CSGT hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những điểm kẹt xe căng thẳng tại TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN |
“Công khai minh bạch cả giải pháp và biện pháp kỷ luật các đơn vị tắc trách mới có thể tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, từng bước giải quyết vấn nạn giao thông, giảm bớt sự bức xúc hằng ngày của hàng triệu người dân TP |
Ông Lâm Thiếu Quân |
TP.HCM hiện có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tăng 11 điểm so với năm 2016.
Tại cuộc họp chiều 15-2 với UBND TP.HCM và các ban ngành liên quan, Sở GTVT TP đề xuất nhiều giải pháp cũ và mới đan xen, có giải pháp mang tới đột phá, có giải pháp mang tính quyết liệt, đề cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo được phân công.
Song song đó, đề cao vai trò tổ chức điều tiết giao thông của Công an TP.
Có địa chỉ người chịu trách nhiệm
Để xử lý 37 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, Sở GTVT TP phân chia ra làm 4 nhóm chính gồm khu vực trung tâm TP có 6 điểm, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 6 điểm, khu vực cảng biển Cát Lái có 3 điểm, khu vực cửa ngõ TP có 8 điểm và khu vực khác có 14 điểm.
Có hai giải pháp chính đặt ra giải quyết tình trạng ùn tắc: giải pháp công trình (đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án) và giải pháp phi công trình (phân luồng giao thông, lắp đặt camera, điều tiết giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm...).
Một trong những điểm đột phá của hai giải pháp trong lần này là: Sở GTVT đề nghị ghi rõ họ tên, chức danh, số điện thoại của từng lãnh đạo chủ đầu tư hoặc người được cơ quan chức năng phân công có trách nhiệm tại từng điểm kẹt xe, để “nắm người có tóc” khi có sự cố. Tức là có người chịu trách nhiệm với UBND TP về từng điểm cụ thể.
Song song đó, hai giải pháp khác không mới nhưng được đặt ra phải làm quyết liệt trong thời gian tới: tăng cường số lượng, trách nhiệm và kỷ luật điều hành đối với cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong điều tiết ở các giao lộ vào giờ cao điểm; mở các dải phân cách cứng hoặc điều chỉnh làn xe thành 1 chiều - 2 chiều, hạn chế ôtô vào trung tâm, hạn chế xe container, đầu kéo rơmooc trên một số tuyến, rút nhanh thời gian làm thủ tục cho xe ra vào các cảng, đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất tăng chuyến bay đêm (để giảm áp lực cho giao thông đường bộ khi khách đi - đến...).
Kẹt xe kéo dài từ cầu vượt Lăng Cha Cả đến đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp lúc 9h15 ngày 15-2) - Ảnh: HỮU KHOA |
Cần thêm nhiều giải pháp
Tại cuộc họp với Sở GTVT bàn về kế hoạch phân công trách nhiệm xử lý các điểm ùn tắc giao thông, ông Lâm Huy Tấn - phó chủ tịch UBND Q.4 - đề xuất các cơ quan, đơn vị như trường học nên sắp xếp lệch giờ vào học, tan học để giảm thiểu lượng xe cộ lưu thông trên đường cùng thời điểm gây ùn tắc, kẹt xe.
Trong khi đó, đại diện UBND Q.6 nêu: trong danh sách 37 điểm ùn tắc giao thông còn thiếu một số tuyến đường trên địa bàn quận này như Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hòa Đông, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Văn Luông - Võ Văn Kiệt... Như vậy, “nguy cơ” không chỉ 37 điểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dung - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho rằng những tuyến đường mà UBND Q.6 nêu trên đều là những tuyến đường hẹp, xung quanh không có vỉa hè. Do đó chỉ ùn chứ không tắc.
Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - đề nghị các quận huyện thường xuyên rà soát, phát hiện các điểm ùn tắc và đề xuất sở bổ sung vào danh sách 37 điểm ùn tắc. Từ đó sở sẽ khảo sát, đưa ra giải pháp phù hợp trên từng điểm.
Tại 37 điểm ùn tắc phải lắp đầy đủ biển báo, đèn tín hiệu phải hoạt động 24/24 giờ. UBND các quận huyện phối hợp chặt chẽ với sở lập sổ tay giao thông TP, trong đó có điểm qua 37 điểm ùn tắc, cung cấp hướng điều tiết khi xảy ra ùn tắc.
Đồng thời, các địa phương hỗ trợ sở trong quá trình tuyên truyền Luật giao thông, nâng cao ý thức người đi đường.
Cần có “nhạc trưởng giao thông” Các giải pháp của Sở Giao thông vận tải TP nêu ra khá toàn diện, trong đó tôi rất quan tâm đến việc triển khai các giải pháp phi công trình và tổ chức giao thông do chi phí thấp hơn việc mở đường xây cầu và có ảnh hưởng tức thời. Rõ ràng việc tăng cường điều tiết giao thông, giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ làm tăng tốc độ lưu thông, giảm nguy cơ ùn tắc thuộc về UBND quận, phường tại các điểm. Thường xuyên gặp tắc đường trên đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, tôi rất bất bình khi thấy đường đã hẹp mà tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán tràn lan, người đi bộ phải xuống lòng đường. Để tránh tình trạng buông xuôi như thời gian vừa qua, tôi thấy TP cần có nhạc trưởng ở cấp cao nhất của UBND TP để phối hợp chỉ đạo các giải pháp, phê bình kỷ luật người đứng đầu các địa phương chậm trễ hay thiếu quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp đã thống nhất. Ngoài ra, những điển hình tốt như bản đồ số giao thông trực tuyến mà TP vừa triển khai cần được tuyên truyền hơn nữa, để người dân biết và luôn kiểm tra thông tin trước khi đi ra đường. |
Giải pháp cho 4 khu vực trọng điểm 1. Tại khu vực trung tâm TP, điểm kẹt xe ở giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) áp dụng giải pháp công trình là phân công Ban quản lý đường sắt đô thị TP và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án) đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ga Ba Son và cầu Thủ Thiêm. Còn giải pháp phi công trình được giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Công an TP, UBND Q.1 điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông phù hợp, tổ chức điều tiết giao thông... Tương tự, điểm ùn tắc tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (Q.1), phân công Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ thi công 2 nhánh cầu kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ và phân công Công an TP tổ chức lực lượng điều tiết, xây dựng phương án huy động lực lượng tham gia... 2. Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, điểm kẹt xe ở đường Trường Chinh (đoạn Âu Cơ - Tân Kỳ Tân Quý) phân công Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư) thực hiện dự án mở rộng đường Trường Chinh và UBND Q.Tân Bình đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa; phân công Công an TP điều tiết giao thông tại khu vực... Ở vòng xoay Lăng Cha Cả, giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 tháo dỡ dải phân cách trồng cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn, mở rộng đường Cộng Hòa và đề xuất sân bay Tân Sơn Nhất có phương án tăng chuyến bay đêm. 3. Tại khu vực cửa ngõ TP, ở điểm kẹt xe xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương (Q.2) giao các đơn vị (phân công cụ thể) đẩy nhanh tiến độ thi công đường Nguyễn Văn Hưởng, đường song hành xa lộ Hà Nội và đường kết nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng ra xa lộ Hà Nội. Ở điểm kẹt xe ngã tư Thủ Đức (Q.9, Thủ Đức) giao các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng đường song hành trái xa lộ Hà Nội, lắp đặt camera giám sát giao thông... 4. Tại khu vực cảng biển Cát Lái (Q.2), buộc thực hiện nhanh dự án nút giao thông An Phú, mở nhánh nối đường Nguyễn Thị Định ra đường Mai Chí Thọ. Ở điểm kẹt xe trên đường Nguyễn Thị Định và nút giao thông Mỹ Thủy, phân công Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nút giao Mỹ Thủy và trong năm 2017 khởi công đường nối từ cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái ra đường vành đai phía đông. UBND Q.2 phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Ở hầu hết các điểm ùn tắc trọng điểm, nhiệm vụ tổ chức giao thông được giao cho Công an TP và UBND các quận huyện. Có thể nói việc phân công từng cá nhân chịu trách nhiệm ở những điểm ùn tắc giao thông là điểm mới và mang tính đột phá so với những năm trước (trước đây Sở GTVT chỉ đưa ra danh mục điểm ùn tắc giao thông và giải pháp xử lý, tiến độ thực hiện mà không đề xuất phân công người chịu trách nhiệm). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận