19/12/2013 07:05 GMT+7

Tận dụng WiFi thay 3G

ĐỨC THIỆN ghi
ĐỨC THIỆN ghi

TT - Hơn 150 ý kiến phản hồi của bạn đọc về loạt bài “Choáng với cước 3G” (Tuổi Trẻ ngày 16, 17 và 18-12) là nỗi bức xúc của người trong cuộc, đồng thời chia sẻ cách hạn chế trả tiền oan cho phí dùng 3G. Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ cuối:

tO20w4q1.jpgPhóng to
Chọn mua 3G trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

* Luật sư Lê Minh Trường (giám đốc điều hành Công ty luật Minh Khuê):

Nhà mạng thiếu cảnh báo

Trước đây tôi dùng dịch vụ 3G mất chỉ 40.000-80.000 đồng/tháng nhưng hai tháng trở lại đây cước của tôi lên đến gần 1 triệu đồng. Tháng đầu tôi nghĩ có thể do con mình dùng để xem video nhiều nên tốn kém, nhưng đến tháng thứ hai tôi chủ động không cho con dùng và theo dõi thì thấy cước phí đã tăng khủng khiếp dù tôi chỉ dùng để đọc tin tức, email là chính. Khi nghe tăng giá, tôi tính nhẩm nếu có tăng đến 50% thì cũng chỉ tốn cao lắm 200.000 đồng, nhưng thực tế cước phí của tôi đã tăng đến hơn 10 lần. Đáng lẽ nhà mạng phải có thông tin cụ thể về việc tăng giá cước cũng như có cảnh báo đến người dùng về việc nếu không đăng ký gói cước cụ thể sẽ có thể bị trừ rất nhiều tiền.

* Ông Nguyễn Xuân Thanh (trưởng ngành hàng nội dung số Viễn Thông A):

Lựa chọn gói cước phù hợp

Trong bối cảnh cước 3G cao hiện nay, người dùng nên chủ động tìm hiểu kỹ các thông tin về gói cước để lựa chọn cách sử dụng tiết kiệm nhất. Chẳng hạn các nhà mạng đang cạnh tranh nhau bằng cách chạy chương trình khuyến mãi khi mua sim 3G, do đó nếu đang sử dụng máy tính bảng thì người dùng nên tham khảo trước thông tin để tận dụng các sim khuyến mãi này. Với người dùng sử dụng 3G trên điện thoại đi động, việc lựa chọn gói cước phù hợp rất quan trọng. Nếu là người có nhu cầu sử dụng 3G nhiều cho việc kiểm tra email, lướt web, mạng xã hội Facebook, chat Yahoo... nên đăng ký các gói cước trọn gói hằng tháng của các nhà mạng. Nếu là người có nhu cầu sử dụng nhiều dữ liệu hơn để chơi game online, lướt web và mạng xã hội thì nên lựa chọn gói cước trọn gói với chi phí khoảng 200.000 đồng/tháng. Còn nếu ít có nhu cầu sử dụng 3G thì nên đăng ký các gói theo dung lượng để được sử dụng miễn phí một mức dung lượng nhất định và sau đó tính cước theo nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng song song cùng WiFi.

Tại các thành phố lớn như TP.HCM có rất nhiều điểm cung cấp WiFi miễn phí, người dùng nên tận dụng tối đa hình thức kết nối này. Chẳng hạn khi cần tải các ứng dụng, phim, ảnh, nhạc nên sử dụng WiFi thay cho 3G để tiết kiệm dung lượng và chi phí. Ngoài ra khi không cần thiết, người dùng nên chủ động tắt 3G nhằm tránh tình trạng các ứng dụng tự động cập nhật làm tốn tiền.

* Ông Carl Ngô Nguyên Kha (CEO Mobiistar):

Tải ứng dụng tìm điểm cung cấp WiFi miễn phí

Công ty Wada vừa phối hợp với Hãng điện thoại Mobiistar cung cấp phần mềm giúp tìm kiếm các điểm WiFi. Đó là ứng dụng Wada WiFi Maps giúp tìm kiếm và kết nối với các điểm WiFi công cộng và các điểm WiFi cá nhân nếu cá nhân đó đã chia sẻ truy cập. Ứng dụng này cho phép người dùng kết nối WiFi tại nhiều nơi, nhất là ở các thành phố lớn cũng như chia sẻ dữ liệu của các điểm WiFi công cộng và cá nhân. Thông tin về chất lượng kết nối và chi tiết địa điểm WiFi được cung cấp đầy đủ cho người dùng. Hiện tại hàng trăm ngàn dữ liệu điểm phát WiFi miễn phí đã được thu thập. Việc hợp tác cung cấp ứng dụng Wada WiFi Maps nằm trong chiến dịch đem dịch vụ internet miễn phí đến cho người dùng di động. Đây là chiến dịch quan trọng của chúng tôi trong cuối năm nay và năm sau nhằm giúp nhiều người dùng dễ dàng tiếp cận Internet.

Người dùng di động có thể tải ứng dụng về từ kho ứng dụng CH Play trên điện thoại chạy hệ điều hành Android. Sau khi cài đặt, chỉ cần bật ứng dụng lên, các điểm có cung cấp WiFi sẽ hiển thị trên nền bản đồ, tiện dụng cho người dùng trong việc xác định vị trí có WiFi. Từ đó có thể biết trước được địa điểm mình dự định đến có cung cấp WiFi hay không.

Tháo chạy...

Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng việc tăng cước 3G quá nhiều là cú sốc lớn đối với giới sinh viên đang có nhu cầu truy cập mạng thường xuyên để tìm thông tin cho việc học. Bạn đọc Trương Tiến Hòa bày tỏ: “Em là sinh viên ngành công nghệ thông tin, là ngành học liên quan nhiều đến mạng nên đã chọn dùng D-Com 3G của Viettel. Trước đây em nạp 10.000 đồng thì lên mạng được tầm 3-4 giờ, thế nhưng giờ đây nạp chừng ấy tiền chỉ lên mạng được 10-15 phút là tài khoản còn 0 đồng. Như vậy có phải là móc túi sinh viên nghèo? Thật là ức chế quá!”.

“Đối phó” với cước 3G tăng quá khủng khiếp này, nhiều bạn đọc cho biết đã “trốn chạy khỏi 3G”, như lời bạn đọc An An: “Tôi dùng 3G của hai nhà mạng MobiFone và Viettel. Sau đợt tăng giá 3G vừa rồi, sau một tháng sử dụng tôi liền bỏ chạy luôn. Chờ khi nào nhà mạng biết quan tâm đến người tiêu dùng tính cước với giá phải chăng thì tôi tiếp tục sử dụng”. Bạn đọc Mạnh Cường cũng kể: “Nghe các nhà mạng tăng giá cước 3G, tôi trang bị cho cơ quan một đường truyền cáp quang mới thay cho ADSL cũ và lắp hệ thống WiFi cho cơ quan dùng. Ở nhà tôi cũng trang bị đường truyền cáp quang cho mấy nhà dùng chung và cũng lắp WiFi, tốc độ vù vù. Còn đi đâu đó tôi mới dùng 3G, chỉ để kiểm tra mail thôi. Các bạn có điều kiện thì nên dùng WiFi, rủ thêm hàng xóm dùng chung cáp quang cho rẻ. Bỏ 3G luôn đi!”.

Không chỉ đề cập về mức phí tăng, nhiều bạn đọc còn “giận” nhà mạng vì chất lượng 3G vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Bạn đọc Bùi Đức Thuận chua chát: “Trên thực tế các nhà mạng và cơ quan chức năng đã đề cập vấn đề nâng cấp chất lượng mạng 3G, nhưng tới nay gần như chất lượng đang được thả nổi. Suy cho cùng, khách hàng vẫn chưa bao giờ có được hai chữ công bằng”. Cùng nỗi bức xúc này, bạn đọc Trần Quốc Tuấn đề nghị: “Đề nghị Hội bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Có chăng sự lừa dối, trục lợi từ khách hàng qua việc tăng cước này?”.

ĐỨC THIỆN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp