Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp người trẻ rơi vào nguy kịch khi đột ngột bị đột quỵ lúc hoạt động ngoài trời nắng nóng kéo dài, hay trong lúc làm việc căng thẳng, tắm khuya...
Điển hình vụ 6 người trẻ (ở độ tuổi từ 32 - 45) cùng nhập viện trong một đêm tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì đột quỵ vào tháng 3 vừa qua. Bác sĩ bệnh viện cảnh báo bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Không tắm quá muộn, không tắm nước lạnh để tránh đột quỵ
Bận rộn với nhiều việc cần xử lý trong ngày khiến thời gian đi tắm của nhiều người trẻ đã khuya, gần lúc đi ngủ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phước - khoa nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho hay tắm muộn thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu nhiệt độ nước và cơ thể chênh lệch quá nhiều (nhiệt độ cơ thể nóng mà nước tắm thì quá lạnh) thì không tốt cho cơ thể. Ngoài ra, tắm quá khuya cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Đặc biệt chú ý những người có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim…, khi tắm khuya với nước quá lạnh sẽ làm tăng cường giao cảm, từ đó làm huyết áp tăng và xảy ra các biến cố sau đó.
Đã có những trường hợp đột quỵ, đột tử khi tắm khuya ghi nhận ở người mắc các bệnh nền nêu trên.
Để việc tắm đêm không gây hại cho sức khỏe, bạn nên tắm trước 22h. Nếu buộc tắm khuya, không để cơ thể thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Nên tắm trong môi trường và nhiệt độ tương thích nhau. Tốt nhất chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng nước ấm, dùng khăn lau người, không nên tắm hoặc ngâm bồn nước lạnh.
Nắng nóng làm khởi phát yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Bác sĩ Phước cho biết thêm, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều làm tăng tỉ lệ bệnh nhân bị đột quỵ. Với thời tiết nắng nóng gay gắt, nền nhiệt độ cao sẽ làm tăng tỉ lệ bệnh tật nói chung.
Với riêng bệnh đột quỵ, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh, mà sẽ làm khởi phát các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim…, hoặc làm trầm trọng thêm bệnh nền mà người bệnh đang mắc phải.
Bác sĩ Phước khuyến cáo, người trẻ nói riêng và người dân ở mọi độ tuổi nói chung khi hoạt động ngoài trời trong nền nhiệt cao cần chú ý cơ thể dễ mất nước, năng lượng.
Không nên hoạt động quá lâu ngoài trời, đặc biệt chú ý những người có bệnh lý nền vì mất nước có thể làm xuất hiện các biến chứng bất lợi cho bệnh nền.
Cần chú ý các dấu hiệu của bệnh đột quỵ dễ nhầm lẫn với say nắng. Thực tế có những bệnh nhân khởi phát cơn đột quỵ trong thời tiết nắng nóng, nhưng mọi người xung quanh hiểu lầm là do nắng nóng. Khi người bệnh có các dấu hiệu yếu chân tay, liệt mặt… cần nghĩ đến đột quỵ để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận