27/11/2014 09:10 GMT+7

​Tâm tình của thầy Hoàng Như Mai

 PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Kỷ niệm một năm ngày mất của GS-NGND Hoàng Như Mai, các thế hệ học trò của GS đã cùng nhau thực hiện một tuyển tập những bài viết về thầy mình, đa số lại là những bài viết khi thầy đã ra đi.


Sách do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM và NXB Thanh Niên ấn hành - Ảnh: Tiến Long

Và như một lẽ đương nhiên, tuyển tập Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh tràn ngập hình ảnh và tâm tình của thầy.

Ðọc, những học trò thế hệ đi sau sẽ thấy tiếc vì không được thầy dạy, lại càng tiếc hơn khi các thầy cô bây giờ, học trò của thầy Hoàng Như Mai những năm xưa, nhìn nhận: chẳng còn mấy người nữa có được cái tài với văn chương, cái tâm với giáo dục, với học trò như thầy.

Ðọc kỹ hơn nữa, lại thấy thêm một góc khuất sâu thẳm trong cuộc đời ngót trăm năm của thầy: những nỗi buồn thế sự vơi đầy, những trăn trở lo lắng quặn thắt.

Thầy từng viết: “Cái thực nhiều khi là cái mộng/ Tầm thường là kẻ rất cao siêu/ Kìa trông cái tốt đang hư hỏng/ Cái xấu đang khoe vẻ mỹ miều”.

Thầy từng nói: “Tôn sư trọng đạo phải là một chiến lược quốc gia trong chiến lược phát triển. Tôi thật đau lòng khi thấy đạo đức của người đi học sút giảm, xã hội xảy ra những sự kiện phá hoại tình nghĩa thầy trò, phá hủy văn hóa không thể nào chấp nhận”.

Thầy từng dặn: “Sinh viên bây giờ phung phí thời gian quá. Thời tôi đi học, tôi học và đọc rất nhiều. Tôi mong các bạn sinh viên cố gắng tận dụng thời gian để học và đọc càng nhiều càng tốt. Các bạn là những người quyết định cho sự phồn vinh, giàu mạnh của Tổ quốc tương lai. Vì vậy phải cần nỗ lực hơn nữa”.

Thầy cũng từng mơ: “Tôi đến với nghề giáo tình cờ nhưng là số phận. Nếu không làm nhà giáo thì tôi thích làm báo. Làm báo để viết lên cái hay, cái dở của xã hội để học và để sửa. Các anh chị làm báo, không nên cố viết cho hay những cái dở”...

Thầy đã hào phóng cho học trò những lời dạy bảo đến tận phút cuối cùng, và tất cả những điều đó chỉ là vì: “Ấy lo vận nước lòng xao xuyến/ Chứ những thân mình dạ dửng dưng”.

Ðọc thêm được những vần thơ nằm ngoài bài giảng, ngoài cuộc trò chuyện, lại càng thêm thương, thêm mến, thêm kính thầy.

Thầy Ðoàn Lê Giang, trưởng khoa văn học - ngôn ngữ Trường ÐH KHXH&NV TP.HCM, viết: “Thầy là một trong những giáo sư cuối cùng của thế hệ trí thức vàng của nước ta”.

Thế nhưng, 95 tuổi đời, gần 70 năm theo nghiệp giáo dục, chắc chắn thầy Hoàng Như Mai không muốn mình là trí thức vàng cuối cùng.

Thầy luôn muốn học trò phải hơn thầy; muốn một không gian giáo dục ngập tri thức khai sáng; muốn một đất nước, xã hội giàu mạnh, dân chủ, tự do như ước mơ cách mạng mà thầy đã lãng mạn và hồn nhiên khóa cửa nhà đi theo những ngày hai mươi tuổi. Và ước mơ ấy, thầy đã để lại cho các học trò.

Ðã tròn một năm ngày thầy ra đi, nếu đọc được cuốn sách này hôm nay, chắc thầy Hoàng Như Mai cũng sẽ vui lòng vì các học trò mình đã hiểu thầy mà học theo thầy. 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp