch vụ năm 2017 cũng bứt phá, tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh, trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, mỗi tháng Việt Nam đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế, ước tính cả năm có 13 triệu khách quốc tế là chắc chắn.
Phó thủ tướng cũng cho rằng hiệu ứng lan tỏa từ du lịch tới dịch vụ làm dịch vụ tác động vào tăng trưởng GDP. Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm do dầu khí.
Nông nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng, 9 tháng đầu năm 2017 tăng 2,78%, gấp 4,3 lần năm 2016. Chính phủ phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-3,05% cả năm. Đóng góp vào tăng trưởng chung của nông nghiệp đã cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu nông sản năm nay có khả năng đạt 30-34 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận