29/10/2024 10:18 GMT+7

Tầm soát sớm nguy cơ mắc ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư nguy hiểm, nhưng triệu chứng ban đầu thường rất mơ hồ. Vì vậy việc xác định người có nguy cơ cao là yếu tố rất quan trọng, giúp xác định những ai nên tầm soát sớm để phát hiện bệnh kịp thời.

Tầm soát sớm nguy cơ mắc ung thư dạ dày - Ảnh 1.

Hút thuốc, uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày - Ảnh: NAM TRẦN

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày đầu tiên phải kể đến đó là người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày.

Bác sĩ Tuấn nêu rõ tiền sử gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ mạnh nhất liên quan đến ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy những người có người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) từng mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với người không có tiền sử gia đình.

Thứ hai là người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) - đây là loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày và là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm H. pylori có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên từ 2 - 6 lần.

Thứ ba là người có chế độ ăn uống không lành mạnh. Những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm mặn, muối chua, hun khói, hoặc thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều nitrat và nitrit có nguy cơ cao hơn mắc ung thư dạ dày. Các chất bảo quản trong những thực phẩm này có thể chuyển hóa thành chất gây ung thư trong dạ dày.

Thứ tư là người hút thuốc lá hoặc uống rượu nhiều. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên tới 60% so với người không hút thuốc. Một nghiên cứu tại Nhật Bản đã chỉ ra rằng những người uống rượu nhiều có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 30% so với những người không uống rượu hoặc uống ít.

Thứ năm là người có bệnh lý dạ dày mạn tính như viêm loét dạ dày tá tràng, thiếu máu ác tính hoặc polyp dạ dày có nguy cơ cao hơn phát triển ung thư dạ dày. Đặc biệt, viêm loét kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến biến đổi tế bào và hình thành khối u ác tính.

Ngoài ra tuổi tác là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Ung thư dạ dày thường gặp hơn ở những người trên 50 tuổi, nguy cơ tăng dần theo tuổi tác.

"Nếu bạn hoặc người thân thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, điều quan trọng là phải tầm soát sớm và định kỳ, ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng.

Phát hiện sớm ung thư dạ dày không chỉ giúp tăng cơ hội điều trị thành công mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Tầm soát sớm nguy cơ mắc ung thư dạ dày - Ảnh 2.Phát hiện ung thư dạ dày sớm bằng cách nào?

Trước đây, đa số bệnh nhân ung thư dạ dày phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỉ lệ sống sót thấp. Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật hiện đại, nhiều người được phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp