Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội đề xuất trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu với hai nội dung là hạ tuổi được hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75 tuổi và mức trợ cấp tăng lên 500.000 đồng/người/tháng.
Cả nước hiện có 1,2 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và không có bất cứ khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nào khác.
Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tăng số người được hưởng theo chính sách này là gần 1,9 triệu người. Với những người cao tuổi mà không có lương hưu, không có ai nương tựa, không có bất cứ thu nhập nào thì số tiền này ít nhiều giúp họ bớt khó khăn.
Ngoài trợ cấp xã hội, chúng ta cần phải huy động thêm các nguồn lực xã hội khác và bằng các cách thức khác nhau để hỗ trợ cho người cao tuổi.
Ngày 14-7-2023, TP.HCM triển khai thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người từ 60 tuổi trở lên, mỗi quận huyện chọn một phường làm thí điểm rút kinh nghiệm để đến năm 2024 chính thức khám sức khỏe cho 1,3 triệu người từ 60 tuổi trở lên miễn phí.
Ngoài ra, người cao tuổi sẽ được cấp phát thuốc điều trị theo gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO (gọi tắt là WHO PEN). Thành phố dự tính sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
Ở TP.HCM còn có những hình thức hỗ trợ cộng đồng cho người cao tuổi như quán cơm 0 đồng, quán cơm 2.000 đồng luôn mở cửa chào đón những người già. Những người già không đi lại được thì có những cán bộ hội phụ nữ, Đoàn phường, cán bộ phường xã, giáo dân hỗ trợ lấy giùm phần ăn và nước uống mang đến tận nhà.
Mạng lưới hỗ trợ cộng đồng tại cơ sở là rất quan trọng, nhưng nói cho cùng vẫn chỉ là phụ thêm, vả lại không phải ở địa phương nào cũng có được tiềm lực kinh tế, những quán cơm, nhà hàng từ thiện như thế.
Quan trọng nhất là Nhà nước phải hình thành, xây dựng cho được một quỹ phúc lợi đủ lớn để đảm bảo đời sống tối thiểu về ăn, ở, chữa bệnh cho một bộ phận người dân nghèo, người già thân cô thế cô, người yếu thế.
Nói cho cùng, số tiền đó không phải là ban tặng mà nó chính là trích từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, phần trích lại từ các loại thuế phí mà người dân chi trả suốt cả cuộc đời và phần bán, cho thuê tài nguyên quốc gia mà Nhà nước là người đại diện.
Chúng ta cần có ý thức và hành động tích cực hơn cho công việc này, bởi đến năm 2035 Việt Nam chính thức bước vào danh sách các quốc gia già. Khi ấy, khoảng 20% dân số Việt Nam (hơn 20 triệu người) già cả, trong số đó ít nhất 12 - 15% là người già hoàn toàn không có nơi nương tựa.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ tâm thế, chính sách cho đến cơ sở vật chất, đào tạo con người và các nguồn lực, trong đó có quỹ an sinh xã hội. Không phải vô lý khi các nhà phát triển cộng đồng định nghĩa phúc lợi xã hội chính là "tấm nệm hơi" để cho người nghèo, người yếu thế không bị nện xuống mặt đất khi rơi từ tầng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận