31/07/2023 09:35 GMT+7

Tân chủ tịch Đại Học Fulbright Việt Nam: Trọng trí tuệ thay vì kiến thức

Sau khi nhận chức, một trong những "thay đổi" đầu tiên của tân chủ tịch Trường đại học Fulbright Việt Nam - giáo sư Scott Fritzen - là dời phòng làm việc đến ngay hội trường chính, nơi diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên.

Các sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp tại ĐH Fulbright Việt Nam vào tháng 6-2023 - Ảnh: FUV

Các sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp tại ĐH Fulbright Việt Nam vào tháng 6-2023 - Ảnh: FUV

Ông nói là để "có thể mở toang cửa đón sinh viên vào trò chuyện".

Giáo sư Scott Fritzen

Giáo sư Scott Fritzen

Trao đổi với Tuổi Trẻ về ưu tiên của cá nhân ông và Trường đại học Fulbright trong những năm tới, GS Scott Fritzen nói:

"Ưu tiên trong những năm tới là xây dựng một hệ thống ngành học đủ mạnh trên nhiều lĩnh vực.

Các học phần sẽ có sự liên kết chặt chẽ. Chúng tôi sẽ mở rộng kết nối quốc tế, xây dựng các chương trình trao đổi với các đại học ở các quốc gia để sinh viên có nhiều lựa chọn.

Fulbright cũng sớm cho ra mắt một số chương trình chuyển tiếp lên sau đại học ngành kinh doanh, khoa học máy tính, sức khỏe công cộng.

Thêm vào đó, chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối mang nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến Việt Nam".

Công việc thứ 5, thứ 6

* Làm việc và nghiên cứu ở rất nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Zimbabwe, Việt Nam..., ông nhận thấy giáo dục đại học ở các nước đang thay đổi như thế nào?

- Trong cả trăm năm qua, đại học chủ yếu là nơi để người học tìm thấy một chuyên môn và tham gia vào thị trường lao động. Điều này có thể sẽ không còn thật sự chuẩn xác trước các thách thức hiện nay, khi mọi thứ đang biến đổi nhanh chóng.

Điển hình, thế giới đang bị đánh thức bởi sức mạnh và tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Với AI, những chuyên môn mà các đại học đang đào tạo cho sinh viên có thể sẽ không còn trong 20 - 30 năm tới. Nhiều công việc sẽ bị AI lấy đi, thay bằng những công việc mới.

Tại Mỹ, rất nhiều đại học cũng gặp khó khăn định hướng trước thách thức mới này.

Một số trường hướng tới việc không phải đào tạo sinh viên những hành trang lao động trong hôm nay, mà cho các bạn những kỹ năng có thể liên tục cập nhật bản thân, qua đó luôn nắm bắt cơ hội mới trong suốt cuộc đời.

Đại học không chỉ cho người học một chuyên môn duy nhất.

Thay vào đó, đại học sẽ chuẩn bị những hành trang cho bạn có được những công việc thứ 2, 3, 4, 5, 6. Từng công việc lại đòi hỏi sinh viên phải áp dụng các kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, đại học cần giúp sinh viên biết nhìn theo ba hướng: nhìn phía trước để luôn thấy các xu hướng mới, nhìn xung quanh để biết học hỏi lẫn nhau, và nhìn phía sau để luôn tự nhắc nhở bản thân tốt hơn mỗi ngày.

Cần những "vùng không an toàn"

* Làm sao để "giúp sinh viên biết nhìn theo ba hướng" như ông nói?

- Đại học sẽ không còn đơn thuần cho sinh viên "kiến thức" (knowledge). Ngày nay, rất nhiều công cụ như AI có thể cho người học "kiến thức". Điều mà các công cụ này không cho được là "trí tuệ" (wisdom).

Cùng một việc, "kiến thức" cho bạn biết cách làm, "trí tuệ" sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi sâu hơn: Có đáng làm không? Có phù hợp với các chuẩn mực không?... Người học sẽ biết suy nghĩ để đưa ra các lựa chọn dựa trên "trí tuệ".

* Vậy làm gì để các đại học có thể cho sinh viên được "trí tuệ" ấy, thưa ông?

- Một giảng viên sẽ chỉ có thể cho học sinh "kiến thức". Muốn có "trí tuệ", sẽ cần có sự phối hợp của nhiều giảng viên trong các học phần khác nhau.

Chỉ bằng sự phối hợp của các giảng viên mới có thể đem đến cho sinh viên các chủ đề phức tạp, gợi mở cho các bạn nhiều khía cạnh, góc nhìn, từ đó hình thành những cách suy nghĩ, tư duy của "trí tuệ".

Bên cạnh đó, sinh viên cần được khuyến khích bước ra ngoài phòng học, gắn với những dự án thực hành, thực tập, nghiên cứu trong cộng đồng.

Điều này đảm bảo các bạn không chỉ tiếp xúc với lý thuyết mà còn với thực tế. Đặc biệt, đại học sẽ luôn phải đưa sinh viên vào những "vùng không an toàn", bởi nếu đã cảm thấy an toàn thì sinh viên sẽ không học thêm được gì.

"Chinh phục" tiếng Việt sau một năm

* Mối duyên của ông và Việt Nam bắt đầu từ khi nào?

- Hè năm 1994, khi đang theo học tiến sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ), tôi đến Việt Nam trong chương trình trao đổi của OXFAM.

Lúc này, Việt Nam đang ở giữa giai đoạn đổi mới, đứng trước những cơ hội và thách thức khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (1995). Tôi rất tò mò Việt Nam sẽ đi trên con đường của mình thế nào. Sau ba tháng trao đổi, tôi xin phép bảo lưu tại Đại học Princeton vì muốn ở Việt Nam lâu hơn.

Tôi làm việc với UNICEF, sau đó thực hiện dự án, nghiên cứu và tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế lúc này bắt đầu đến Việt Nam nhiều hơn.

* Tiếng Việt của ông rất tốt. Ông đã học từ khi nào?

- Tôi học tiếng Việt ngay khi đến Việt Nam. Tôi học qua bạn bè và chú ý lắng nghe. Tôi để ý những người xung quanh nói chuyện, không bị động chờ dịch thuật, cứ nói và mắc sai lầm.

Đôi khi bạn sẽ tự cười những câu mình nói ra, nhưng không sao. Tôi luôn tìm thú vị trong tiếng Việt, tôi sử dụng mỗi ngày và cố gắng học thêm một thứ gì mới.

* Ông mất bao lâu để có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt?

- Tôi mất một năm. Tiếng Việt với tôi không khó lắm. Tôi nghe được dấu (thanh điệu - PV), một số người cảm thấy khó nghe dấu. Phát âm tôi thấy cũng ổn.

Còn ngữ pháp tiếng Việt khá logic. Thách thức nhất với tiếng Việt của tôi cho tới tận hôm nay là nghe giọng của từng vùng miền. Một số giọng miền Trung nếu không quen thì khó phân biệt.

* Có hàng trăm đơn ứng tuyển vị trí chủ tịch Fulbright Việt Nam từ khắp thế giới. Chắc hẳn nhiều người rất tò mò về quá trình ông được tuyển chọn như thế nào...

- Quá trình này kéo dài tròn một năm, bắt đầu khi nhà trường làm việc với công ty tuyển dụng.

Trước hết, trường sẽ phải đưa ra một bản phác thảo chân dung vị chủ tịch tiếp theo: họ có những tố chất gì và sẽ đảm đương những nhiệm vụ gì của Fulbright trong thời gian tới. Mất khoảng vài tháng để cho ra bản mô tả hoàn chỉnh.

Đơn vị tuyển dụng bắt đầu mở đơn đăng ký và chủ động tìm kiếm ứng viên trên toàn cầu để thu về càng nhiều hồ sơ thích hợp càng tốt.

Sau khi được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoảng 15 người trong số hồ sơ sẽ được gọi phỏng vấn, dài từ 1-2 tiếng hoặc 1-2 lần.

Sau đó, có 4 ứng viên được sắp xếp trực tiếp đến trường, gặp gỡ từng nhóm bộ phận. Các nhóm này sẽ cho đơn vị tuyển dụng nhận xét về từng ứng viên. Đơn vị tuyển dụng sẽ tính toán ra ứng viên phù hợp nhất, trình cho hội đồng tín thác của trường bỏ phiếu để chốt lại ứng viên sau cùng.

* Nghe nói ông đã bán nhà ở Mỹ và vừa đem vợ con đến sống tại Việt Nam phải không, thưa ông?

- Đúng vậy, tôi "all-in" (cược tất cả). Làm nhiệm vụ này tốt nhất đòi hỏi phải hết sức tâm huyết. Tôi không thể bay đi, bay về Mỹ. Đặc biệt là với một công việc lý tưởng của tôi, có sự giao thoa giữa ba niềm đam mê lớn là giáo dục, quản lý và Việt Nam.

Giáo sư Scott Fritzen khi còn làm phó hiệu trưởng phụ trách Chương trình liên kết toàn cầu tại ĐH Oklahoma (Mỹ) - Ảnh: OU DAILY

Giáo sư Scott Fritzen khi còn làm phó hiệu trưởng phụ trách Chương trình liên kết toàn cầu tại ĐH Oklahoma (Mỹ) - Ảnh: OU DAILY

Hồ sơ học thuật "khủng"

Giáo sư Scott Fritzen tốt nghiệp cử nhân ngành nhân chủng học văn hóa tại Đại học bang Michigan. Tại Đại học Princeton, ông hoàn thành thạc sĩ ngành hành chính công, quy hoạch vùng và đô thị; và sau đó là bằng tiến sĩ ngành hành chính công và quan hệ quốc tế.

Trong giai đoạn 1997-1998, ông là công dân Mỹ đầu tiên nhận học bổng Fulbright để nghiên cứu tại Việt Nam thời hậu chiến. Ông cũng là chuyên gia tư vấn cho chính phủ các nước Đông Nam Á lẫn các tổ chức quốc tế hoạt động tại khu vực.

Giáo sư Scott Fritzen đảm nhiệm các vai trò giám đốc Trường Quốc tế học David L. Boren, đồng thời là phó hiệu trưởng phụ trách Chương trình liên kết toàn cầu, và giáo sư danh hiệu William J.Crow ngành địa chính trị tại Đại học Oklahoma (Mỹ).

Ông từng là thành viên ban lãnh đạo các sáng kiến đổi mới giáo dục tại Đại học New York - phân hiệu Thượng Hải và tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nơi ông từng là giảng viên sáng lập và phó giám đốc bộ phận đào tạo...

Đại học Fulbright Việt Nam trao bằng tốt nghiệp cho 72 sinh viên khóa đầu tiênĐại học Fulbright Việt Nam trao bằng tốt nghiệp cho 72 sinh viên khóa đầu tiên

Sáng 24-6, Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 72 sinh viên khóa đầu tiên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp