23/06/2013 07:39 GMT+7

Tận cùng vui buồn ở "động ông Châu"

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Gặp NSƯT Hữu Châu những ngày này vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì anh hiếm khi chảnh chọe hay tỏ thái độ ngôi sao với bất kỳ ai. Còn khó là vì dạo này anh nhiều việc quá...

TT - Gặp NSƯT Hữu Châu những ngày này vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì anh hiếm khi chảnh chọe hay tỏ thái độ ngôi sao với bất kỳ ai. Còn khó là vì dạo này anh nhiều việc quá...

hFnXas0G.jpgPhóng to
NSƯT Hữu Châu với hình tượng Nguyễn Trãi - vai diễn để đời - trong vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi - Ảnh: Gia Tiến

Nào là đóng kịch, đóng phim truyền hình, phim nhựa, lồng tiếng phim hoạt hình, đi dạy ở trường sân khấu, thậm chí còn đóng cả video clip nhạc trẻ... Hữu Châu bảo: "Giờ tui bắt đầu tập chạy sô chứ không ù lì như trước nữa để mình lúc nào cũng bận rộn cho đỡ buồn!".

Và cứ sau mỗi lần bận rộn như vậy, Hữu Châu lại trở về căn phòng mà anh gọi vui là "động ông Châu". Về và uống bốn lon bia, tối nào cũng vậy, chỉ là cho đỡ buồn.

1KabkLde.jpgPhóng to
Những biểu cảm khác nhau trên gương mặt NSƯT Hữu Châu ở trường quay các bộ phim truyền hình - Ảnh: Phạm Thiết Mẫn

Bất tận buồn đau

Nội NSƯT Hữu Châu vốn được biết đến như một trong những nghệ sĩ sân khấu tài năng và nổi tiếng nhất làng kịch nghệ Sài Gòn hiện nay. Anh được khán giả yêu thích qua vai Nguyễn Trãi trong vở kịch kinh điển Bí mật vườn Lệ Chi, vai Ferdinand trong Âm mưu và tình yêu, vai Lỗ Quý trong vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ, vai lão ẩn sĩ trong vở Đời luận anh hùng... cùng rất nhiều vai diễn được khán giả nhí yêu thích trong loạt kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf.

NSƯT Hữu Châu được sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình nghệ sĩ nổi tiếng của Sài Gòn, bà nội là bà bầu Thơ, chủ đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga lừng lẫy, ba là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nữ nghệ sĩ Thanh Lệ, cô ruột là NSƯT Thanh Nga, chú là NSƯT Bảo Quốc, các cô dì chú bác khác ai cũng có dính dáng đến đờn ca hát xướng.

Lúc Hữu Châu vừa chào đời, bà nội trúng số độc đắc nên mở thêm một gánh hát mới và lấy tên mình đặt cho gánh hát là Dạ Minh Châu, vậy nên anh gần như được cuộc đời mặc định sẽ trở thành một nghệ sĩ nào đó, theo một cách nào đó. Hữu Châu bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình năm 3 tuổi trong một lần được má Ba (NSƯT Thanh Nga) bồng lên sân khấu diễn tuồng Mỹ nhân và loạn tướng với vai em bé bị người ta móc mắt, la "á" lên một tiếng rồi... nghỉ. Ðến năm 12 tuổi, anh được cho đóng mấy vai quân sĩ chạy ra chạy vô sân khấu, rồi bắt đầu chính thức theo nghề sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 cách đây gần 30 năm.

8XLiqPTV.jpgPhóng to

Nhưng đó cũng là giai đoạn mà đại gia đình nghệ sĩ của Hữu Châu bắt đầu những chuỗi ngày bi kịch tưởng như vô tận, mở đầu bằng cái chết oan nghiệt của NSƯT Thanh Nga ngay trước cổng nhà năm 1978. Một năm sau đó, anh ruột anh là diễn viên múa Thanh Hải chết bất đắc kỳ tử trên đường đi lưu diễn phía Bắc vì xuất huyết bao tử. Cuối những năm 1980, cha anh đột ngột qua đời. Sau đó bà nội anh mất do xuất huyết não. Và bốn năm trước, em trai anh là nghệ sĩ Hữu Lộc mất vì tai nạn giao thông mà không kịp trăng trối điều gì. Những cái chết nghiệt ngã trong gia đình trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng Hữu Châu, khiến anh cảm thấy quá sức bơ vơ khi trở thành nghệ sĩ, cái nghề vinh quang nhưng cũng ẩn chứa bao điều cay đắng.

Khoảng thời gian những năm 1980, sân khấu thất sủng vì làn sóng phim chưởng ồ ạt, gánh hát gia đình không còn, nhà nghèo xơ xác, Hữu Châu buộc phải lăn ra đường làm đủ nghề lao động chân tay kiếm sống qua ngày, nhọc nhằn nuôi dưỡng giấc mơ màn nhung và những ánh đèn màu.

Ðến khi đã lập nhóm tấu hài với Hữu Nghĩa tối đi diễn mà sáng vẫn tranh thủ ra bến tàu cưa cây kiếm thêm, rồi bị tụi trẻ con ở bến tàu nhận ra là nghệ sĩ nên mắc cỡ bỏ việc, chuyển nghề... hát lôtô, bơm xe, bán báo... Ðó cũng là khoảng thời gian mà má anh từ một nữ nghệ sĩ mặt hoa da phấn thích được người ta khen đẹp nay bị thời cuộc thổi dạt ra lề đường với một xe bán cà phê mỗi sáng. Những lúc vắng khách, má anh lại ngồi khẽ ngân nga vài câu hát cũ, tự mình hát, tự mình nghe và đó là lúc anh cảm nhận rõ ràng nỗi buồn lớn nhất của một đời nghệ sĩ.

SDyShM2x.jpgPhóng to

Gom nhặt niềm vui

Một buổi tối muộn cách đây mấy hôm, phòng học tầng chín ở Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM vẫn sáng đèn. Trong phòng vọng ra tiếng luyện tập những đoạn thoại hài kịch, chính kịch đầy cảm xúc của các bạn sinh viên để chuẩn bị buổi thi học kỳ môn tiếng nói sân khấu. Bỗng thầy giáo Hữu Châu trợn mắt quát lớn: "Nè, đưa cái môi dưới ra phát âm cho rõ câu đó được không? Sợ xấu hả? Học nghề này mà sợ xấu thì nghỉ đi!". Ngay lập tức, cô bé sinh viên lấm lét làm theo. Thầy lại cười khì hiền khô: "Trời ơi, nhìn bả diễn đạt chưa kìa!".

Thầy Hữu Châu vốn nổi tiếng nghiêm khắc với học trò. Buổi học nào cũng có trò bị "ăn đòn" khi quên lời, vấp thoại hay lấy hơi không đúng. Kỳ lạ là dù sợ thầy một phép nhưng trò nào cũng khoái thầy, vì sau mỗi buổi học lại được thầy dẫn đi ăn vặt, đi hát karaoke, đi công viên hóng gió...Thầy gọi trò là "đám âm binh" rồi than: "Lương đi dạy có 2 triệu mà cho chúng nó ăn hết 5 triệu đồng rồi!". Ðó gần như là một niềm vui quý giá và kỳ lạ mà Hữu Châu tự thấy mình may mắn có được lúc này, sau những thăng trầm khắc nghiệt của cuộc đời và sàn diễn.

Gần đây, "đám âm binh" lại rủ Hữu Châu chơi Facebook cho vui. Vậy là "ông già nhà quê" Hữu Châu (anh đã đóng hơn 100 vai ông già nhà quê trong sự nghiệp của mình) cũng tập tành có được một trang Facebook như ai. Mỗi ngày anh viết lên đó những suy nghĩ riêng hài hước, kể những câu chuyện cười ở sân khấu, trường quay, gửi những lời chúc vui vẻ đến mọi người. Anh bắt đầu gom nhặt những niềm vui bé nhỏ với những đồng nghiệp, khán giả và bạn bè xa gần trên mạng. Như kể chuyện anh được một khán giả tặng hoa đẹp nên đem về chưng ngay trên bàn thờ của cô Thanh Nga, chuyện món cà ri dê mà nghệ sĩ Hữu Quốc tự nấu rồi mang qua cho, chuyện nằm mơ thấy bà nội, chuyện mất mũ bảo hiểm, chuyện buồn ngủ vì phải dậy sớm để diễn Ngày xửa ngày xưa, chuyện bàn thờ tổ nghề của gia đình đã hơn 40 tuổi và là vật quý giá nhất dù bao nhiêu sóng gió đã xảy ra...

Và có cả niềm vui tự nhiên như vầy: "Gần đây, mỗi lần tui diễn Vua Thánh triều Lê xong là mệt lắm! Mệt vì phải lấy hơi cho đầy để thoại có lực cho hay. Mệt vì phải ráng diễn cho ra thần thái, sắc diện. Mệt vì phải tập trung để khóc, khóc cho ra nước mắt... Nhưng mỗi khi diễn xong về dù mệt thì đêm nào cũng vậy, đoạn đường từ nhà hát đến nhà tui, tui cứ mỉm cười hoài! Có cái gì đó thật ấm trong lòng... Thì ra đó là niềm vui! Bao nhiêu năm làm nghề, thật mừng khi nó vẫn còn hiện hữu đến tận bây giờ...". Vì đã có niềm vui nên thỉnh thoảng anh lại viết thế này: "Ðã về đến động ông Châu. Thoải mái và bình an ở động của ổng!".

NEHoLeQD.jpgPhóng to

Cái mâm cơm

Hình ảnh thường xuyên xuất hiện nhất trên trang cá nhân của NSƯT Hữu Châu không phải là cảnh sân khấu, phim trường hay nghệ sĩ mà là... một cái mâm. Đó là thứ anh dùng để bày đồ ăn khuya và bốn lon bia rồi một mình ngồi đối ẩm với cái tivi sau khi đi diễn về, tối nào cũng vậy. Hữu Lộc mất đã tròn bốn năm nên Hữu Châu cũng có ngần ấy thời gian ngồi đối diện với cái mâm và chiếc tivi như thế. Hôm bữa má anh mượn cái mâm để cúng cơm cho Hữu Lộc, tối đó anh bèn dùng cái khăn để bày đồ ăn và bia. Rồi anh bảo: “Tui nhớ anh em tui quá. Giờ mà còn đủ thì vui lắm!”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp