Rất nhiều ‘bẫy’ việc làm giăng mắc ở các thành phố lớn và trên mạng xã hội, trong khi nhu cầu tìm việc của tân sinh viên nghèo lại vô cùng cao, sinh viên rất hối hả kiếm tiền để tự trang trải. Cần tránh sập bẫy ra sao?

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 1.

Cơ hội việc làm ngày một nhiều đi đôi với việc bẫy lừa đảo bủa vây sinh viên. Chỉ cần tra các cụm từ như "việc làm thêm sinh viên", "tìm việc làm" hay "việc làm Đà Nẵng"… sẽ xuất hiện hàng chục hội nhóm việc làm. 

Nhiều sinh viên, đặc biệt tân sinh viên, cho biết họ rất bối rối giữa vòng vây "chào mời việc làm". Bởi hiện khó để nhận biết một tin tuyển dụng là giả hay thật.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 2.

Nhu cầu tìm việc làm thời vụ của sinh viên ở các thành phố luôn cao - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU

Các thủ đoạn càng tinh vi hơn khi đối tượng lừa đảo đăng tải những hình ảnh quán cà phê, nhà hàng cụ thể với thông tin tuyển dụng nhân viên phục vụ. Nhưng khi có người nhắn tin hỏi thì lại báo mình là bên trung tâm giới thiệu việc làm, hiện công việc trên đã hết suất, chỉ còn công việc làm nhiệm vụ online.

T.H. - một sinh viên - cho biết vừa bị lừa hơn 500.000 đồng. H. kể có một người đăng bài tuyển nhân viên quán trà sữa lương cao, giao nhiệm vụ cho H. duyệt đơn trên website.

"Yêu cầu là phải điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Ban đầu mình duyệt đơn được số tiền 50.000 đồng và phải tiếp tục nạp tiền bổ sung để tiếp tục duyệt các đơn có giá trị lớn hơn. Hóa ra là lừa đảo", H. nói.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 3.

Chân ướt chân ráo vào đại học, với mong muốn tự lập, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, N.T.N. (sinh viên năm 2 của Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) lướt một vòng các hội, nhóm việc làm thêm part-time cho sinh viên trên Facebook, N. vô tình thấy bài đăng tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng cho sàn thương mại điện tử. Công việc chỉ đơn giản vào nhận đơn, chốt đơn, gửi đơn, sau đó nhận hoa hồng từ 15 - 25% giá trị đơn hàng.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 4.

Một sinh viên bị mất tiền vì dính bẫy việc làm - Ảnh: LỆ THÀNH

Sau khi liên hệ với chủ bài đăng, N. được một người phụ nữ (tạm gọi là chị T.H.) hướng dẫn rất tận tình về cách đăng ký và bắt đầu công việc.

Số tiền hoa hồng tăng lên từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng rồi 500.000 đồng, 1 triệu đồng. 

Rồi người hướng dẫn bắt đầu đưa ra yêu cầu nạp thêm tiền vốn vào để chốt những đơn hàng giá trị cao hơn. N. gom góp tiền chu cấp hằng tháng để tiếp tục công việc.

Sau những lần cảm thấy bất an với những yêu cầu vô lý, nhiều lần chuyển tiền và không thể rút lại, N. nhận ra mình đã rơi vào bẫy lừa đảo, mất hơn 7 triệu đồng.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 5.

"Tuyển dụng cộng tác viên làm content, review cho mảng khách sạn, du lịch nhằm nâng cao lượt tương tác. Mỗi bài đánh giá bạn nhận từ 35.000 - 80.000 đồng. Linh động thời gian, nhận và gửi bài viết từ 9h đến 21h hằ ng ngày. Phù hợp sinh viên, người mới ra trường, mẹ bỉm sữa…".

Đây là một trong vô vàn "văn mẫu" tuyển dụng đăng nhan nhản khắp các hội nhóm tìm việc.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 6.

Ngày hội việc làm là nơi các sinh viên có thể tìm được những công việc phù hợp từ các nhà tuyển dụng - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Từ viết đánh giá sản phẩm, dịch thuật thông tin sản phẩm cho đến các hình thức cho thuê qua Zalo đúng chuẩn "việc nhẹ lương cao".

Điểm chung là công việc dễ làm, có thể làm tại nhà. Chỉ cần bỏ ra 5-10 phút là có khoản tiền vài chục ngàn đồng đến 200.000 - 300.000 đồng tiền công.

Một mẩu tuyển dụng khác cũng với chiêu thức tương tự. Từ tin nhắn ban đầu trên Facebook, người nhắn sẽ được "điều hướng" sang Telegram kèm với mã mời. Sau đó được hướng dẫn đăng ký tham gia nhóm làm việc, đăng ký tài khoản, nạp tiền kích hoạt, nhận đơn… Nhưng thay vì web dịch thuật thì lần này là web về du lịch.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 7.
Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 8.

Nguyễn Diệu Anh (sinh viên năm nhất Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) cho biết hiện ngoài cách chạy quanh các khu vực gần trường để kiếm việc làm thêm thì đa phần sinh viên sẽ lên các trang mạng, hội nhóm trên Facebook để tìm kiếm việc làm.

Công việc gần trường và đi xin thực tế thì không đa dạng và thường không đáp ứng thời gian học. Tìm ở trên các hội nhóm thì rủi ro dính vào lừa đảo cao hơn, nên đa số sinh viên hiện cũng e dè.

"Sau nhiều ngày lặn lội tìm, hiện mình đang xin phục vụ tại một quán cà phê với mức lương 17.000 đồng/giờ. Chủ quán đồng ý cho nhân viên là sinh viên có thể xoay ca để phù hợp việc học", Diệu Anh chia sẻ.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 9.

Bạn trẻ tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội công việc - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mỹ Linh (sinh viên năm hai Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cho hay hiện bạn được nhận vào làm ở một nhà hàng dành cho khách Tây với mức lương 25.000 đồng/giờ.

"Đây là mức cao hơn các nơi do đặc thù công việc của mình là nói tiếng Anh hoàn toàn và yêu cầu ngoại hình ổn. Với mức lương như vậy, nếu làm chăm chỉ, mình tự lo được chi phí sinh hoạt cho bản thân và một phần học phí", Linh nói.

Ngoài ra sinh viên ở TP Đà Nẵng có thể kiếm các công việc thời vụ với mức lương từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày như bán hàng lưu động, dọn vệ sinh công trình…

Đặc biệt công việc gia sư cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên. Mức lương gia sư trung bình ở TP Đà Nẵng hiện mỗi buổi dạy khoảng 1,5 giờ được trả từ 120.000 - 150.000 đồng.

Một sinh viên nếu chăm chỉ và nhận làm gia sư cho 2 học sinh, làm 6 buổi/tuần sẽ có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM YES Center, thuộc Thành Đoàn TP.HCM, cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm 2024 theo ghi nhận tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023. Chủ yếu là lao động thời vụ trong các lĩnh vực như bán lẻ, giao hàng, nhà hàng - khách sạn. 

Số liệu cũng cho thấy nhu cầu về lao động chất lượng cao, có chuyên môn cũng tăng trong dịp cuối năm, chủ yếu là kỹ sư, quản lý ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP cũng đang cần một lượng lớn lao động phổ thông.

Mức lương trung bình mà trung tâm đang ghi nhận rơi vào khoảng 30.000 - 50.000 đồng/giờ, khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, có thể cao hơn đối với vị trí kỹ sư....

Sự phát triển, thông dụng của các trang mạng xã hội đã tích cực góp phần giúp thông tin tuyển dụng được truyền thông rộng hơn đến lao động. Và khi người lao động dần có thói quen lên mạng tìm việc thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Thường kẻ giả mạo các thương hiệu, nhãn hàng, siêu thị lớn… rồi đăng bài tuyển dụng lượng lớn lao động, đi kèm là mức lương siêu cao, không có quá nhiều ràng buộc. Tuy nhiên khi người lao động liên hệ thì lập tức bày "chiêu" yêu cầu chuyển khoản để đặt cọc thế chân, tiền trang phục, hợp đồng…

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 11.

Người lao động, đặc biệt là sinh viên - đối tượng chính mà các kẻ lừa đảo hướng đến - cần phải thận trọng, kỹ càng hơn khi ứng tuyển việc qua mạng. 

Thứ nhất cần kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp, trang web, trang mạng xã hội đăng tin. Phải xác thực thông tin tuyển dụng đó có đúng là chính chủ. Việc bảo mật thông tin cá nhân (căn cước công dân, sổ bảo hiểm, thẻ và tài khoản ngân hàng…) là cần thiết để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm dụng thông tin cá nhân đó và đưa ra những ràng buộc lại. Đặc biệt, không nên chuyển khoản, đóng bất kỳ khoản tiền nào bởi gần như các hoạt động tuyển dụng chính thức không yêu cầu người lao động phải đóng tiền.

Hiện tại có nhiều đơn vị, trung tâm như Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (thuộc Thành Đoàn TP.HCM)… đang cập nhật hàng giờ về những đầu việc cần lao động. Người lao động nên tìm đọc thông tin việc làm ở những trang web, trung tâm việc làm uy tín, chính thống để tránh tình trạng bị lừa đảo.

Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên hiện đang có khoảng 2.000 đầu việc, sắp tới con số sẽ tăng khoảng 6.000 đầu việc.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 12.

Nhiều sinh viên ở Đồng bằng sông Cửu Long chọn tìm việc làm thêm chủ yếu thông qua "kênh" thông tin của người thân, bạn bè, các anh chị sinh viên cùng trường để tránh bị lừa đảo làm xong nhưng không được nhận tiền công.

Bạn Nguyễn Thị Như Ý - sinh viên năm nhất Trường đại học Cần Thơ - nhờ bạn bè giới thiệu nên cô tìm được công việc bán bánh mì, được trả thù lao 16.000 đồng/giờ làm. Như Ý tranh thủ làm từ 4-5 tiếng/ngày và được nhận thù lao ngay sau ca làm.

"Trước đó, tôi thấy tin tuyển gấp sinh viên bán hoa 20.000 đồng/giờ trên các trang tuyển dụng trên Facebook. Thấy vậy tôi liên hệ thì được người chủ nhắn tin chốt hẹn ngày giờ đi làm rất nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đã làm xong ca từ 15h-23h tôi không thấy mặt người chủ, gọi điện và nhắn tin không thấy ai trả lời. 

Tôi biết đã bị gạt, và rút kinh nghiệm cần thận trọng trước thông tin tuyển gấp lương cao hoặc khi xin việc thì phải đến nơi gặp trực tiếp người tuyển dụng để phỏng vấn và nhận việc", Như Ý kể.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 13.

Ở các thành phố lớn có nhiều cơ hội việc làm thời vụ cho các sinh viên - Ảnh minh họa: CÔNG TRIỆU

Còn bạn Lưu Hoài Liêm - sinh viên năm thứ ba ngành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Cần Thơ - cho biết trước đây khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ và chi hội sinh viên thì được các sinh viên khóa trên giới thiệu cho các nơi đang cần tuyển sinh viên làm thêm. Từ đó, Liêm liên hệ xin làm việc bán thời gian ở một siêu thị của Cần Thơ và được trả 15.000 đồng/giờ làm. "Công việc này tôi thấy rất tốt và yên tâm làm không sợ bị gạt", Liêm kể.

Hoài Liêm nói thêm: "Các anh chị khóa trên cũng chỉ ra "chiêu thức" mà các công ty bán hàng đa cấp sẽ dẫn dụ sinh viên như rủ rê tham gia chương trình bán sản phẩm, vẽ nên sự hào nhoáng về công việc bán hàng đa cấp… đến khi bị tình trạng tương tự thì tôi nhận ra ngay đây là chiêu trò của các công ty bán hàng đa cấp nên đã từ chối ngay và bỏ đi".

Trong khi đó, Nguyễn Trọng Phúc - tân sinh viên Trường đại học Trà Vinh - chia sẻ sinh viên đi làm thêm nên thật thà, siêng năng, vui vẻ, tận tâm với công việc và biết giúp đỡ những bạn sinh viên khác làm chung, đó là "bí kíp" giúp người chủ thương hơn và tạo điều kiện tốt hơn khi đi làm.

Phúc tự tin với công việc đầu đời được người quen giới thiệu đó là bán hoa sáp online và shipper giao hoa. "Một bó hoa sáp có giá 150.000 - 250.000 đồng, tôi được trả 9.000 đồng/bó hoa bán được. Khi đi giao cho khách, họ thấy tôi vui vẻ, tháo vát, nhiều chị khách thương cho thêm 20.000 đồngđổ xăng. Thiệt tôi mừng lắm!", Phúc cười tươi nói.

Ông Nguyễn Duy Phúc - giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ - cho biết những năm qua đơn vị đã thành lập group Zalo có tên Nhóm sinh viên làm thêm. Hiện tại nhóm đã có gần 1.000 thành viên gồm sinh viên, tân sinh viên và người lao động đang tìm việc làm của khu vực miền Tây.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 14.

Ngày hội khởi nghiệp thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Theo đó, trung tâm sẽ thu thập thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, nhà hàng. Sau đó, đơn vị sẽ phối kiểm, duyệt và xác thực cụ thể như công việc, mức lương, nơi làm việc… để tránh công việc ảo, lừa đảo sinh viên.

"Với công việc bán thời gian như bán quán nước, trà sữa, quán ăn, phục vụ tiệc cưới dành cho các bạn sinh viên và tân sinh viên thì mức thù lao từ 18.000 đồng/giờ làm trở lên nhóm mới duyệt, mẫu tin tuyển dụng đó mới được đăng lên nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên đi làm thêm không bị bóc lột", ông Phúc nói.

Ngoài ra, trung tâm còn định kỳ tổ chức ngày hội tuyển dụng, tư vấn khởi nghiệp thu hút hàng trăm sinh viên và doanh nghiệp tham dự. Là nơi nhà tuyển dụng và sinh viên gặp nhau, phỏng vấn trực tiếp cũng mang lại hiệu ứng tốt cho mảng việc làm ở Cần Thơ.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 15.
Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 16.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - chia sẻ thời điểm gần Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Đây là cơ hội cho sinh viên tìm việc, nhất là các vị trí làm việc bán thời gian (part-time), không yêu cầu kinh nghiệm…

"Các vị trí trong nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… giúp các bạn trẻ có nguồn thu nhập, kinh nghiệm", ông Thành cho hay.

Theo vị này, có nhiều chiêu thức lừa đảo như việc làm sinh viên, việc làm thời vụ, việc làm online. Hình thức phổ biến là lừa sinh viên vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm tại nhà hoặc làm thêm online song phải đóng phí, nộp tiền cọc. Có trường hợp sinh viên bán hàng online, làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng sẽ bị chiếm đoạt tiền, bị đe dọa.

Các bạn trẻ, nhất là tân sinh viên, cần tham khảo các kênh, đơn vị tìm việc chính thống như Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội (Thành Đoàn Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)…

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 17.

Sinh viên tìm việc làm nên tìm đến các kênh uy tín và chính thống để tránh bị lừa - Ảnh: HÀ QUÂN

Từ giờ tới cuối năm, sinh viên có thể tham gia các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, cơ hội tìm việc bán hàng, dịch vụ, vận chuyển, đóng gói sản phẩm, trang trí… Nhà tuyển dụng đưa ra nhiều chế độ, thời gian linh hoạt, mức đãi ngộ hấp dẫn. Với những thông tin tuyển dụng trên mạng, ông khuyến cáo sinh viên tìm hiểu kỹ và liên hệ thực tế. Tuyệt đối không đặt cọc, chuyển cọc, nhận đơn hàng làm thêm phải đóng phí, tránh bị lừa đảo.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều admin (quản trị viên) trên các trang tìm việc, việc làm thêm tại Hà Nội phải đăng bài cảnh báo lừa đảo tuyển dụng. Đặc điểm là đăng tin tuyển dụng, đánh vào tâm lý muốn làm việc nhàn nhã, trả tiền ngay, thời gian linh hoạt, làm online…

Chẳng hạn, sinh viên nhắn tin hỏi tìm việc, kẻ lừa đảo sẽ báo là không còn việc đó, mời chào sang việc khác. Thời gian đầu, người nhận việc sẽ được trả hoa hồng, lương đầy đủ nhưng sau đó người lao động sẽ phải ứng tiền, chuyển tiền trước. Khi số tiền đủ lớn, việc trả tiền công, tiền lãi, hoa hồng sẽ dừng lại.

"Người lao động cần nâng cao cảnh giác với bất kỳ tin đăng tuyển dụng nào và cần có các biện pháp xác minh chủ động và an toàn. Xin lưu ý đừng ham việc nhẹ lương cao bởi các công việc lành mạnh thực sự phải cần sức lực bỏ ra", một admin trên Facebook chia sẻ.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Tân sinh viên tìm việc làm thêm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần thơ: Làm sao tránh bẫy lừa? - Ảnh 20.
CÔNG TRIỆU - VŨ THỦY - KIM SÁNG - HÀ QUÂN - ĐOÀN NHẠN - LAN NGỌC
CÔNG TRIỆU - HÀ QUÂN - ĐOÀN NHẠN
VÕ TÂN
15-11-2024
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp