27/11/2015 09:09 GMT+7

Tâm tư thật lòng của người trong cuộc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Nhiều nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí đã cùng lên tiếng trong phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật báo chí (sửa đổi), với những tâm tư thật lòng của người trong cuộc.

“Bản thân tấm thẻ không làm nên nhà báo” - đại biểu Nguyễn Hữu Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu) tức nhà báo Thuận Hữu, tổng biên tập báo Nhân Dân, nói. Ông bình luận về định nghĩa có phần rắc rối và mang tính chất hành chính về nhà báo.

Ông cũng ngạc nhiên khi dự luật quy định “người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc”, bởi “lâu nay tổng biên tập thì vẫn thế và không có gì cản trở đến hoạt động báo chí”.

Nếu bây giờ quy định như vậy sẽ “thật sự rất rắc rối vì khi phân chia quyền hạn của tổng giám đốc và tổng biên tập là khác nhau”.

Ông Thuận Hữu còn cho rằng dự luật giải thích “nhà báo đang tác nghiệp không phải thi hành công vụ” là không thỏa đáng.

Về điểm này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) - nguyên phó tổng giám đốc TTXVN, nguyên phó chủ tịch Hội Nhà báo VN - bày tỏ: “Báo chí của chúng ta không chỉ là phương tiện truyền thông thiết yếu mà còn là công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước. Theo ý nghĩa này, tác nghiệp báo chí cũng như thi hành công vụ”.

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận xét dự thảo luật trình Quốc hội lần này chủ yếu là để “bịt lỗ rò” hơn là để thể chế hóa quyền tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp 2013.

Ông nhận thấy dự án luật chỉ nhắm vào một số báo chí chính trị - xã hội, trong khi hoạt động báo chí thì rất đa dạng, phong phú. “Ví dụ bây giờ quy định tổng biên tập hay người lãnh đạo tờ báo phải học qua cao cấp lý luận chính trị. Thực tế của tôi, tôi làm báo nhiều năm rồi, làm tổng biên tập một tờ báo hơn 20 năm (tạp chí Xưa Và Nay - NV).

Từ khi ra tờ báo có vấn đề rất khó, đây là tờ báo mà tổng biên tập không phải đảng viên thì tôi phải nghĩ ra có một người nào đứng ở trên tôi. Tôi đưa ra một chức chủ nhiệm và mời một đồng chí đảng viên ngồi đấy, tồn tại suốt bao nhiêu năm nay chẳng thấy bộ nhắc nhở gì, tờ báo vẫn hoạt động bình thường” - ông Quốc kể.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng: “Các cơ quan báo chí không ngại khó, nhưng thật lòng mà nói những người đứng đầu các tòa báo rất dễ mất ngủ khi nhận những tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi những bài báo sắp qua nhà in.

Thiết nghĩ, dự thảo luật cần có những quy định rõ ràng trong trách nhiệm của việc chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí”. Với tư cách là lãnh đạo ở một tờ báo (báo Khoa Học Phổ Thông), chắc hẳn trong máy điện thoại của bà Trang có chứa đựng những tin nhắn “mất ngủ” như vậy.

Với những vấn đề đã được đặt ra từ thực tế hoạt động của các cơ quan báo chí và các nhà báo, hi vọng ban soạn thảo dự án luật cũng cùng “mất ngủ” để xây dựng một đạo luật đặt nền tảng cho sự phát triển của báo chí trong thời kỳ mới.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp