Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ và EU tại một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thật bất ngờ, trong 2 năm qua số lượng DN tham gia vào hội của chúng tôi có rất nhiều DN đến từ VN, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua có đến 5 DN trong ngành dệt may Việt.
Lý do là họ xuất khẩu sang thị trường Pháp và muốn tìm một kênh có thể cung cấp thông tin.
Chủ động, nhưng chưa đủ
Một trong những vấn đề quan trọng để chuẩn bị hành trang tiến vào thị trường châu Âu đó là thông tin thực tiễn, cái mà người trong cuộc nhận thấy rõ ràng việc tiếp cận lâu nay rất giới hạn.
Cách đây 3 năm, một DN sản xuất nước hoa với sản phẩm Miss Saigon đã tìm hiểu cơ hội hợp tác với Pháp, hay mới đây là một DN lớn về mì gói cũng sang Pháp tìm hiểu cơ hội cho thấy họ rất chủ động đi tìm thị trường lớn.
Số lượng kiều bào đông lên đến 350.000 người nên đem nước hoa sang Pháp không phải "vác củi về rừng", họ vẫn có cơ hội bởi mẫu mã là cô gái Việt, thương hiệu thuần Việt và đã đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế.
Nhưng nếu nhìn vào Top 50 DN VN, chúng ta sẽ thấy đại đa số là bất động sản, ngân hàng, dầu khí... với quy mô khá khiêm tốn trong khi châu Âu lại là những DN rất lớn, đa ngành nghề. Do đó, các DN tư nhân Việt cần phải tăng quy mô, hợp lực, minh bạch.
Ví dụ mới đây các DN Pháp muốn nhập khẩu trang, chúng tôi kết nối và yêu cầu gửi báo cáo tài chính thì các DN Việt người nói không có, người nói bảo mật nên phải mất thời gian mới cung cấp. Trong khi đó, tư duy của DN lớn là họ cần phải minh bạch, biết quy mô tài chính đối tác, nếu chúng ta không đáp ứng là thua.
Để tiếp cận thị trường cần marketing hàng Việt. Một trong những lợi thế tại Pháp là họ có ấn tượng tốt với VN, nhưng đó chỉ là tiền đề. Chúng ta phải đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, ngay từ khẩu vị, bao bì, an toàn thực phẩm...
Có người tự hào với chúng tôi đạt được chuẩn để xuất khẩu mật ong sang châu Âu nhưng không biết rằng châu Âu, đặc biệt là Pháp và Ý, sản xuất mật ong lâu đời, tiêu chuẩn rất ngặt nghèo khi xem xét cách nuôi ong, có giết ong hay không.
Ngay cả tiêu chuẩn bao bì cũng cần tìm hiểu. Như 1 khẩu trang vải kháng khuẩn phải để trong 1 bao riêng, không nên 5 cái trong 1 bao bì như một số DN đã xuất khẩu vừa qua.
Hay như khi bán cà phê, chúng ta hay bán cà phê hòa tan, có vị đường rất nhiều, trong khi dân châu Âu sợ đường. Nhiều DN nhỏ lẻ ở VN cứ muốn vào thẳng siêu thị Pháp, sao không bắt đầu ở siêu thị châu Á, siêu thị Việt ở Pháp trước?
Ông NGUYỄN HẢI NAM (chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp)
Thế mạnh có thể qua nhanh
Chúng ta có thế mạnh riêng song EU cũng đang đàm phán FTA với Thái Lan và Indonesia, lúc đó những thế mạnh sẽ giảm xuống. Chúng ta cần đi nhanh hơn để tận dụng cơ hội.
Trải qua đại dịch COVID-19, các nước lớn ở Tây Âu như Đức, Pháp, Ý đều ý thức rằng không nên quá phụ thuộc về nguồn cung ứng Trung Quốc cũng như VN trong thiết bị y tế. Họ sẽ dè dặt trong việc nhập khẩu hàng thiết yếu từ các nước châu Á. Bên cạnh đó, họ đang và sẽ khôi phục chuỗi cung ứng nội địa.
Cuộc chơi sau COVID-19 đã có thay đổi, cơ hội cho VN cũng nhiều, song thách thức cũng không nhỏ. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm một lối đi riêng "thuần Việt", giảm gia công ít giá trị gia tăng để tận dụng triệt để lợi thế.
Sức ép cho nhiều cơ quan
Hiệp định EVFTA sẽ "ép" DN Việt phải cạnh tranh lành mạnh hơn. Cơ quan chức năng VN cũng phải triệt phá hàng xách tay, hàng lậu, hàng nhái, kiểm soát cá nhân không đăng ký kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội.
Nếu chúng ta quản lý lỏng lẻo xem như vi phạm luật cạnh tranh. Các DN Việt cũng buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao về lao động, môi trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận