10/07/2017 09:17 GMT+7

Tận dụng nước thải để... phát điện

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Đó là hai bạn Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh, sinh viên Đại học Duy Tân Đà Nẵng, vô địch quốc gia cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố (Go green in the city 2017) tại TP.HCM.

Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Công Tín bên mô hình dự án - Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Công Tín bên mô hình dự án - Ảnh: NVCC

Sáng chế của hai sinh viên này là “Toilet mini generator” - tận dụng nước thải từ hoạt động vệ sinh của con người để phát điện chiếu sáng nhà vệ sinh.

Pin nước tiểu

“Đà Nẵng có nhiều nhà vệ sinh công cộng, người dùng liên tục nhưng vào buổi tối không có hệ thống chiếu sáng, gây khó khăn cho người đi đường là điều mà tụi mình nhận ra.

Qua khảo sát, bình quân mỗi nhà vệ sinh công cộng sử dụng lượng nước từ 8-9m3/tháng, hộ gia đình từ bốn người trở lên sử dụng 12-15m3/tháng.

Lượng nước thải ra này chính là nguồn năng lượng rất tiềm năng, có thể tạo ra nguồn cung cấp điện nhỏ ngay tại chỗ. Từ đó, tụi mình bắt tay thực hiện dự án” - Tín nói.

Dự án nhanh chóng được hai bạn bắt tay nghiên cứu với sự hướng dẫn của các giảng viên nhiều kinh nghiệm và nguồn hỗ trợ tài chính từ Đại học Duy Tân. Hai bạn dựng nhiều mô hình rồi quyết định thực hiện mô hình mô phỏng máy phát điện mini được lắp cho bồn cầu.

Vừa làm mô hình thực tế vừa chuẩn bị phần thuyết trình bằng tiếng Anh cho cuộc thi trong thời điểm thi cử đến gần, cả hai gần như thức trắng nhiều đêm.

Tín cho biết với máy phát điện thì ý tưởng là đặt cánh quạt và môtơ trong một ống nước, khi nước chảy qua sẽ quay cánh quạt làm môtơ quay tạo ra điện.

Thiết kế này có thể lắp đặt trong hầu hết các loại ống nước, vòi nước, bồn rửa tay và quan trọng là có thể ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi khác ngoài các điểm vệ sinh công cộng. Pin nước tiểu sử dụng nước tiểu như nguyên liệu chính để phát điện, tương tự pin điện hóa, điểm đặc biệt là có thể sử dụng pin ngay và liên tục.

Với những nhà vệ sinh công cộng được sử dụng thường xuyên thì nước tiểu được thay mới liên tục vì vậy không phải lo về việc hết pin. Điện tạo ra từ hai thiết bị này sẽ được lưu trữ và dùng để chiếu sáng, nhất là các điểm vệ sinh công cộng chưa có hệ thống đèn điện.

Tiềm năng ứng dụng cao

Dự án của Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh đã vượt qua năm dự án của các đội tuyển khắp cả nước để giành cúp vô địch tại vòng chung kết Go green in the city 2017.

Tín chia sẻ: “Các dự án vào vòng chung kết đều rất hay, trong đó có các đội mạnh từ các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Y - dược. Tụi mình rất vui vì ý tưởng của nhóm đã được công nhận và đánh giá cao. Nhờ các thầy hướng dẫn cụ thể mà tụi mình thấy và khắc phục được nhiều hạn chế và có được sự chuẩn bị tốt nhất để tham gia cuộc thi”.

TS Trần Nhật Tân, giảng viên Đại học Duy Tân, người hướng dẫn cho Tín và Thanh, tin tưởng: “Sáng kiến này có nhiều tiềm năng và khả năng cao để ứng dụng vào thực tế, không chỉ tiết kiệm năng lượng và nguồn lực xã hội mà còn phù hợp định hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường.

Hiện các bạn đang hoàn thiện lại dự án, nâng cao hiệu suất và thực hiện các tính toán về hiệu quả của sản phẩm trên quy mô lớn. Chúng tôi rất hi vọng ý tưởng này sẽ được các thành phố lớn lựa chọn phát triển để ứng dụng ngoài thực tế”.

Đại diện Việt Nam tranh tài

Ngoài giải vô địch toàn quốc với giải thưởng 20 triệu đồng, Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh là đội duy nhất của Việt Nam tranh tài khu vực Đông Á, tháng 7-2017.

Năm nay, cuộc thi được Tập đoàn Schneider Electric - tập đoàn toàn cầu về quản lý năng lượng có trụ sở đặt tại Đức - tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên khắp thế giới về các giải pháp tạo ra năng lượng bền vững, giải quyết những thách thức của thế giới hiện tại.

Đến nay, cuộc thi đã qua bảy lần tổ chức với hàng chục ngàn thí sinh từ 170 quốc gia tham gia tranh tài.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp