Vừa ra đến cổng bắt gặp một phụ nữ trung niên ngồi ở chợ khu tập thể, bên một nồi nước đang sôi, tay đang cầm một con chim non vặt lông. Nhận thấy con chim còn sống, đang cố ngẩng đầu lên giãy đạp, tôi dừng lại hỏi: “Chim gì thế hả chị?”. “Bồ câu non đấy chú ạ”. “Sao chị không cho chim chết đã rồi hẵng vặt lông?”. Chị dừng tay vặt, tay kia vẫn cầm con chim non đã bị vặt trụi hết lông trên lưng, nhìn tôi ngạc nhiên: “Ơ cái chú này, nó chết mới vặt thì người ta bảo tôi bán chim chết, ai mua!”.
Những hạt mưa phùn bay bay trong gió lạnh, thổi trên lưng con chim non chỉ còn sót lại vài cái lông tơ. Cái đầu bé bỏng của nó cũng đã trọc lóc. Lòng tôi quặn một nỗi buồn khôn tả.
Tới cơ quan, trong lúc chưa nguôi ngoai hình ảnh chú chim non bị vặt trụi lông trong cái giá buốt cắt da mà vẫn phải sống cho tới lúc bị cho vào nồi nước sôi, tôi lại phải nghe anh bạn đồng nghiệp đang hào hứng kể chuyện hôm trước đi Hải Lựu (Vĩnh Phúc) xem chọi trâu và may mắn mua được 1kg thịt một “ông Cầu” thắng cuộc giá 2 triệu đồng. Anh ta kể với giọng thán phục “ông Cầu” này đẹp mã ra sao, có bộ sừng nghênh chiến độc đáo thế nào và khi vào cuộc thì can đảm, can trường làm nức lòng đám người cổ vũ, và rồi chính anh ta theo sát được “ông Cầu” khi ra bãi để chủ trâu xẻ thịt.
Anh bạn đồng nghiệp là người có học, bằng cấp không thiếu gì, có hàm cấp vụ và... sống rất tử tế. Chẳng trách anh ta được. Nhiều người bây giờ có chung cái thú vui và có quan niệm về “tâm linh” như thế.
Tôi lên mạng. Tràn ngập những trang báo kể chuyện các lễ hội chọi trâu. Các ống kính têlê đặc tả cú móc mắt hiểm hóc của một “ông Cầu” với đối thủ. Có bức ảnh chụp nguyên cái đầu trâu đã được cắt rời dựng bên sạp thịt, mắt còn mở thao láo. Các sạp thịt trâu đỏ au, trâu thắng lẫn trâu thua. Cảm giác bất an tăng dần, nhưng tôi vẫn cố xem người ta bàn tán, nhìn nhận, cổ vũ và say sưa với lễ hội đem “bạn nhà nông” ra tỉ thí thế nào.
Một ông trưởng phòng thể thao dân tộc phát biểu lễ hội chọi trâu mang đậm ý nghĩa tâm linh. Một cán bộ trung ương nhận định lễ hội này tạo ra giá trị riêng của nông dân Việt. Họ nói đều không sai. Trong cuộc đời mưu sinh vất vả của nhà nông từ ngàn đời, để kiếm tìm niềm vui, nông dân luôn biết cách tổ chức những thú vui dưới nhiều hình thức, trong đó có chọi trâu. Một làng, một họ tộc rước linh đình một ông trâu thắng cuộc và họ tự hào tin rằng có một năm may mắn. Giá trị tâm linh, giá trị văn hóa nằm ở góc độ “trâu-người”thương yêu nhau trong cuộc mưu sinh để có cái ăn và đem lại cho nhau niềm vui vào những ngày nông nhàn, lễ hội. Tâm linh hướng đến cái thiện. Vậy thì còn đâu nữa những giá trị khởi nguồn tốt đẹp khi người ta xẻ thịt những đấu sĩ dù thắng hay thua? Nếu không có những điều chỉnh, sự mê tín mụ mị và coi nặng yếu tố kinh doanh lời lãi sẽ biến một lễ hội tốt đẹp thành một sàn đấu nặng yếu tố bạo lực và vì tiền.
Tôi đã rời quê gần 40 năm. Chân đã đặt tới nhiều nơi xa. Vậy mà mỗi lần về quê, những người già chỉ nhắc lại hình ảnh tôi ngày xưa là cậu bé cưỡi trên lưng một con trâu có cặp sừng kềnh càng, tay cầm cuốn sách. Không biết bao lần tôi bước lên cầu thang máy bay, vào những chiếc ôtô sang trọng, tàu cao tốc chạy đệm từ và cả lên con tàu trắng lướt trên dòng Danube xanh, rồi tôi có thể sẽ quên hết, duy chỉ cảm xúc của đôi chân lấm đất trèo hoặc từ sừng hoặc từ khuỷu chân bên sườn để lên lưng chú trâu kềnh ngày xưa thì tôi không thể nào quên được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận