Câu chuyện của cô gái trẻ T.T.N. (26 tuổi), ở TP Cần Thơ phải một mình ra tòa ly dị người chồng Đài Loan mà cô kết hôn thông qua mai mối là một trong những câu chuyện buồn như thế.
Đổ vỡ chóng vánh
Đi một mình từ huyện Cờ Đỏ lên TAND TP Cần Thơ, N. với dáng vóc và khuôn mặt thanh tú bước chậm rãi vào cổng tòa. Theo hồ sơ, N. xin được ly hôn với chồng người Đài Loan lớn gần gấp đôi tuổi mình. Hôm nay, N. đến tòa một mình. Cô ngồi lọt thỏm trong phòng xử với gương mặt đượm buồn.
Tiếng chuông reo lên báo hiệu bắt đầu phiên tòa. Khi được tòa hỏi: "Chồng chị tên gì?", N. ú ớ không nhớ, không nói được tên chồng.
Cô kể: Qua mai mối cô gặp được người đàn ông Đài Loan lớn tuổi và làm đám cưới sau ba lần gặp mặt. Tất cả giao tiếp đều thông qua người phiên dịch và cũng chính là người mai mối. Sau khi kết hôn, sống chung được mấy tháng thì "chồng" cô hứa sẽ làm thủ tục rước cô về Đài Loan, nhưng sau đó đi biệt tăm luôn.
"Hôn nhân kéo dài được khoảng nửa năm gì đó tôi cũng không nhớ rõ. Không thể giao tiếp được với nhau, lại cách xa địa lý, dần dà tình cảm vợ chồng không còn nên tôi quyết định ly hôn..." - N. nói.
Vị chủ tọa phân tích: "Sống chung được mấy tháng thì làm gì có tình cảm trong khi bất đồng ngôn ngữ, lối sống và khác biệt văn hóa. Qua đây cũng là bài học cho chị em phụ nữ, cần phải cảnh giác với việc mai mối hôn nhân ngoài nước như thế này. Đừng ảo tưởng lấy được chồng ngoại sẽ đổi đời, mà cần phải tìm hiểu kỹ xem có hợp nhau không để cùng lao động, cùng xây dựng gia đình... mới là quan trọng nhất".
Tương tự, T.T.L. (29 tuổi, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) trình bày trước tòa trong nước mắt: "Tôi nghĩ nhiều, cảm thấy vô cùng hối hận trong cuộc hôn nhân với người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi mà trước đó hai bên gặp nhau chỉ có ba lần".
L. cho biết "sính lễ" cưới gồm 60 triệu đồng và 1 lượng vàng được anh chồng người Trung Quốc 46 tuổi mang đến. Nhưng sau lễ cưới thì người mai mối đã giữ lại lượng vàng, gia đình cô chỉ nhận 60 triệu đồng.
"Cưới xong, chồng tôi bỏ mặc tôi với gia đình, ổng toàn lên Sài Gòn ăn chơi cùng bạn bè. Không giao tiếp được nên tôi nhờ người phiên dịch hỏi thì ổng hằn học nổi giận vì không muốn tôi biết về cuộc sống riêng của ổng..." - L. nhớ lại. Vừa đăng ký kết hôn xong là anh chồng đi mất biệt, không một cuộc điện thoại. Thấy không thể hàn gắn, tuyệt vọng chờ chồng nên L. gửi đơn yêu cầu xin ly hôn.
Xót xa nhất có lẽ là trường hợp của N.T.H. ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ở tuổi 18 tràn đầy sức sống với đầy những ước mơ về tương lai tươi đẹp, nhưng H. lại quyết định rẽ hướng cưới một người đàn ông Trung Quốc. Những tưởng cánh cửa hạnh phúc mở ra cho mình khi gia đình chồng hứa hẹn sẽ làm thủ tục đón H. về ở chung, nhưng sau một thời gian ở chung chán chê rồi, ông chồng cũng ra đi biệt vô âm tín. Không còn cách nào khác, để tự giải thoát cho mình, H. phải đơn phương xin ly hôn.
Gia tăng án ly hôn với người nước ngoài
Những trường hợp trên chỉ là một trong số nhiều vụ ly hôn mà các tòa án ở TP Cần Thơ thụ lý giải quyết. Tình trạng ly hôn với một bên là người nước ngoài vẫn đang gia tăng. Ông Đặng Văn Hùng - phó chánh án TAND TP Cần Thơ - cho biết việc giải quyết số vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do phải chờ kết quả ủy thác tư pháp cho đương sự là người nước ngoài. Nhiều vụ tòa đã ủy thác tư pháp cho đương sự ở nước ngoài nhưng chậm hoặc không có kết quả, nên số lượng án chưa giải quyết được còn khá nhiều.
Tuy việc thụ lý giải quyết gặp khó như thế, nhưng án loại này vẫn tăng cao. Tình trạng kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc) vẫn tăng. Nhiều phụ nữ Việt kết hôn vì muốn "mượn xuồng qua sông", hi vọng giấc mơ được đổi đời nhờ lấy chồng ngoại, được ra nước ngoài sinh sống và làm việc... Tuy nhiên, cuộc hôn nhân được "thỏa thuận" với nhiều hứa hẹn lại nhanh chóng đổ vỡ bởi:
Sự khác biệt văn hóa, điều kiện sống, thời tiết, cách ăn ở, chênh lệch tuổi quá lớn…, thêm vào đó là bất đồng ngôn ngữ dẫn tới không thể chia sẻ vui buồn, khiến hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ.
Một cô dâu Việt trải lòng
Thứ nhất, thông qua mai mối rồi cả hai bên gặp mặt nhau chỉ vỏn vẹn vài lần, thậm chí có trường hợp gặp chỉ vài giờ đồng hồ rồi nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Vì thế, họ không có đủ thời gian để hiểu nhau, yêu thương nhau. Mặt khác, bất đồng ngôn ngữ, khoảng cách địa lý xa xôi cũng là rào cản lớn khiến cô dâu Việt và người chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, điều này dẫn đến hôn nhân rơi vào bế tắc, tẻ nhạt, rạn nứt.
Thứ hai, khác biệt phong tục tập quán, cách sống cũng là tác nhân khiến nhiều phụ nữ lấy chồng ngoại nản với chính cuộc hôn nhân mà trước đó họ từng nghĩ sẽ dùng nó làm "bàn đạp" để ra nước ngoài. Nhiều cô dâu Việt kể rằng bản thân họ không thể ngờ được cuộc sống trên quê hương chồng lại rất vất vả, chứ không màu hồng như họ từng nghĩ.
Xét xử rất nhiều vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, ông Hùng chia sẻ: "Khi được tòa tuyên xử chấp nhận yêu cầu ly hôn, có trường hợp cô dâu Việt đã rướm lệ, có cô khóc òa lên, lại có những cô đã phải nghẹn ngào cho đây là bài học kinh nghiệm xương máu trong việc quyết định hôn nhân quá vội vã".
Quyền mưu cầu hạnh phúc là chính đáng nhưng phải suy xét thật kỹ lưỡng, đừng để phải mong manh tan vỡ giấc mơ chồng ngoại.
Theo ông Đặng Văn Hùng, qua các vụ ly hôn cho thấy đa số cô dâu Việt chịu lấy chồng ngoại đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít học, không nghề nghiệp, chủ yếu làm thuê làm mướn.
Họ muốn thay đổi cuộc sống bằng cách đi nước ngoài làm kiếm tiền gửi về cho gia đình. Đây là động lực thôi thúc họ chấp nhận cuộc hôn nhân với người ngoài nước. Có thể nói, cả cô dâu Việt và người chồng chưa thực sự tạo ra được giá trị hôn nhân đích thực, dẫn đến việc phải ly hôn để tìm cuộc sống mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận