31/05/2015 04:06 GMT+7

“Tấm gương VĐV quan trọng hơn huy chương”

T.PHÚC - H.ĐĂNG
T.PHÚC - H.ĐĂNG

TT - Hôm 30-5, ông Lim Teck Yin, giám đốc điều hành Tổng cục Thể thao Singapore kiêm trưởng ban tổ chức SEA Games 28 (SINGSOC), đã trả lời Tuổi Trẻ về công tác tổ chức cũng như những tham vọng của Singapore khi đăng cai tổ chức SEA Games 28.

Giải thích cho câu khẩu hiệu “Tôn vinh sự phi thường” (Celebrate the extraordinary) mà SEA Games 28 đưa ra, ông Yin nói: “Tất nhiên khẩu hiệu này có liên quan một phần đến lễ kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh của Singapore (Singapore chính thức giành độc lập vào ngày 9-8-1965). Đây là một cơ hội cho chúng tôi nhìn lại những gì mà Chính phủ và người dân Singapore đã làm được suốt nửa thế kỷ qua. Chúng tôi cũng muốn nhân dịp này để tưởng niệm cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã xây dựng nên một Singapore như ngày nay. Nhưng điều ban tổ chức SEA Games muốn nói đến về “sự phi thường” đó là những câu chuyện của VĐV đến từ tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi muốn tôn vinh cái cách mà họ đã hi sinh như thế nào, phải cắn răng vượt khó như thế nào”.

* Chính phủ Singapore chờ đợi điều gì từ việc tổ chức kỳ SEA Games này?

- Singapore luôn nỗ lực tạo ra sự khác biệt từ mọi sự kiện, tìm cách kết hợp kinh doanh, du lịch vào những hoạt động khác. Chẳng hạn, hàng loạt sự kiện thể thao lớn sẽ diễn ra ở Singapore năm nay. Vào tháng 8 chúng tôi có Giải bơi lội trẻ thế giới, tháng 9 chúng tôi có Giải đua xe Công thức 1, tháng 10 có Giải quần vợt WTA Finals. Đó đều là những sự kiện thu hút nhiều khách nước ngoài đến Singapore và chúng tôi cần phải thể hiện những hình ảnh đẹp đẽ của Singapore. SEA Games cũng vậy. Bạn có thể thấy Sports Hub nằm gần với vịnh Marina, xung quanh có nhiều khu mua sắm, trường học, bệnh viện. Tất cả kết hợp lại với nhau và đằng sau thành tích thể thao, chúng tôi hi vọng SEA Games 28 có thể giúp Singapore tiếp tục phát triển về mặt kinh tế. Và một trong những thành quả đầu tiên thể hiện qua việc chúng tôi đã huy động được rất nhiều nhà tài trợ ở kỳ SEA Games này, đặc biệt là những nhãn hàng nước ngoài. Chiếc áo mà các nhân viên của tôi mặc được một nhãn hàng của Thái Lan tài trợ.

* Trong những kỳ SEA Games trước, nước chủ nhà luôn bị điều tiếng về việc được trọng tài thiên vị. Singapore sẽ làm gì để tránh lặp lại tình trạng này ở SEA Games 28?

- Tất nhiên, tất cả chúng ta đều có cái nhìn riêng về các cuộc tranh tài nhưng tôi đảm bảo rằng Singapore sẽ nỗ lực hết sức để tạo ra sự công bằng. Những quan chức của SEA Games 28 sẽ theo dõi sát sao các kết quả được đưa ra từ trọng tài và phản ứng của mọi người. Nhưng điều tôi cho rằng quan trọng nhất tại các kỳ tranh tài thể thao đó là những câu chuyện, những tấm gương từ VĐV chứ không phải là các tấm huy chương. Bạn giành huy chương và bạn được quyền ăn mừng, nhưng đó không phải là điều đáng nói. Điều quan trọng là mọi người sẽ nhìn vào một VĐV nào đó và trầm trồ: “Ồ, đó là một người Việt Nam”, điều đó có được từ sự nỗ lực của bản thân chứ không phải những tấm huy chương.

* Singapore không xây dựng làng VĐV như những kỳ SEA Games trước. Phải chăng là vì tiết kiệm?

- Không, tôi đảm bảo rằng chi phí để xây dựng làng VĐV và chi phí thuê khách sạn phục vụ VĐV suốt SEA Games là tương đương nhau. Nguyên nhân chúng tôi không xây làng VĐV là vì muốn đảm bảo tiện nghi cho VĐV. Như các bạn biết, Singapore khá chật chội về mặt đất đai và thật sự chúng tôi không còn đất ở khu vực trung tâm để xây làng VĐV. Chúng tôi có một bài học kinh nghiệm từ lần đăng cai Olympic trẻ vào năm 2010. Khi đó làng VĐV được xây dựng ở Đại học Công nghệ Nanyang nằm ở khu vực ngoại ô. Điều này gây bất tiện cho các đoàn thể thao nước ngoài về mặt di chuyển cùng những tiện nghi khác như mua sắm, giải trí... Việc sử dụng khách sạn trong trung tâm thành phố như ở SEA Games 28 sẽ giúp họ được tiện nghi hơn.

* Ông có bất ngờ với vụ bắt giữ vì nghi án dàn xếp tỉ số trước trận Malaysia - Đông Timor mới đây không?

- Thật sự mà nói dàn xếp tỉ số chẳng phải là chuyện xa lạ gì trong thế giới thể thao, đặc biệt là bóng đá. Đường dây dàn xếp tỉ số vươn đến mọi cấp độ giải đấu, kể cả những giải đấu nhỏ. Chống lại điều này luôn nằm trong sự chuẩn bị của chúng tôi. Chúng tôi đã có sẵn mọi phương án để đối phó và vụ bắt giữ bốn người trước trận Malaysia - Đông Timor là một ví dụ. Trong trường hợp có một cầu thủ nào đó bị phát hiện tham gia dàn xếp tỉ số, anh ta sẽ bị loại khỏi SEA Games nhưng đội bóng của anh ta vẫn tiếp tục được thi đấu.

* Sau khi đăng cai SEA Games 28, liệu Singapore có ý định đăng cai những đại hội thể thao lớn hơn như Asian Games hay Olympic?

- Chúng tôi luôn muốn được đăng cai những kỳ tranh tài thể thao lớn có lợi cho việc phát triển thể thao Singapore. Vì thế khi lựa chọn các giải đấu, chúng tôi muốn hướng đến những kỳ tranh tài có tính chất thường xuyên, kéo dài, sẽ ở lại Singapore trong nhiều năm chứ không phải chỉ một lần rồi thôi. Chẳng hạn ở Giải cầu lông quốc tế Singapore mở rộng hay Giải quần vợt WTA Finals (đã ký hợp đồng năm năm), các tay vợt hàng đầu thế giới sẽ đến đây thường xuyên và khuyến khích giới trẻ tham gia những môn này. Và rồi các học viện về cầu lông hoặc quần vợt sẽ xuất hiện.

Chúng tôi phải chọn giải đấu để tổ chức một cách cẩn thận vì rất tốn kém. Những kỳ đại hội thể thao như Olympic chỉ giống như một tiếng nổ “bùm” rồi xong, không có tác dụng lâu dài. Bây giờ Singapore chỉ mới có một sân vận động lớn (Sports Hub) nhưng cũng đã phải rất vất vả để duy trì sự hoạt động của nó sau SEA Games. Tôi không thể tưởng tượng được nếu phải xây thêm ba hoặc bốn sân vận động lớn nữa để phục vụ Olympic, chúng chắc chắn sẽ bị bỏ hoang sau khi tổ chức kỳ đại hội thể thao cực lớn này. Đó là một sự lãng phí và chúng tôi cần có một cái nhìn lâu dài hơn.

T.PHÚC - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp