Phóng to |
Ông Lê Hoàng Điệp (phải) - một trong những người đầu tiên ủng hộ quỹ từ thiện - Ảnh: S.H. |
Mặc cho nắng nóng, ông điềm nhiên ngồi xem cả xấp báo thể thao. Khi các nhân viên mang thùng từ thiện đến, ông nhanh nhảu móc ra một xấp tiền nhàu nhĩ bỏ vào thùng và nói: “Suốt buổi sáng tôi chỉ làm được ngần này. Của ít lòng nhiều xin góp đôi chút để làm ấm lòng các danh thủ từng làm vẻ vang bóng đá nước nhà...”.
Một ngày công lao động có thấm là bao
83 triệu đồng ủng hộ các lão tướng Tổng cộng ban tổ chức trận đấu thu được 148.030.000 đồng từ khán giả cùng các mạnh thường quân đóng góp. Ban tổ chức đã trích ra 83 triệu đồng (chia làm ba loại quà với các mức 3 triệu, 2 triệu và 1 triệu đồng) tặng các cầu thủ đang gặp cảnh ngộ khó khăn. Nhà vô địch SEAP Games 1959 Nguyễn Ngọc Thanh (gần 80 tuổi) không giấu được sự xúc động nói: “Bóng đá mỗi thời mỗi khác, chúng tôi thật vui và hãnh diện khi lứa cầu thủ đáng tuổi con cháu vẫn còn nhớ đến mình...”. Kết quả cựu tuyển thủ TP.HCM thắng 3-1, Hồng Sơn, Trần Chỉnh, Hoàng Hùng ghi, bàn thắng danh dự của đội khách do công của Kiatisak. M.HÀ |
Ông tên Lê Hoàng Điệp (58 tuổi), nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, P.10, Q.3, hành nghề chạy xe ôm gần 15 năm nay. Ông kể: “Một thời tôi và bà xã mài nhẵn quần ở sân Thống Nhất xem đá bóng với bao kỷ niệm buồn vui. Ngày xưa có những trận hấp dẫn đến mức cháy vé, tôi phải ôm cột điện mà xem cầu thủ Cảng Sài Gòn đọ tài cùng Công An Hà Nội.
Hôm nay tôi nói với bà xã chạy được bao nhiêu tiền tôi sẽ góp hết vào quỹ từ thiện, về nhà có ăn cháo cũng vui. Một thời, các danh thủ cống hiến hết mình cho bóng đá, cho đất nước, giờ mình hi sinh một ngày công lao động thì có thấm là bao. Nghe tôi nói, bà xã gật đầu ngay lập tức...”.
Không lâu sau ông Điệp là sự góp mặt của ông Lê Thanh Hải (43 tuổi, cựu sinh viên ĐH Kinh tế), đại diện đội bóng đá cựu sinh viên các trường thuộc ĐHQG TP.HCM. Ông Hải cùng các bạn gom góp được 3 triệu đồng để ủng hộ. Ông nói: “Dù không có cơ hội xem khoảnh khắc đăng quang ở SEAP Games 1959 của các bác Nhung, Thanh, Quách Hội, hay hình ảnh bác Tam Lang, chú Hồ Thanh Chinh mang chiếc cúp vàng Merdeka về nước, nhưng qua sách báo tôi biết được các bác từng một thời đưa hình ảnh bóng đá nước nhà bay cao trên cầu trường quốc tế. Thôi thì làm được gì cho các lão tướng vui vẻ khi xuân về thì chúng tôi hết lòng...”.
Nỗi lòng cựu danh thủ
Hai giờ trước trận đấu, ở sảnh khán đài A, danh thủ Kiatisak dẫn cả gia đình (vợ và ba con gái) đến chào Huỳnh Đức.
Kiatisak cho biết vài năm trở lại đây, cựu tuyển thủ Thái Lan đã bớt khó khăn hơn rất nhiều. T-League ngày càng phát triển nên các CLB đều mời các cựu tuyển thủ về làm đào tạo trẻ hoặc cộng tác viên. Nhờ vậy, cả đôi bên đều có lợi. Nghe Kiatisak tâm sự, Huỳnh Đức cho rằng: “Cách làm quá hay và rất tốt cho cựu tuyển thủ lẫn các cầu thủ măng non. Một đằng được hành nghề, một đằng có cơ hội luyện tập cùng các danh thủ. Sự cộng hưởng ấy sẽ giúp đôi bên cùng hưng phấn khi làm việc”.
Kiatisak đặt câu hỏi với Huỳnh Đức: “Tôi không hiểu vì sao ngày càng có nhiều cầu thủ Thái và Việt không còn mặn mà với đội tuyển. Có lẽ CLB trả quá nhiều tiền và cầu thủ có đôi chút tiếng tăm nên chỉ nghĩ đến tiền mà không còn đam mê với trái bóng. Đức có nghĩ vậy không?”.
Cả hai cựu danh thủ Thái - Việt cùng thể hiện rõ nỗi buồn trên gương mặt để rồi lắc đầu và không đưa ra được câu trả lời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận