Bị cáo bị dẫn giải về trại giam - Ảnh: T.Mai |
Vợ chết, chồng đi tù, nhà cửa đã bán hết, con trẻ bơ vơ và người mẹ già không ai chăm sóc...
Người bị hại - chị Tâm - là cán bộ phòng tiếp dân ở ủy ban nhân dân phường. Bị cáo - chồng chị - là một công an khu vực tận tụy, nhiều năm liền được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Anh chị có một mái nhà nhỏ, hạnh phúc với hai đứa con xinh xắn, ngoan hiền.
Thế nhưng không ai biết chị Tâm cần một số tiền lớn để làm gì. Chỉ đến khi có một nhóm côn đồ mang dao rựa đến tận nhà đòi nợ, sự việc mới vỡ lở. Ai hỏi chị vay mượn nhiều tiền thế để làm gì, chị cũng không nói.
Bà Ngọc, mẹ ruột chị Tâm, gặng hỏi mãi cũng không được. Mỗi lần hỏi đến con gái không nói mà chỉ than khóc, đòi chết nên cũng đành giấu con rể cầm cố căn nhà đang ở để đưa tiền cho con trả nợ. Thế vẫn không đủ...
Về phần bị cáo, chẳng biết vợ mượn nợ tất cả bao nhiêu, để làm gì, gặng hỏi không được nhưng vì thương vợ, không muốn vợ phải rầu rĩ, lo sợ suốt ngày vì chuyện tiền bạc nên đã bán căn nhà cha mẹ để lại để trả nợ nần.
“Lúc đó vợ bị cáo nói rằng đã trả hết rồi nhưng sau đó lại nói vẫn còn thiếu một ít nữa” - người đàn ông có gương mặt đen sạm và khắc khổ thú nhận trước vành móng ngựa. Cứ cách vài ngày chủ nợ lại đến nhà đòi tiền, cái gì bán được cũng đã bán hết, nhưng nợ vẫn hoàn nợ.
Nửa tháng trước, anh vừa đi vay mượn của bạn bè được gần 150 triệu đồng đem về cho vợ trả nợ. Nhưng vẫn thiếu...
Nhìn dáng vẻ tiều tụy và những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt của bị cáo, người ta không khỏi xót xa. Suốt cả phiên tòa, bị cáo không một lời than thở, trách móc hay đổ lỗi cho vợ.
Rồi nhiều đoạn như chợt nhớ về tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm, bị cáo lại không cầm được nước mắt: “Vợ chồng bị cáo trước đây sống rất hạnh phúc, chưa từng nặng lời với nhau”, “Bị cáo không biết vợ mượn tiền để làm gì vì vợ giấu, nhưng bị cáo làm chồng phải có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng với vợ, chỉ tiếc là vợ bị cáo đã không chịu cùng bị cáo vượt qua khó khăn”.
Quá cùng quẫn vì nợ nần, không muốn vợ sống trong ám ảnh, sợ hãi, bị cáo đã giải thoát cho vợ rồi tự tử để vợ chồng mãi mãi bên nhau.
Có lẽ hiếm có phiên tòa nào mà những giọt nước mắt và sự thương cảm dành cho bị cáo lại nhiều đến vậy.
Sự chân thành, tình yêu và sự bao dung của bị cáo làm cảm động đến cả những người ngoài cuộc. Ai cũng tiếc, tiếc cho một gia đình êm ấm vì nợ nần mà tan nát, tiếc cho tình nghĩa vợ chồng đành đoạn. Tuy vậy, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tội lỗi mình gây ra.
Viện kiểm sát nghiêm giọng: “Bị cáo khuyên can vợ không được thì phải có biện pháp khác chứ, sao lại có thể giải quyết tiêu cực như vậy? Bị cáo có nghĩ đến các con sau này sẽ ra sao không khi cha là kẻ giết người, hơn nữa nạn nhân chính là mẹ mình? Chính hành vi của bị cáo đã đẩy gia đình mình đến bi kịch!”.
Bị cáo không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt đang đua nhau rơi xuống.
Cáo trạng xác định: Lê Văn Lũy (54 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) và chị Huỳnh Thị Bửu Tâm (55 tuổi) là vợ chồng. Do chị Tâm vay tiền của nhiều người và bị các chủ nợ liên tục đến nhà thúc ép, đòi tiền nên chị quẫn bách, có ý định tự tử. Khoảng 1g30 ngày 5-1-2015, Lũy thức dậy thì thấy chị Tâm ngồi khóc nên Lũy ân cần động viên, khuyên nhủ vợ nhưng chị Tâm không nghe mà lấy con dao để trong hộc tủ ra đòi tự tử. Thấy vậy, Lũy giật con dao lại và tiếp tục khuyên vợ đi ngủ, mọi chuyện để sáng hôm sau giải quyết nhưng chị Tâm vẫn cố chấp, một mực đòi chết. Quá mệt mỏi và quẫn trí, Lũy nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử theo. Lũy tước dao trên tay chị Tâm rồi đâm nhiều nhát vào ngực chị. Sau khi giết vợ, Lũy ôm lấy vợ ngồi khóc một lúc rồi viết thư tuyệt mệnh để lại cho các con. Sau đó, Lũy dùng dao đâm vào ngực, cổ, cắt mạch máu tay trái rồi ôm vợ tự vẫn, nhưng không chết. Ngày 17-9, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Lũy 7 năm tù về tội giết người. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận