07/08/2021 12:48 GMT+7

Tam giác quyền lực châu Âu đến Biển Đông

Thạc sĩ LỤC MINH TUẤN (nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế - SCIS, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Thạc sĩ LỤC MINH TUẤN (nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế - SCIS, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TTO - Các động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông lần lượt từ Pháp, Anh và Đức đang cho thấy sự nhất quán và quyết đoán của ba cường quốc hải quân châu Âu nhằm hiện thực hóa chiến lược tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mỗi nước.

Tam giác quyền lực châu Âu đến Biển Đông - Ảnh 1.

Khinh hạm Bayern khởi hành chuyến hải trình dài 6 tháng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có đi vào Biển Đông, từ ngày 2-8 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Đức

Các động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông lần lượt từ Pháp, Anh và Đức đang cho thấy sự nhất quán và quyết đoán của cả ba cường quốc hải quân châu Âu nhằm hiện thực hóa chiến lược tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mỗi nước.

Hành động của ba nước này không đại diện cho Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU vào đầu tháng 2-2020. Dù cho xu hướng "đồng sàng" hiện đang trội hơn nhưng bản chất "dị mộng" giữa bộ ba quyền lực Anh - Pháp - Đức vẫn là nhận thức khó thể phủ nhận.

Khác biệt cách tiếp cận

Pháp là quốc gia công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sớm nhất châu Âu (tháng 4-2019), sau đó đến Đức (tháng 9-2020). Mãi đến tháng 3-2021, nội dung "hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Anh mới được công bố như một trọng tâm mới trong chiến lược "Nước Anh toàn cầu" dưới thời Thủ tướng Boris Johnson.

Pháp đã sớm triển khai một chiến lược tiếp cận với ba mũi giáp công thông qua việc tăng cường hiện diện quân sự ở cả Ấn Độ Dương (tham gia tập trận với khối QUAD vào tháng 4-2021), biển Hoa Đông (kiến tạo tam giác quân sự Nhật - Mỹ - Pháp từ tháng 5-2021) và cả Nam Thái Bình Dương (thành lập mạng lưới bảo vệ bờ biển ở khu vực từ tháng 7-2021).

Bên cạnh đó, Pháp cũng tham gia hệ thống tam giác Pháp - Ấn - Úc để củng cố thế "hợp tung" từ Ấn Độ Dương sang Nam Thái Bình Dương và triển khai tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis cùng hạm đội hỗ trợ cho trục "liên hoành" từ Ấn Độ Dương lên biển Hoa Đông, định hình một cách tiếp cận toàn diện cho cả khu vực.

Trong khi đó, mặc dù Anh có ít hơn các cơ sở đảm bảo hiện diện chiến lược ở khu vực so với Pháp nhưng lại chọn cách tiếp cận phô trương thanh thế bằng chuyến hải trình 28.000 hải lý của hạm đội tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, nhằm tạo hiệu ứng dư luận xung quanh 7 cơ sở quân sự "thân Anh" dọc theo tuyến hàng hải huyết mạch từ Ấn Độ Dương đến biển Hoa Đông (Bahrain, Oman, Kenya, Diego Garcia, Qatar, Singapore và Brunei) và 40 đối tác an ninh trong khu vực.

Chỉ có Đức, với ít hơn hẳn các cơ sở hiện diện và lợi ích chiến lược, đã chọn cách triển khai tinh tế và khiêm tốn với khinh hạm Bayern theo lộ trình từ Địa Trung Hải sang Hoa Đông - vừa kết hợp giữa thế "liên hoành" của Anh và các trọng tâm trong hệ thống "ba mũi giáp công" của Pháp, vừa thực hiện các nội dung hợp tác đặc trưng của riêng nước Đức về chống cướp biển, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển với tất cả các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc. Đức là bên duy nhất đề nghị cập cảng Thượng Hải trong lộ trình của khinh hạm Bayern nhưng bị từ chối.

Nhiều điểm tương đồng

Mặc dù duy trì nhiều khác biệt trong cách tiếp cận khu vực nhưng bộ ba quyền lực Anh - Pháp - Đức vẫn triển khai thành công các động thái tương tác lẫn nhau để duy trì bản sắc địa lý và uy tín của nước lớn nói chung, trong bối cảnh cần củng cố nhận thức về các thách thức đến an ninh khu vực từ phía Trung Quốc.

Đối với tương tác ba bên, cả Anh - Pháp - Đức tuy triển khai sự hiện diện hải quân vào các thời điểm khác nhau nhưng đều có cùng một điểm đến, cùng một lộ trình và truyền tải cùng một thông điệp. 

Bộ ba quyền lực này có nhiều điểm tương đồng trong chiến lược hạn chế rủi ro leo thang căng thẳng ở khu vực khi: cùng né tránh các khu vực nhạy cảm ở Biển Đông và eo biển Đài Loan; cùng nâng tầm quan hệ với Mỹ và các thành viên của khối QUAD để có được sự hỗ trợ hậu cần và cùng tôn trọng các nguyên tắc điều phối lấy ASEAN làm trung tâm.

Đối với tương tác song phương, mỗi cạnh của tam giác Anh - Pháp - Đức đều duy trì hiệu quả những điểm đồng nhất như: 

(i) cạnh Anh - Pháp cùng triển khai tàu ngầm đến Biển Đông và Hoa Đông, cùng tham gia tập trận đa phương 8 quốc gia ở biển Tây Philippines và tập trận hạm đội tàu sân bay chung ở biển Địa Trung Hải; 

(ii) cạnh Pháp - Đức cùng tham gia các hoạt động giám sát của Liên Hiệp Quốc để duy trì cấm vận thương mại với Triều Tiên ở biển Hoa Đông, cùng đại diện lợi ích của EU ở khu vực và cùng tham gia chiến dịch Atlanta (của EU) để chống cướp biển ở ngoài khơi khu vực Sừng châu Phi; 

(iii) cạnh Anh - Đức cùng tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông tháng 7-2016 (Pháp chưa đưa ra tuyên bố đơn phương ủng hộ phán quyết - theo AMTI).

Chuỗi tương đồng giữa các cạnh trong bộ ba này đã giúp định hình sự hiện diện của một tam giác quyền lực Anh - Pháp - Đức nhưng vẫn chưa khiến cục diện căng thẳng ở châu Á leo thang. Trong đó, nước Pháp với vai trò kiến tạo nền tảng hiện diện một cách hệ thống, Anh phát huy các điểm nối chiến lược trong trục "liên hoành", còn Đức sẽ tìm cách nâng cao các hợp tác an ninh phi truyền thống.

Vì vậy, nếu không sớm định hình một cơ chế phối hợp ba bên Anh - Pháp - Đức thì các khác biệt trong cách tiếp cận đơn lẻ của mỗi nước sẽ nhanh chóng bộc lộ. Một thế trận cạnh tranh - đối trọng giữa các nước lớn nhưng không có cơ chế điều phối thống nhất sẽ tạo dư địa cho các rủi ro dễ khiến leo thang căng thẳng và mất kiểm soát.

Trông chờ vai trò điều phối của ASEAN

Trong bối cảnh giữa ba nước Anh - Pháp - Đức vẫn chưa thể tự hình thành một cơ chế tiếp cận chung khi tiếp cận khu vực, vai trò điều phối của các thể chế do ASEAN chỉ huy đang được trông chờ để có thể phát huy tối đa các điểm tương đồng hiện có, hạn chế các khác biệt của bộ ba châu Âu này.

Động thái cả Anh và Pháp đều đang vận động thành đối tác đối thoại của ASEAN để tham gia chính thức vào Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là những chỉ dấu đầy triển vọng cho một tương lai "cân bằng mới" ở khu vực nhưng thế trận chung vẫn do các nước nhỏ, mà điển hình là ASEAN, điều phối.

Một tương lai trật tự cân bằng trong khu vực được duy trì bởi các cường quốc hải quân, nhưng chấp nhận sự điều phối của các nước nhỏ với đại diện là ASEAN đang có triển vọng và nhu cầu kiến lập cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cường quốc biển châu Âu nhìn về châu Á Cường quốc biển châu Âu nhìn về châu Á

TTO - Các cường quốc châu Âu, trong đó có cường quốc biển một thời Anh quốc, đang tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á. Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn các nước phương Tây liên kết với nhau.

Thạc sĩ LỤC MINH TUẤN (nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế - SCIS, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp