Sau vụ việc tẩm xăng dọa tự thiêu, việc cưỡng chế công trình vi phạm trên đất nông nghiệp đã tạm dừng - Ảnh: Tuấn Cường |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hứa Đức Minh, phó chủ tịch UBND phường Mễ Trì, cho biết sáng 29-9 phường có tổ chức cưỡng chế xử lý các công trình tạm trên đất nông nghiệp mua bán trái phép tại khu Lùng Bùng.
“Có bảy trường hợp đã mua đất nông nghiệp - đất được giao các hộ dân theo nghị định 64 của Chính phủ, một trường hợp vi phạm trên đất mương do UBND phường quản lý” - ông Minh cho biết.
Theo ông Đào Văn Quýnh - chủ tịch UBND phường Mễ Trì, đây đều là những trường hợp vi phạm tồn tại từ lâu. “Trong việc này chính quyền cũng có khuyết điểm, vì vậy đã phải kiểm điểm cả về công tác Đảng và chính quyền khi để xảy ra tình trạng mua đất nông nghiệp, dựng nhà tạm lụp xụp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực” - ông Quýnh nói.
Ông Quýnh cho biết để giải quyết dứt điểm tám trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, trong tháng 9-2015 phường đã nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân; vận động, giải thích để các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm nhưng chưa có kết quả.
“Trong buổi cưỡng chế sáng 29-9, khi cưỡng chế đến trường hợp thứ 5 là nhà của chị Lê Thị Hồng Gái - sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh - thì phát hiện chị Gái khóa trái cửa, tẩm xăng vào người mình và con khoảng 4 tuổi, tay cầm bật lửa đe dọa tự thiêu. Vì vậy phường đã quyết định rút toàn bộ lực lượng cưỡng chế để làm dịu tình hình” - ông Quýnh nói.
Theo tìm hiểu, chị Gái đang ở cùng chồng và có một con trai 4 tuổi. Năm 2010 chị Gái đã bỏ ra 360 triệu đồng mua lại gần 42m2 đất nông nghiệp của người dân phường Mễ Trì. “Sau khi mua đất, chị Gái dựng nhà cấp 4, lợp mái tôn. Nhiều lần chúng tôi mời chị Gái lên làm việc thì chị Gái chỉ nêu yêu cầu không cưỡng chế, cho phép gia đình sinh sống tại vị trí vi phạm.
Chúng tôi cũng đã giải thích việc chị mua bán đất nông nghiệp là không hợp pháp, mua bán trao tay không có cơ quan nào xác nhận, vì vậy trong cả diện tích lớn đất nông nghiệp không thể để tồn tại một số công trình xây dựng trái phép, cũng không có quy định nào cho phép hợp thức đất nông nghiệp giao cho các hộ dân theo nghị định 64 để trở thành đất ở.
Gần đây nhất, chiều 28-9 khi chúng tôi vận động thì chồng chị đã đồng ý tháo dỡ công trình, còn chị Gái chỉ khóc. Còn sau việc chị Gái dọa tự thiêu, khi các lực lượng cưỡng chế rút hết, các đoàn thể đã vận động và chị Gái đã bình tĩnh trở lại, đã tắm rửa sạch xăng cho mình và cho con” - ông Minh cho hay.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Nghĩa, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường quận Nam Từ Liêm, cho biết việc mua bán đất nông nghiệp của các hộ dân nêu trên trái với các quy định của pháp luật. “Tám hộ dân ở địa phương ngoài đã mua đất nông nghiệp tại phường Mễ Trì đều thuộc quỹ đất 1,2ha, nguồn gốc đất toàn bộ là đất nông nghiệp.
Theo kế hoạch của quận, khu đất này dự kiến lập dự án xây dựng khu tái định cư cao tầng để phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng của năm dự án mở đường trên địa bàn quận” - ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, ngay sau khi có việc tẩm xăng, dọa tự thiêu phản đối cưỡng chế, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm đã họp khẩn. “Trước mắt quận yêu cầu phường Mễ Trì vận động gia đình chị Gái. Tiếp tục giải thích về việc mua đất không đúng quy định của pháp luật để chị Gái đồng thuận, hiểu ra. Đồng thời cũng yêu cầu phường Mễ Trì giải quyết có lộ trình, kiên trì vận động để gia đình tự giác chấp hành” - ông Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận