Miếu Âm hồn ở làng biển Sa Động - Ảnh: P.X.D. |
Không chỉ với người đang sống mà còn với người đã chết, không chỉ ở trên đất liền mà còn tận ngoài trùng khơi xa thẳm, không chỉ tình nghĩa xóm làng, đồng bào mà còn tình thương với người xa lạ, thậm chí khác hẳn giống nòi.
Nghĩa trang không mộ chí
Về đến làng biển Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hỏi thăm một nghĩa trang khác lạ mai táng những sinh linh phiêu dạt, chợt nhớ đến hai câu trong Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) của cụ Nguyễn Du:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Tôi ngồi nghe ông Trương Phương Xa, lão ngư 70 tuổi, là thủ từ trông coi việc thờ tự của vùng quê Sa Động, rỉ rả chuyện xưa.
Theo ông, nghĩa trang âm hồn có từ cuối thế kỷ 18. Ngày xưa thỉnh thoảng lại có xác người trôi dạt từ biển vào cửa biển Bảo Ninh, thường tấp vào làng Sa Động. Dân làng thấy vậy đem chôn cất tử tế và khói hương cho người xấu số.
Dần dà mỗi năm những xác chết gặp nạn trên biển cứ ngày một nhiều lên. Dân làng thương xót nên quy tập chôn cất vào một nơi gần biển.
Dù không biết tuổi tên, quê quán và hành trạng, phẩm hạnh ra sao nhưng phàm đối với người chết thì nghĩa tử là nghĩa tận nên dân biển quy hoạch vào một nơi an nghỉ, không có bia mộ cho từng người vì không rõ danh tính.
Hết thảy những cô hồn trôi sông lạc chợ đều gửi xác mình vào nghĩa trang âm hồn Sa Động. Họ được nằm bên nhau trước một ngôi miếu có tên “Âm hồn tự”.
Dịp rằm, mồng một âm lịch hằng tháng hay những khi lễ tết, dân làng Sa Động đều đến thắp hương khấn vái cầu mong cho những người đã khuất không nơi nương tựa linh hồn siêu thoát, phù hộ cho người sống an lành.
Ông Xa kể tiếp: “Trải qua hơn 200 năm, nghĩa trang âm hồn ngày một nhiều thêm, đến nay có đến hàng trăm cô hồn yên nghỉ nơi đây. Việc này thành lệ, thành một câu chuyện tâm linh, được truyền từ đời này sang đời khác”.
Ông Trương Quốc Hội góp chuyện:” Người ở đây chắc cũng thập phương trôi dạt vào, không rõ quê hương bản quán. Nhưng cũng có người mình biết được ít nhiều. Như hồi kháng chiến chống Pháp, làng tôi vớt được năm người chết không đầu, chỉ còn ngang cổ trở xuống nhìn khiếp lắm. Dân làng chôn cất đàng hoàng dù không biết họ ở đâu, chỉ đoán là Việt minh bị giặc tàn sát dã man.
Nghĩa trang này có cả người Trung Quốc, họ cũng dân đi biển gặp bão mà chết, sang cả biển mình đánh cá rồi gặp nạn. Người họ được chôn cất ở đây cũng khá nhiều. Dù họ là ai một khi đã chết mà trôi dạt vào đây thì làng cũng chôn cất, khói hương tử tế. Nghĩa trang này mới đây được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cùng với miếu thờ cá voi của làng”.
Tôi chạy ra phía biển sau làng, đến thăm nghĩa trang âm hồn, nghĩa trang không mộ chí để thêm một lần cảm nhận những tấm lòng biển cả.
Ông Nguyễn Trọng Bằng kể lại chuyện cứu ngư dân Trung Quốc - Ảnh: P.X.D. |
Hào hiệp giữa trùng dương
Năm 2013 anh Nguyễn Trọng Hiếu ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh đã cùng với ngư dân trên tàu cá đánh bắt xa bờ làm một nghĩa cử cứu người khiến bà con xa gần trầm trồ kể lại. Đó là câu chuyện cứu mạng một ngư dân Trung Quốc ở đảo Hải Nam tên Trịnh Tổ Ba.
Tôi đến làng anh Hiếu khi các con thuyền đánh bắt ở Hoàng Sa đang còn đi tìm luồng cá chưa về. Ông Nguyễn Trọng Bằng vừa rót nước trà vừa kể: “Anh hỏi chuyện thằng Hiếu nhà tôi à? Nó sinh năm 1981, năm nay tuổi mụ là 33, còn trẻ nhưng lăn lộn với biển khơi cũng nhiều, lâu nay vẫn đánh bắt xa bờ. Từ đây ra đến ngư trường cũng phải 250 hải lý. Đúng là nó và anh em trên tàu đã cứu một người Trung Quốc gặp nạn trên biển.
Lúc ấy nó xa bờ khoảng 90 hải lý, trên đường ra ngư trường Hoàng Sa. Phát hiện có người trôi trên biển tàu nó liền dừng lại. Anh này cũng đã chống chọi suốt đêm trên biển, cũng kiệt sức rồi, may mà cứu kịp không thì chết chắc. Khi mới đưa anh này lên tàu, Hiếu có điện về báo với tôi.
Nói thật với anh ai cũng thương người, nhất là dân biển cùng cảnh ngộ như mình, họ người nước nào cũng là dân cả thôi. Nhưng cháu nó cũng phải suy nghĩ. Vì một chuyến đi như thế tốn kém nhiên liệu, lương thực và chi phí nói chung lên đến hàng trăm triệu bạc.
Muốn cứu anh Trịnh Tổ Ba này phải quay tàu trở lại vì anh ta sức khỏe còn yếu, thế mới gay go, trong lúc mình đã đánh bắt được gì đâu. Hơn nữa, trên thuyền cả thảy hơn 20 con người. Ai ra đi cũng vì cơm áo gạo tiền nên không khỏi đắn đo. Nó vừa là chủ tàu vừa thuyền trưởng, trách nhiệm đứng mũi chịu sào. Hiếu điện về là vì vậy.
Tôi bảo thì thôi cứu người là quan trọng nhất, mình gặp người bị nạn thì giúp họ coi như làm phúc, tích đức cho con. Lúc đầu không phải tất cả thuyền viên đều đồng ý quay về. Thì cũng bởi gánh nặng gia đình miếng cơm manh áo cả thôi. Hiếu cũng phải chân tình thuyết phục anh em cùng đi.
Được cái một vài anh em đang còn băn khoăn trên tàu nghe ra rồi cũng đồng tình ủng hộ việc này. Cơm áo gạo tiền quan trọng thật nhưng chẳng lẽ thấy người chết mà không cứu. Con tôi và anh em quyết định quay về”.
Anh Trịnh Tổ Ba có một vợ hai con, cũng ra đi đánh cá ở Hoàng Sa trên chiếc tàu của người anh trai là Trịnh Tổ Đạo, nửa đêm đi vệ sinh không may rơi xuống biển. Khi được tàu anh Hiếu vớt lên, lúc hơi tỉnh lại anh ú ớ mấy câu. Có thuyền viên đi cùng anh Hiếu biết chút ít tiếng Trung Quốc nên bảo: ”A, đây là người Tàu”.
Đó là buổi sáng 27-7-2013. Khi anh Ba được cứu sống, thuyền trưởng Hiếu đã mở ngay máy liên lạc gọi theo con số anh ta ghi trên giấy để liên hệ với gia đình. Anh Ba nói chuyện với người nhà báo tin còn sống. Sau cuộc điện thoại cho người thân, anh Ba sụp lạy người đã cứu mạng mình, nhưng anh Hiếu khoát tay bảo đừng nên làm thế.
Anh Hiếu lại điện thoại về cho bộ đội biên phòng Quảng Bình. Lực lượng chức năng cũng chỉ dẫn nên sớm đưa nạn nhân vào bờ để thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe và làm thủ tục về lại nước họ. Sau đó nạn nhân được đưa về Quảng Bình.
Bộ đội biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng tận tình chăm sóc nên anh chóng phục hồi. Rồi chính quyền tỉnh Quảng Bình, cơ quan ngoại giao nước ta đã bàn giao ngư dân này cho Trung Quốc vào ngày 7-8-2013.
Ông Bằng lại kể:” Khi mới vớt lên, Hiếu cho anh ta áo quần của mình. Đến khi về đến Quảng Bình, được chăm lo đầy đủ, anh ta bảo trả lại áo quần cho con tôi nhưng Hiếu nói cứ cầm về làm kỷ niệm. Anh người Trung Quốc ấy cúi xuống vái con tôi nói lời cảm tạ”.
Tôi hỏi thêm: ”Anh ta sau này có điện thoại hỏi thăm?”. Ông Bằng gật đầu: ”Có, có, vào cơn bão số 10 năm ngoái anh này có điện sang hỏi thăm. Chắc nghe tin bão to, liên lạc để biết tin tức về nhau. Thì dân nước họ cũng sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Thế là tốt rồi”.
Ông Bằng cho biết UBND tỉnh Quảng Bình đã tặng bằng khen cho anh Hiếu kèm theo số tiền 30 triệu đồng. Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã hỗ trợ 40 triệu đồng. Đó là sự ghi nhận và động viên của chính quyền về tấm lòng hào hiệp giữa trùng dương của những người dân biển.
____________
Kỳ tới: Hướng đến Hoàng Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận