Thời gian gần đây, Úc trở thành thiên đường mơ ước của hàng trăm người lao động khu vực miền Trung. Các chiêu bài được đưa ra để dụ người lao động như: xuất khẩu lao động, du học vừa học vừa làm, thậm chí cả đường vượt biên...
Kỳ 1:Tiền mất nợ mang, bán nhà trả nợ
Phóng to |
Dương Đức Thông (trái) kể lại chuyến vượt biển hãi hùng. Nhờ bán đất trả nợ nên anh Thông không phải trốn chui trốn nhủi như những người khác - Ảnh: Vũ Toàn |
Họ giờ đây khóc than và trách phận, lâm cảnh bần cùng.
Đến Úc bằng đường... vượt biên
Ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hàng chục người đang đau nỗi đau “giấc mơ Úc”. Dù câu chuyện vượt biển đến Úc bất thành đã trôi qua khá lâu nhưng sự đau khổ vẫn hằn trên khuôn mặt chị Hoàng Thị Lý vì món nợ trên 200 triệu đồng từ chuyến đi Úc thất bại của chồng để lại.
Trong hàng chục nạn nhân bị mất tiền trong vụ này, hai vợ chồng chị Lý có hoàn cảnh khó khăn nhất. Vợ chồng có hai con, quần quật quanh năm vẫn bữa đói bữa no, đến như người ta nói “sống cái nhà, già cái mồ”, vậy mà vợ chồng con cái vẫn phải tá túc trong ngôi nhà cũ nát của người bác ruột cho ở tạm. “Khi nghe bà con trong xóm nói có đường dây đưa đi Úc bằng đường biển, hai vợ chồng bàn nhau cắm sổ đỏ vay nóng 13.000 USD để nộp cho đường dây, mong được đến Úc kiếm tiền làm nhà. Nhưng không ngờ đó lại là đường dây lừa đảo, giờ hai vợ chồng tôi phải nai lưng gánh món nợ chưa biết khi nào trả được” - chị Lý cay đắng.
Hàng xóm của vợ chồng chị Lý nhiều người cũng là nạn nhân. Anh Dương Đức Thông (cùng anh trai là nạn nhân Dương Đức Thảo, đã dạt vào Nam trốn nợ) cho biết ban đầu những người trong đường dây hứa đưa vào Sài Gòn làm hộ chiếu để bay sang Úc, giá ban đầu là 30.000 USD. Nhưng sau khi mọi người vào Sài Gòn thì họ lại đưa tất cả xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, lên thuyền... vượt biên với giá 13.000 USD/người!
Bần thần nhớ lại chuyến vượt biên đầy bất trắc, anh Thông kể: “Trước khi lên máy bay vào Sài Gòn chúng tôi phải đặt cọc cho đường dây 6.000 USD. Tới nơi chúng tôi được đưa xuống Tiền Giang ở trọ một tuần không được ra ngoài. Sau đó, họ cho ghe chở chúng tôi xuống Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây có thêm hàng chục người khác nhập hội. Trước khi lên thuyền vượt biên, mỗi người đóng thêm 7.000 USD. Ngày 16-6-2012, chúng tôi gồm 35 người cùng tài công chạy ghe lên đường vượt biển. Ghe chạy được hai ngày tới vùng biển Malaysia thì chết máy. Tài công liên lạc với đường dây, thuê hai tàu ra lai dắt vào... Vũng Tàu để sửa máy tiếp tục chuyến đi”...
Sau khi vào bờ sửa máy, Thông cùng một người khác phần say sóng, phần nghi ngờ có gì đó không ổn nên quyết định chấp nhận mất tiền, quay về quê. Ngày 24-6 ghe sửa xong máy, chuẩn bị tiếp tục vượt biển thì bị Công an Vũng Tàu bắt giữ. Các nạn nhân ngỡ ngàng nhận ra chuyến vượt biển đi Úc là chuyến đi liều mạng vì chẳng biết đi như thế nào, đến đâu, để làm gì...
Bán nhà trả nợ
Xã Cương Gián có hơn mười người bị lừa đi Úc. Họ hiện đều không có ở nhà, theo các cán bộ xã này thì hầu hết đều dạt vào Nam hay ra Bắc để cày trả nợ và cũng là... trốn nợ. Duy chỉ còn mình anh Dương Đức Thông ở nhà làm thuê lây lất trong xóm.
Chuyến đi Úc bất thành của anh Thông để lại cho gia đình món nợ 13.000 USD. Bà Lê Thị Xuân (mẹ của anh Thông) than thở: “Nghe người ta nói lương bên Úc 40-50 triệu đồng/tháng. Ai ngờ tiền mất nợ mang, đã nghèo giờ còn thống khổ hơn”. Với món nợ 13.000 USD, gia đình bà Xuân phải trả lãi 2 triệu đồng/tháng. Lúc quẫn phải vay nóng nơi này đập nơi kia. Rồi chịu hết xiết vì nợ nần, bà Xuân phải đứt ruột bán đi một phần đất hương hỏa để trang trải. “Nhờ bán đất trả được nợ nần nên thằng Thông con tui không phải trốn nợ như nhiều người khác” - bà Xuân rơi nước mắt.
Không bán được đất như bà Xuân vì sổ đỏ đang nằm trong ngân hàng, hai vợ chồng chị Hoàng Thị Lý quyết định vay thêm 6.000 USD của “tín dụng đen” để chồng chị Lý là anh Đinh Văn Luyến tiếp tục sang Angola kiếm tiền trả món nợ đi Úc. “Nhưng đi được gần cả năm nay mà chỉ gửi về được vài ngàn USD đủ để trang trải nuôi con cái và trả lãi nợ vay. Hiện chồng tôi cũng đang tính về lại VN vì ở Angola ít việc làm, sợ bệnh sốt rét và sợ nhất là bị cướp và chết lúc nào không hay. Nhưng nếu về thì nợ chồng nợ, biết khi nào trả hết đây...” - chị Lý nghẹn lòng nói không dứt lời.
2 chuyến đi, 85 người bị lừa - kẻ vào tù, người ôm nợ Nhiều nạn nhân cho biết đã nhiều lần kéo lên nhà của hai người trong đường dây tổ chức đi Úc là Nguyễn Đình Kính và Phạm Văn Tương ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc, Nghệ An) để đòi lại 13.000 USD của mỗi người. Nhưng gia đình hai người này cũng chỉ trả lại cho mỗi nạn nhân 1.000 USD và hứa khi nào có tiền trả tiếp. “Chắc là phải chịu mất tiền thôi vì cả ông Kính và ông Tương đang ngồi tù vì lừa đảo chúng tôi trong chuyến vượt biên đi Úc” - Thông cho hay. Đường dây lừa đảo đi Úc của Kính và Tương cùng một vài người khác đã tổ chức hai chuyến đi với 85 người. Trong đó 50 người của chuyến đầu bị cảnh sát Indonesia bắt và trục xuất về nước. Chuyến thứ hai gồm 35 người đều bị bắt tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận