Trò chuyện với Tuổi Trẻ, GS Trần Thanh Vân cho biết tất cả sức lực còn lại ông đều ưu tiên dành hết cho Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vì đây là cả một bầu trời tâm huyết của ông và vợ, GS Lê Kim Ngọc.
Tạo môi trường đam mê khoa học
* Thưa GS, nhìn lại 16 năm hành trình xây dựng và phát triển ICISE, lúc này GS cảm thấy như thế nào?
- Mọi thứ trôi thật nhanh. Tôi nhớ năm 2008 khi đặt chân đến mảnh đất Quy Hòa này, tất cả đều rất hoang vu. Năm đó, tôi gặp được anh Vũ Hoàng Hà - chủ tịch tỉnh Bình Định. Anh Hà đã mang đến cho tôi niềm tin rằng Bình Định muốn biến nơi này thành trung tâm khoa học của cả nước nên tôi quyết định sẽ xây dựng ICISE tại đây.
Tôi nhớ năm đầu tiên tổ chức hội nghị khoa học tại ICISE. Mọi thứ đều rất mới mẻ. Hội nghị lần đó có tên là "Cửa sổ nhìn vào vũ trụ". Nội dung của hội nghị lần này một nửa nói về khoa học vật liệu, một nửa nói về vật lý thiên văn. Hội nghị có rất nhiều nhà khoa học uy tín thế giới về tham dự. Lãnh đạo tỉnh Bình Định khi đó có mặt đông đủ cùng nhiều bạn trẻ yêu khoa học. Tôi thấy vô cùng vui mừng và tự hào.
Đến bây giờ, mỗi hội nghị được tổ chức tại đây, tôi đều cảm thấy rất vui khi chứng kiến nhiều nhà khoa học đã đến với Việt Nam. Tôi ước mình được trẻ lại để chia sẻ, giao lưu với các bạn trẻ được nhiều hơn.
* Theo GS để xây dựng, phát triển nền khoa học, giáo dục nước nhà, chúng ta nên làm gì?
- Tôi nghĩ để nền khoa học và giáo dục nước nhà phát triển, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa và mạnh dạn đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.
Làm khoa học khác với làm kinh tế. Chúng ta không thể đoán định được nguồn thu, lợi nhuận của làm nghiên cứu khoa học sẽ như thế nào nhưng kết quả của nghiên cứu khoa học là không thể đong đếm được bằng tiền.
Ví dụ, chúng ta bỏ ra một số tiền để làm một con tàu du lịch, lợi nhuận là nó sẽ chuyên chở được bao nhiêu khách và duy trì trong một số năm nhất định. Tuy nhiên, một nhà khoa học khi xây dựng thành công hoặc đề ra được một lý thuyết khoa học, nó sẽ thay đổi, phát triển cả xã hội, cuộc sống của con người. Lợi ích của khoa học là rất lớn.
Chúng ta hãy học hỏi mô hình, cách làm của các nước phát triển. Hãy tạo môi trường đam mê khoa học từ trường lớp cho các bạn trẻ. Đó là cách tốt nhất để tạo ra những nhà khoa học hàng đầu.
Cầu nối với các nhà khoa học hàng đầu thế giới
* GS đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của các nhà khoa học trẻ của Việt Nam và ICISE sẽ giúp họ ra sao trong việc nghiên cứu khoa học?
- Theo tôi được biết, có rất nhiều sinh viên Việt Nam ưu tú đang ở nước ngoài làm công tác nghiên cứu khoa học. Các bạn trẻ Việt Nam bây giờ rất giỏi. Nhiều người rất có uy tín trong giới khoa học.
Trong tương lai, những bạn trẻ trong nước muốn đến với con đường nghiên cứu khoa học thì ICISE sẽ là cầu nối, là nơi hỗ trợ cho các bạn tiếp cận với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học do trung tâm tổ chức. Tại đây các bạn có thể gặp gỡ, tiếp cận, trao đổi và học hỏi kiến thức từ các nhà khoa học.
* Trong tương lai, GS mong muốn ICISE sẽ phát triển như thế nào?
- Từ trước tới nay, chúng tôi tổ chức hàng trăm hội nghị khoa học và có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng về đây để các bạn trẻ yêu khoa học của Việt Nam có thể học hỏi. Đây là mục tiêu hàng đầu của trung tâm.
Thông qua trung tâm, các bạn trẻ đã có thể tiếp xúc được với các nhà khoa học hàng đầu một cách trực tiếp. Mọi thứ đã gần hơn rất nhiều và không còn xa vời. Khi tôi không có ở đây nữa, các bạn vẫn có thể đứng ra tổ chức các sự kiện khoa học quốc tế dựa trên nền tảng lâu nay tôi và mọi người đã xây dựng. Đó là một lợi thế của thế hệ mai sau.
Tôi mong muốn trong tương lai, Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi trả lương cho các nhà khoa học để họ cống hiến cho nền khoa học của tỉnh, của đất nước. Hiện tại, trung tâm đang có ba nhà khoa học và chúng tôi đang trả lương cho họ.
Tuy nhiên, để làm khoa học thì cần nhiều hơn nữa chứ ba người thì không thể được. Có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới muốn về ICISE để làm việc. Tuy nhiên chúng tôi không thể trả lương cho họ.
Tôi mong Nhà nước, Chính phủ hãy quan tâm và cùng chúng tôi tạo điều kiện thu hút những nhân tài này. Họ sẽ là thỏi nam châm kéo nhiều nhà khoa học trên thế giới về với Bình Định và Việt Nam về sau.
* GS có lời khuyên gì cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam?
- Các bạn trẻ hãy cứ đam mê, tò mò và quan sát mọi thứ xung quanh thật nhiều. Đây là điều quan trọng trong bước đường nghiên cứu khoa học.
Khi đã đến với ICISE hoặc có cơ hội gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, các bạn hãy mạnh dạn tiếp cận, đặt vấn đề và khai thác tối đa kiến thức khoa học từ họ. Lần đầu chưa có kết quả thì lần sau, lần sau nữa, những vấn đề của bạn sẽ được giải đáp tường tận.
Trân quý, ngưỡng mộ
Ông Vũ Hoàng Hà, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đánh giá những việc mà vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã làm cho Bình Định và cho đất nước là vô cùng đáng trân quý và ngưỡng mộ.
"Năm 2008, tôi gặp GS Vân và nghe ý tưởng xây dựng một trung tâm khoa học tại Bình Định, tôi mừng lắm. Tuy nhiên, thời điểm đó tôi cũng không tưởng tượng được là sẽ có nhiều giáo sư hàng đầu thế giới, đạt giải Nobel về với Quy Nhơn như bây giờ.
Mọi thay đổi, đi lên của thế giới đều bắt nguồn từ khoa học cơ bản. Cho nên lúc đó tôi mới nói với thầy Vân một câu rằng nếu thầy cần thì tôi sẵn sàng dời trụ sở UBND tỉnh đi nơi khác để thầy có một nơi ưng ý để xây dựng trung tâm", ông Hà kể.
Cũng theo ông Hà, đến lúc này Bình Định rất biết ơn vợ chồng giáo sư đã chọn nơi đây để làm điểm dừng chân. Các lãnh đạo tỉnh qua nhiều thời kỳ cũng đã chung tay hỗ trợ trung tâm được miễn tiền thuê đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận