Một kho gạo dọc rạch Bến Nghé - rạch Tàu Hũ thời Pháp mới sang ăm ắp gạo miền Tây - Ảnh tư liệu |
Bài 1: ; Bài 2:
Điều thú vị là việc phá khung này khiến Sài Gòn phát triển mạnh mẽ...
"Từ tháng 6-1860, quan quân An Nam có ý cô lập người Pháp với thành phố Tàu (Chợ Lớn), nơi tồn trữ gạo mà người Pháp xuất đi từ cảng Sài Gòn (...) Chúng ta buộc phải giữ vững"...
Đó là ghi chép của Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của Đề đốc Leonard Charner khi nói về cục diện quân sự giữa quân Pháp và quân dân Việt trước trận đánh Đại đồn Chí Hòa 24-2-1861 (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861 - Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1861 - Nxb Hachette, Pháp, 1864).
Đoạn ghi chép này cho thấy rõ ngay sau khi đánh chiếm Gia Định, người Pháp đã hiểu được mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ giữa Sài Gòn và Chợ Lớn cũng như hướng thông thương cốt tử giữa 2 thành phố với khu vực phía tây: thông ra cả vùng đồng bằng miền Tây trù phú mà người Pháp có thể thu lợi ngay: xuất khẩu gạo.
Người Pháp nghĩ ngay trước mắt như vậy, trong khi Sài Gòn không thể chỉ nhìn về một phía cho an ninh quốc phòng lẫn kinh tế. Nguyễn Cửu Đàm đã nắm rất chắc điều đó và quy hoạch này ít nhiều dẫn đến một quyết định chưa từng có của Nguyễn Ánh 18 năm sau.
Cổng chính thành Gia Định không nằm hướng nam mà hướng đông nam
Đó là điều bất ngờ bởi đây là vi phạm điều kiêng kỵ ở mức nghiêm trọng với một thành quách cấp trung ương khi Nguyễn Ánh xây thành Gia Định năm 1790 để lập kinh đô với tên gọi Gia Định Kinh.
Tám cổng thành Gia Định 1790 mang tên tám quẻ bát quái (còn có tên là thành Quy, thành Bát Quái): "Quy thành xây tám cửa: càn khảm cấn chấn tốn ly khôn đoài" (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh đầu thế kỷ 19).
Vị trí thành Phiên An (màu đỏ - thành Quy - Gia Định phế thành) và thành Gia Định (màu xanh - thành Phụng) trong đường phố khu trung tâm TP.HCM hiện nay, hoàn toàn nằm hướng đông nam - Đồ họa: T.Thiên |
Không thể nói Nguyễn Ánh và hệ thống quan lại thâm nho của mình đo hướng sai; cũng như không biết câu "chú" của mọi đấng quân vương thời xưa khi mở cổng thành: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Kinh Dịch - bậc thánh nhân, đế vương ngoảnh mặt nhìn về hướng Nam để nghe, cai trị thiên hạ").
(Sau này khi trở thành vua Gia Long, xây kinh thành Huế, Nguyễn Ánh vẫn tuân thủ nguyên tắc này khi cổng chính kinh thành Huế hướng nam).
Tại sao như vậy?
Nhiều năm gầy dựng sự nghiệp trên đất Gia Định, chắc chắn Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) hiểu tường tận vai trò, vị trí đất Nam kỳ trong sự phát triển của Sài Gòn.
Trong đó 2 hướng đông tây của Sài Gòn liên thông với hai nguồn cung cấp nguyên vật liệu, nông thổ sản, tiểu thủ công nghiệp không thể thiếu đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như nhân công chủ yếu cho Sài Gòn: miền Tây và miền Đông Nam bộ, dài hơn là ra khu vực miền Trung, miền Bắc.
Cạnh cổng chính thành Gia Định hướng đông nam song song với rạch Bến Nghé, cạnh cổng bên hướng đông bắc song song rạch Thị Nghè. Hầu hết đường phố Sài Gòn từ năm 1772, sau này là thành Gia định 1790 theo 2 hướng thông ra miền Tây và miền Đông này.
Cụ thể từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, theo hướng đông nam có thể bằng đường bộ (đường Cái Quan - Nguyễn Trãi hiện nay) hoặc đường thủy: rạch Bến Nghé. Và từ Chợ Lớn, người ta dễ dàng xuống miền Tây cũng bằng hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nơi đây.
Quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1772 từ vị trí lũy Bán Bích của Thống suất Nguyễn Cửu Đàm tổ chức đắp năm 1772 so với bản đồ hiện nay (theo bản đồ Trần Văn Học 1815, Gia Định thành thông chí 1820, bản đồ của nhà nghiên cứu Đại Thạch Lê Ước...). Hàng loạt con đường chính của Sài Gòn đều song song với cổng thành Gia Định xưa, hướng đông nam, hướng về miền Tây và miền Đông - Đồ họa: TRỊ THIÊN |
Kênh Bến Nghé - Tàu Hũ hiện nay, từ 1772 đã được Quy hoạch là tuyến phòng thủ Sài Gòn đồng thời là tuyến đường thủy huyết mạch cùng hệ thống kho bãi liên tục từ Sài Gòn đi Chợ Lớn chạy theo hướng đông nam, song song với hướng cổng chính 2 thành Gia Định. Phía trên là sông Sài Gòn (hướng đông) - Ảnh: cắt từ flycam TTO |
Nông sản vật và nhân lực các vùng miền tràn về Sài Gòn ngay sau Quy hoạch 1772
Trước đó, độ tấp nập của ghe thuyền trên rạch Bến Nghé lúc ấy đã khiến hệ thống kênh rạch chằng chịt của Sài Gòn, Chợ Lớn có biểu hiện quá tải.
Sau khi đắp lũy Bán Bích giữa năm 1772, đến cuối năm, nhà quy hoạch Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Cửu Đàm đã cho đào kênh Ruột Ngựa (ví con kênh thẳng như ruột ngựa - tên chữ là Mã Trường Giang nhằm đẩy nhanh số lượng cũng như thời gian ghe thuyền qua lại giữa Sài Gòn với miền Tây.
2 hướng đông tây của Sài Gòn liên thông với hai nguồn cung cấp nguyên vật liệu, nông thổ sản, tiểu thủ công nghiệp không thể thiếu đồng thời là thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu cũng như nhân công cho Sài Gòn: miền Tây và miền Đông Nam bộ, dài hơn là ra khu vực miền Trung, miền Bắc. |
Với các tuyến đường thủy và đường cái quan (Nguyễn Trãi) phía tây cộng với tuyến đường bộ gần như duy nhất ra miền Đông, từ đó ra miền Trung, miền Bắc, từ cổng thành phía đông bắc thành Quy lẫn thành Phụng (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), có thể nói hàng hóa cũng như nhân lực từ 2 phía đông tây Sài Gòn đổ về Sài Gòn hầu như suốt ngày đêm.
Chỉ 18 năm sau, năm 1790, Nguyễn Ánh dễ dàng có đủ nguồn lực kinh tế xây thành Gia Định đồ sộ và lớn hơn gấp rưỡi kinh thành Huế - xây sau đó hàng chục năm - khi Gia Long đã quản lý toàn bộ lãnh thổ cả nước 1802.
Ít nhất hơn một nửa số 30.000 nhân công xây thành là do khu vực miền tây, miền đông Nam bộ cung ứng vì dân số Sài Gòn khi ấy chỉ trên dưới 100 ngàn người.
Thật ra, sau Quy hoạch Sài Gòn 1772, suốt 12 năm từ 1776-1888, hầu như năm nào Sài Gòn - Chợ Lớn cũng bị quân Tây Sơn tấn công, tàn phá nặng nề cơ sở vật chất, đốt sạch các dãy kho hàng từ dọc khu Cầu Muối, Cầu Kho ở Sài Gòn dài ra tới hàng loạt hệ thống kho bãi khu Chợ Lớn hiện nay.
Tuy nhiên, với quy hoạch Sài Gòn 1772 từ tầm nhìn xa của nhà quy hoạch Nguyễn Cửu Đàm, Sài Gòn, Chợ Lớn nhanh chóng gượng dậy và phát triển mạnh mẽ; trở thành hậu phương cực lớn nếu không muốn nói là quyết định về kinh tế lẫn nhân sự, tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh tiến ra miền Trung lật đổ nhà Tây Sơn, lập vương triều Gia Long.
Khi chiến tranh chấm dứt 1802, ngay lập tức, cả một khu vực Sài Gòn nhanh chóng lấy lại vị thế tấp nập, hàng hóa dồi dào hiện rõ mồn một trong Cổ Gia định thành vịnh (làm đầu thế kỷ 19): "Đông đảo thay phường Mỹ Hội - Sum nghiêm bấy làng Tân Khai (phường Mỹ Hội và làng Tân Khai thuộc khu trung tâm hành chính Q.1 ra tới cầu Mống hiện nay) - Ngói liễn đuôi lân, phố thương khách nhà ngang nhà dọc - Hiên sè cánh én, nhà quan nhà dân hàng vắn hàng dài".
Và khu vực Chợ Lớn cũng rộng "thinh thinh, góp nhóp bốn phương đủ hết loài rừng vật biển".
Đường thủy thuận lợi, không chỉ hàng hóa miền Tây mà cả miền Đông Nam bộ, thậm chí miền Trung lẫn ngoài nước đã ngay lập tức tràn về Sài Gòn: "Thuyền An Nam lui tới, ghe đen mũi ghe vàng mũi vào ra coi lòa nước - Người phương Đông qua lại, tàu xanh mang, tàu đỏ mang hàng hóa chất ngất trời".
Khu vực Cầu Ông Lãnh, ngã ba sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé thời kỳ đầu thuộc Pháp tấp nập ghe thuyền các nơi buôn bán - Ảnh tư liệu |
Đất Sài Gòn yên ổn phát triển được vài chục năm. Đến1833 lại dậy cơn binh lửa trong cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt). Hàng vạn lính triều đình Huế phải mất hai năm mới hạ được thành Gia Định 1790 trong khi nơi đây chỉ có 2.000 lính thủ thủ thành, do lũy cao hào sâu, nguồn lực kinh tế dồi dào dẫn đến tiềm lực quân sự vững chãi.
Ngay sau khi hạ thành, theo chỉ đạo của vua Minh Mạng, "chém đầu toàn bộ người trong thành cũng như ngoài thành vài dặm, bất kể già trẻ trai gái" (theo Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim tổng cộng 1831 người).
Một năm sau Thành Gia Định mới được xây nhỏ chỉ bằng 1/4 thành cũ nhằm giảm mạnh vị trí chiến lược của đất Sài Gòn so với Huế.
Mất hàng ngàn người khi đất Sài Gòn chưa đông dân trong thời tạo dựng; cơ sở kinh tế bị tàn phá nặng nề nhưng với một quy hoạch hợp lý cùng với tinh thần mạnh mẽ của những người miền Trung đi mở cõi, Sài Gòn chỉ tạm ngưng trệ ít lâu rồi lại tiếp tục phát triển.
Hơn 20 năm sau, người Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Cơ sở vật chất của Sài Gòn lúc ấy dồi dào đến mức giữa cơn binh lửa tan nát một vùng kinh tế cung ứng của cải cho cả khu vực miền Trung lẫn kinh thành Huế, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đau đớn thốt lên: "Bến Nghé (tên gọi Sài Gòn xưa) của tiền tan bọt nước - Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây"...
Đón đọc kỳ sau: Người Pháp làm chủ Sài Gòn từ 1859 - 1954 đã ứng xử ra sao với Quy hoạch 1772 để Sài Gòn trở thành "Hòn ngọc Viễn Đông"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận