Người dân New York, Mỹ, tuần hành chống biến đổi khí hậu - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, phần lớn các nhà khoa học có uy tín trên thế giới đều cảnh báo nếu COP21 không đạt được thỏa thuận về các biện pháp mạnh mẽ cần thiết để giảm khí thải nhà kính, trái đất sẽ hứng chịu một tương lai đen tối với nhiệt độ tăng cao, những cơn bão khủng khiếp, hạn hán khô cháy kéo dài, mực nước biển dâng cao nhấn chìm các thành phố duyên hải.
Ước tính hơn 100 lãnh đạo các nước và 40.000 người sẽ có mặt tại hội nghị COP21, khai mạc hôm nay và kéo dài hai tuần.
Dự báo các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng vì các nước đang phát triển và các nước phát triển vẫn tranh cãi dữ dội về chi phí của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Dưới đây là những điều cần biết về COP21, theo đánh giá của tạp chí Time:
Tại sao sự kỳ vọng đối với COP21 lớn đến thế?
Các hội nghị biến đổi khí hậu cũ cố lập ra tiêu chuẩn giảm khí thải chung, mang tính bắt buộc. Một kết quả như Nghị định thư Kyoto đề ra quy định giảm khí thải bắt buộc đối với các nước giàu.
Một số nước như Mỹ từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto, các nước khác như Canada dù phê chuẩn nhưng không thực hiện.
Ngược lại COP21 đặt mục tiêu đạt một thỏa thuận mang tính linh hoạt hơn. Nhiều nước đã lập kế hoạch hành động riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế và chính trị của họ.
Và COP21 sẽ lập một khung pháp lý để các chính phủ thực hiện cam kết giảm khí thải riêng và cung cấp tài chính cho những quốc gia nghèo. Các nhà đàm phán kỳ vọng sự linh hoạt này sẽ giúp thế giới tránh được một sự thất bại tương tự Nghị định tư Kyoto.
Hơn nữa, COP21 diễn ra trong thời điểm biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả môi trường vô cùng nghiêm trọng. Liên Hiệp Quốc xác nhận năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử.
Các nước như Mỹ, Trung Quốc, Canada… đã cam kết chống biến đổi khí hậu nghiêm túc hơn. Kể cả các quốc gia sản xuất dầu khí như Saudi Arabia cũng trình kế hoạch chống biến đổi khí hậu.
Các vấn đề quan trọng nhất
Phần lớn các nhà đàm phán đánh giá tài chính là cản trở lớn nhất đối với một thỏa thuận biến đổi khí hậu quốc tế.
Năm 2009, các nước phát triển cam kết đóng góp 100 tỷ USD cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Nhưng số tiền đổ vào Quỹ Khí hậu xanh hết sức nhỏ giọt, và rất nhiều người nghi ngờ các nước giàu sẽ không thực hiện cam kết 100 tỷ USD.
Trong khi đó các nước đang phát triển khẳng định không thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu riêng nếu không có sự hỗ trợ tài chính.
Quá trình thích ứng với tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề lớn. Rất nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là các đảo quốc, muốn biết cộng đồng quốc tế sẽ có những nỗ lực gì để hỗ trợ họ bảo vệ đất đai trước tình trạng mực nước biển dâng cao chắc chắn sẽ xảy ra.
“Sự thích nghi là mối quan tâm và lo lắng lớn, không chỉ trong tương lai mà cả hiện tại” - Time dẫn lời chuyên gia Shyla Raghav thuộc tổ chức Conservation International.
Điều kiện cần thiết để COP21 thành công
Năm 2010, cộng đồng quốc tế đạt thỏa thuận hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất vào năm 2010 là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức các nhà khoa học tin rằng có thể hạn chế được những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo LHQ, hiện nhiệt độ trái đất đã tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu các nước không hành động để giảm khí thải nhà kính, nhiệt độ trái đất có thể tăng lên thêm 5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Nhưng cam kết của một số nước, trong đó có Mỹ, không đảm bảo thế giới đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C. Nhiều chuyên gia kêu gọi COP21 yêu cầu các nước cứ sau năm năm phải xem xét, đánh giá lại các cam kết của mình.
Và một số nước đối mặt với hậu quả lớn nhất từ tình trạng nhiệt độ trái đất tăng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đưa ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa.
Các nhà phân tích cho rằng để đạt được thành công, COP21 cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng đã đến lúc thế giới phải chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại năng lượng tái tạo sạch hơn, xanh hơn để bảo vệ môi trường.
Vai trò của Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ là quốc gia lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong nước, ông đề xuất các chính sách nhằm giảm 32% lượng khí thải nhà kính từ mức 2005 vào năm 2030. Ở bình diện quốc tế, ông thúc đẩy Mỹ ký nhiều thỏa thuận khí hậu song phương với các nước. Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển lớn như Trung Quốc, sẽ không cam kết cắt giảm khí thải đáng kể nếu Mỹ, quốc gia xả khí thải lớn thứ hai thế giới, không có hành động quyết liệt.
Vai trò của Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia xả khí thải nhiều nhất thế giới. Và Bắc Kinh thường tìm cách cản trở các nỗ lực chống biến đổi khí hậu ở các hội nghị quốc tế trước vì vấn đề lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên thời gian qua Trung Quốc đã công bố một số chính sách cụ thể như cam kết giảm khí thải CO từ năm 2030. Một thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ không thể hoàn tất nếu quốc gia xả 25% khí thải toàn cầu không tham gia một cách nghiêm túc.
Thỏa thuận có mang tính ràng buộc hay không?
Tầm quan trọng của thỏa thuận Paris phụ thuộc vào việc các quy định có nó có mang tính bắt buộc hay không. Những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận phải mang tính bắt buộc thì các nước mới thực hiện nghiêm túc cam kết chống biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây tuyên bố muốn thỏa thuận Paris dù mang tính bắt buộc nhưng không phải là một “công ước quốc tế” do lo ngại bị Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số phản đối. Chưa rõ châu Âu và các nước khác có chấp nhận phương án này hay không.
Các thay đổi có thể diễn ra
Các nước đã đưa ra những cam kết khá cụ thể. Trung Quốc cho biết mức xả khí nhà kính nước này sẽ đạt đỉnh năm 2030. Ấn Độ sẽ mở rộng diện tích trồng rừng. Mỹ sẽ loại bỏ dần các nhà máy điện chạy than…
Thỏa thuận Paris sẽ tạo ra khung pháp lý để các nước thực hiện các cam kết một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Chuyên gia Andrew Steer, chủ tịch tổ chức World Resources Institute, nhận định nếu cộng đồng quốc tế thực hiện tốt thỏa thuận Paris thì các nước sẽ áp dụng những thay đổi cơ bản trong cách thiết kế đô thị, tiêu thụ năng lượng, cung cấp điện, cách làm việc…
Người dân Canada tuần hành với biểu ngữ: "Đòi công lý khí hậu" - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận