Bé N.T.H., 8 tuổi, có tiền căn thận nước hai bên đã mổ, nhập viện trong tình trạng đau quặn hông trái. Các bác sĩ khám, chụp phim bụng cho bé và phát hiện bé có sỏi niệu quản trái nhiều nơi (niệu quản đoạn hông lưng và đoạn chậu). Bé đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng không đáp ứng và có chỉ định mổ. Êkip phẫu thuật đã tán hết hoàn toàn năm viên sỏi nhỏ bằng nội soi ngược dòng ở niệu quản trái của bé. Hiện bé đã ổn định, hết đau, tiểu tốt và xuất viện.
Theo thạc sĩ BS Phạm Ngọc Thạch (khoa thận niệu BV Nhi Đồng 2), sỏi niệu quản ở trẻ em chiếm tỉ lệ 7% trong số người bị sỏi tiết niệu. Trước đây thường phải mổ mở niệu quản lấy sỏi. Hiện nay, ở các nước phát triển, sỏi niệu ở trẻ em hầu như được điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn và xâm lấn tối thiểu như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và đặc biệt tán sỏi nội soi ngược dòng.
Ưu việt của kỹ thuật tiên tiến này là ít xâm hại, cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở đoạn niệu quản. Mỗi ca nội soi thực hiện chỉ khoảng 30 phút. Tại VN, kỹ thuật này được áp dụng tương đối rộng rãi ở người lớn, tuy nhiên còn rất ít ở nhi khoa và lần đầu tiên được áp dụng tại khoa thận niệu BV Nhi Đồng 2 do đòi hỏi những dụng cụ rất nhỏ và những kỹ thuật cực kỳ tinh tế.
Với việc áp dụng phương pháp mới này, bệnh nhi sẽ ít đau hơn, không có sẹo, tránh được biến chứng hẹp niệu quản sau mổ, thời gian nằm viện rất ngắn và chi phí không cao. Trong tương lai phương pháp tán sỏi nội soi ít xâm lấn này sẽ thay thế dần phương pháp mổ mở thông thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận