Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: TIẾN TUẤN
Ngay sau khi được phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí.
* Ông có thể chia sẻ cảm xúc sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải?
- Trước hết cho phép tôi được trân trọng gửi lời cảm ơn tới Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã tin tưởng, tín nhiệm giao cho tôi giữ cương vị bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Lúc này tôi cảm thấy rất vinh dự nhưng cũng là thách thức, trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Tôi sẽ cùng với cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải cố gắng, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành được các nhiệm vụ, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho cá nhân và ngành.
* Đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội Đảng XIII xác định. Với tư cách là "tư lệnh" ngành, ông sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu này?
- Ngành giao thông vận tải là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Do vậy khối lượng công việc, trách nhiệm của bộ trong suốt thời gian qua và thời gian tới rất nặng nề.
Ở cương vị bộ trưởng, tôi sẽ hết sức nỗ lực, cố gắng cùng với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo bộ kế thừa các kết quả, thành tựu, kinh nghiệm quý báu của ngành trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Cùng lãnh đạo, chỉ đạo với cán bộ, công chức, viên chức của ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất, hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội tin tưởng, giao phó.
Trước hết, chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ của ngành nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đặc biệt là đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai quyết liệt, thành công các dự án, công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã thông qua.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án BOT để từ đó một mặt vừa xây dựng các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại. Đồng thời đưa ra các giải pháp để tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội cũng như nguồn vốn khác, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn.
Sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương để thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. Nhất là các dự án lớn, dự án có tính chất kết nối liên vùng để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, làm sao để bộ có thể hoàn thành một cách tốt nhất các nhiệm vụ, trọng trách đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó trong nhiệm kỳ này.
* Ông có bề dày về ngành ngân hàng, liệu đó có phải là một thế mạnh để khi nhận nhiệm vụ mới, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới không?
- Tôi đã có quá trình công tác ở ngành ngân hàng hơn 22 năm, nên thấy rằng hiện nay nguồn lực trong xã hội còn rất lớn.
Do vậy trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế thì chúng ta cố gắng lấy vốn nhà nước làm vốn mồi.
Cùng với việc đó, nghiên cứu để đưa ra những biện pháp, giải pháp làm thế nào thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây là kế thừa những thành quả trước đây.
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) trước đây là chủ trương rất đúng, trúng của Đảng, Nhà nước. Thực tế đã có rất nhiều công trình, dự án lớn theo hình thức này rất hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đây chính là kinh nghiệm, cơ sở để bộ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp làm thế nào để tập trung thu hút được nguồn lực ngoài xã hội, đưa vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận