Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là đề xuất đáng chú ý của ông Lê Anh Tuấn sau khi được bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM vào sáng 29-12.
Theo ông Tuấn, trong hai cấp thì cấp trên là hội đồng quản trị với chủ tịch và các thành viên đến từ Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, đại diện cho người bệnh, cũng như lãnh đạo bệnh viện. Cấp dưới là hội đồng quản lý đứng đầu là giám đốc, kế đến là các phó giám đốc và trưởng các phòng chức năng.
"Sở dĩ tôi có đề xuất này vì hệ thống y tế nước ta chưa có một mô hình quản lý bệnh viện phù hợp, vừa cho phép bệnh viện nâng cao năng lực tự chủ nhưng song song đó có bộ máy giám sát, quản trị để hỗ trợ bệnh viện. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro ngày càng tăng của các giám đốc bệnh viện" - ông Tuấn phân tích.
Theo ông, trong những năm qua Việt Nam đã đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện và việc này đã mang lại nhiều thành quả trong việc tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, qua đó giúp thay đổi phong cách phục vụ của nhân viên y tế theo chiều hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, đi đôi với việc giao quyền tự chủ, hệ thống pháp luật quy định về tự chủ, liên doanh - liên kết, xã hội hóa, các quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế vẫn còn chưa hoàn thiện. Các quy định này còn chồng chéo, hoặc chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Đây cũng là nguyên nhân, theo ông là làm gia tăng các vụ việc vi phạm, sai phạm về quản lý tài chính, vi phạm về đấu thầu trên toàn quốc, trong đó có sự việc của Bệnh viện Mắt TP.HCM. "Nếu bỏ qua yếu tố cố ý làm trái hoặc lợi ích nhóm, hiện tượng này cũng đã cho thấy mô hình quản lý giao quyền quyết định quá nhiều cho giám đốc bệnh viện đã không còn phù hợp khi đẩy mạnh quyền tự chủ cho các đơn vị" - ông Tuấn khẳng định.
Vấn đề mà tân giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM đề xuất cũng đã được ngành y tế TP.HCM nêu trong sáu kiến nghị lãnh đạo TP.HCM mới đây nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện tại của nhiều bệnh viện sau hơn 20 năm chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên.
Giám đốc không có quyền tự quyết
Bệnh viện luôn được xếp vào loại tổ chức có cấu trúc phức tạp cả về cấu trúc lãnh đạo, nhất là khi các bệnh viện công lập chuyển sang tự chủ. Tại các nước có hệ thống y tế phát triển, các giám đốc bệnh viện cũng đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến pháp luật và những khó khăn hơn bao giờ hết trong phát triển bệnh viện.
Một trong những thay đổi lớn để thích ứng với tình hình mới chính là thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện. Cụ thể tại châu Âu, khi các bệnh viện công lập chuyển sang cơ chế tự chủ thì quyền quyết định không còn tập trung ở một người đứng đầu là giám đốc bệnh viện, mà thay vào đó là cả một hội đồng hai cấp.
Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng hầu hết các bệnh viện tự chủ đều được vận hành bởi ban kiểm soát (Supervisory Board) và ban quản trị (Management Board) bệnh viện (thay vì chỉ có giám đốc và phó giám đốc như các bệnh viện công lập ở nước ta hiện nay).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận