Phóng to |
"Gã khổng lồ" Google cũng có những hoạt động "khuất tất" bên cạnh khẩu hiệu "Đừng làm điều xấu" (Don't be evil) - Ảnh minh họa: Internet |
“Double Irish” (tạm dịch: Hai người Ai Len) và “Dutch Sandwich” (tạm dịch: Bánh sandwich Hà Lan) là hai thuật ngữ được giới luật gia dùng để nói về mánh khóe lách luật siêu hạng của Google – giúp giảm tỷ lệ thuế đánh vào thu nhập có được tại khu vực ngoài nước Mỹ của công ty này giảm còn 2.4% – thấp nhất trong số 5 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ, tính theo tổng giá trị thị trường.
“Thật ấn tượng trước mức lãi suất thực tế thấp đến vậy của Google”, Martin A.Sullivan, cựu chuyên gia thuế của bộ tài chính Hoa Kỳ, cho hay. “Nên nhớ rằng, Google hoạt động chủ yếu tại những quốc gia mà tỷ lệ thuế luôn ở vào mức trên 20%.”
Thuế thu nhập đánh vào Google tại Hoa Kỳ là 35%. Con số này tại Vương quốc Anh, thị trường lớn thứ hai của Google, là 28%.
Để đạt được tất cả những điều này, Google đã sử dụng một mánh lới từng được Facebook và Microsoft áp dụng thành công. Lợi dụng kẽ hở trong luật kinh tế Ai Len, Google đã (một cách hoàn toàn hợp pháp) chuyển vào rồi lại rút ra một cách liên tục lợi nhuận thu được giữa các công ty con của mình tại quốc gia này, qua đó thoát được mức áp thuế 12,5% của chính quyền Ai Len.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng đang rục rịch một kế hoạch tương tự như những gì Google đã làm, nhằm chuyển phần lợi nhuận thu được từ Ai Len đến Cayman Islands.
Chiến thuật mà Google và Facebook sử dụng dựa trên cái gọi là “Chuyển giá” (Transfer Pricing), là những giao dịch trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển giao số thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn. Những mánh lới kiểu này gây tổn hại cho chính quyền Hoa Kỳ 60 tỷ USD mỗi năm.
“Hai người Ai Len” là gì?
Là một phương pháp nhằm giảm tối đa mức thuế áp đặt, “Hai người Ai Len” được xem là “rất phổ biến vào ngày nay, đặc biệt là với những công ty sở hữu tài sản trí tuệ” – Richard Murphy, giám đốc của công ty nghiên cứu Tax Research LLP, ước tính có hàng trăm công ty đa quốc gia đã và đang sử dụng biện pháp tương tự để trốn thuế.
Mức thuế thu nhập cao tại Mỹ là động cơ thúc đẩy các công ty chuyển dời hoạt động kinh doanh cùng thu nhập có liên quan đến những quốc gia có mức thuế thấp hơn.
Tiền lãi tăng lên
Nhờ mánh lách luật này mà lợi nhuận của Google trong năm ngoái đã tăng thêm đến 26%. Dựa theo một báo cáo tài chính, nếu công ty này chấp hành nghiêm túc việc trả mức thuế 35% cho tất cả khoản thu nhập của họ, thì thì giá trị cổ phiếu của họ chỉ còn ở mức 100 USD. Trong khi tại phiên giao dịch gần nhất, mỗi cổ phiếu của Google được bán ra với giá… 607.98 USD.
Google, nổi tiếng với khẩu hiệu “Don’t be evil” (Đừng làm điều xấu), đã giảm mức thuế đánh vào thu nhập tại hải ngoại thấp hơn so với bất kỳ đối thủ nào trong ngành công nghệ như Apple; IBM; Oracle.
“Khác với khẩu hiệu họ vẫn phô trương, Google đã và đang làm rất nhiều điều xấu ngay dưới mũi chúng ta. Và đoán xem ai sẽ phải trả cho đế chế được xây dựng bằng hàng tỷ đô-la tiền trốn thuế của họ? Chính là mỗi người dân Hoa Kỳ” – Abraham J.Briloff, giáo sư danh dự ngành kiểm toán của đại học Barunch, New York, cho biết.
Tiền bản quyền sở hữu trí tuệ
Quá trình chuyển dịch tài sản thường diễn ra khi những công ty kiểu Google bán hoặc cấp giấy phép quyền sở hữu tài sản trí tuệ tại phạm vi ngoài Hoa Kỳ cho những công ty con của chính họ nhưng là đặt tại những quốc gia có mức áp thuế thấp. Có nghĩa là lợi nhuận thu được dựa trên công nghệ có tên trong giấy phép ở hải ngoại sẽ được tính cho cơ sở nước ngoài, chứ không quay về “cố quốc” (chính là nước Mỹ). Về điểm này, luật pháp Hoa Kỳ quy định rằng, các công ty con phải trả khoản tiền bản quyền cho giấy phép. Và vì khoản tiền này cấu thành trực tiếp thu nhập chịu thuế, nên công ty mẹ thường cố giảm càng thấp càng tốt.
Sau ba năm thương thảo, vào năm 2006 Google nhận được cái gật đầu từ Sở thuế Hoa Kỳ cho việc dàn xếp quá trình chuyển giá. Đi kèm đó là một hiệp định bí mật được gọi là thỏa thuận giá cấp tiến. Google không cho biết nhiều về mức giá họ sử dụng để đạt được thỏa thuận này, vốn cho phép sử dụng công nghệ tìm kiếm, quảng cáo và nhiều tài sản vô hình khác của chính công ty tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi cho một đơn vị mang cái tên “Google Ireland Holdings”
Văn phòng tại Dublin
Theo đó, Google Ireland Holdings lại là chủ sở hữu của Google Ireland Limited, vốn tuyển dụng gần 2000 nhân viên làm việc tại thủ đô Dublin. Công ty con này bán quảng cáo ra khắp thế giới và đóng góp đến 88% trong tổng số thu nhập 12.5 tỷ USD mà Google kiếm được ngoài nước Mỹ trong năm 2009.
Phóng to |
Chuyển toàn bộ thu nhập đến Ireland giúp Google tránh được mức thuế thu nhập ở Mỹ, nơi mà phần lớn công nghệ của họ được phát minh. Thỏa thuận cũng giúp giảm sự lệ thuộc của công ty vào những quốc gia châu Âu có mức áp thuế cao, nơi có mặt của phần lớn khách hàng.
Lợi nhuận không nằm lại ở công ty con Dublin, vì nơi này đã khai báo mức thu nhập trước thuế kém hơn 1 phần trăm so với năm 2008. Đó là vì nơi này đã trả đến 5.4 tỷ USD tiền bản quyền cho Google Ireland Holdings, vốn có trụ sở quản lý thực tế nằm ở tận… Bermuda.
(mời bạn theo dõi tiếp ở trang 2)
Từ những ông chủ thuộc hãng luật…
Doanh nghiệp đóng tại Bermuda này được sở hữu bởi hai công ty con của Google, và thành phần ban giám đốc có đến hai luật sư và một giám đốc của hãng luật Conyers Dill & Pearman.
Gọi là “Hai người Ai Len”, vì kế hoạch này cần phải dựa vào hai công ty từ Ai-len. Một công ty trả tiền bản quyền để sử dụng tài sản trí tuệ và gia tăng phí tổn nhằm tránh những khoản thu nhập có thể dẫn đến thuế. Công ty còn lại thu gom tiền bản quyền vào một nơi có mức thuế thấp như Bermuda, nhằm tránh bị chính quyền Ai-len đánh thuế.
Phóng to |
Ảnh minh họa: internet |
… đến bánh sandwich Hà Lan
Nhằm hoàn toán tránh né thuế thu nhập của Ai Len, tiền từ cơ sở Dublin không đi trực tiếp ngay đến Bermuda, mà dừng chân một chút tại Hà Lan, bởi vì luật pháp Ai Len miễn thuế đối với những công ty thuộc khối EU. Trước tiên số tiền sẽ vào tay một đơn vị của Hà Lan, tên là Google Netherlands Holding B.V, công ty này lại hoàn đến 99,8% số tiền nhận được về lại pháp nhân ở Bermuda, chính vì thế mà nơi này hoàn toàn không có nhân viên nào.
Toàn bộ quá trình giữa hai đơn vị phải thông qua Hà Lan, từ đó làm nên cái tên “Bánh sandwich Hà Lan”
Từ những năm 60, Ai Len đã theo đuổi chính sách thuế hấp dẫn để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài. Mặt trái của chính sách này là nó tạo lỗ hổng để các công ty chuyển toàn bộ lợi nhuận ra khỏi lãnh thổ nước này mà hầu như không chịu thuế - Jim Stewart, giảng viên thương mại tại đại học Trinity, Dublin, cho biết.
Rút tiền
Một khi những khoản lợi nhuận nằm ngoài Hoa Kỳ của Google đến được Bermuda, chúng sẽ rất khó bị sờ gáy. Công ty con tại đó đã thay đổi tư cách pháp nhân của mình để trở thành một doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn vào năm 2006. Và theo luật Ai Len, một công ty trách nhiệm vô hạn sẽ không phải công khai kết quả kinh doanh hay bảng cân đối kế toán.
Trì hoãn vô hạn định
Nói ngắn gọn, những mánh khỏe kiểu này chỉ giúp cho những công ty đa quốc gia trì hoãn việc nộp thuế cho chính phủ Mỹ, chứ không thể tránh vĩnh viễn. Quá trình trì hoãn kết thúc khi công ty mang số lợi nhuận trở về lãnh thổ Mỹ, trên thực tế, họ rất hiếm khi làm điều này nên sự trì hoãn trông có vẻ như vô thời hạn.
Trong khi đó, giới hoạch định Hoa Kỳ đang tỏ ra không nhất quán trong việc “chỉ mặt đặt tên” vấn nạn chuyển giá. Năm 2009, Bộ tài chính Hoa Kỳ đề xuất một vài mức áp thuế nhất định cho những giao dịch đặc biệt giữa những chi nhánh hải ngoại của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, những quan chức từng hy vọng dự luật sẽ mang lại 86,5 tỷ USD trong một thập kỷ tới, đã phải thất vọng khi những tập đoàn lớn, trong đó có Starbucks và Johnson & Johnson đã vận động hàng lang tại Quốc hội và Sở tài chính để dự luật này không bao giờ được thông qua.
Quan ngại từ giới cầm quyền
Phóng to |
Ảnh minh họa: Internet |
Trong khi chính quyền vẫn tỏ ra “quan ngại” về nguy cơ lạm dụng của mánh khóe này, thì các quan chức chính phủ đã quyết định “trì hoãn ý định cải cách các điều luật có liên quan cho đến khi chúng được nghiên cứu rộng rãi hơn”. Nhà Trắng vẫn đề nghị đánh thuế vượt mức đối với những cơ sở tại nước ngoài nhằm tránh tình trạng “chuyển thu nhập”.
Các điều luật về chuyển giá nên được thay thế bằng một hệ thống phân phối lợi nhuận giữa các quốc gia, theo cách mà phần lớn những bang của Mỹ làm với thuế thu nhập doanh nghiệp – dựa trên những khía cạnh chẳng hạn như số lượng bán ra hoặc số nhân viên của từng khu vực, Reuven S.Avi-Yonah, giám đốc chương trình thuế quốc tế tại trường luật đại học Michigan, cho biết.
“Toàn bộ hệ thống luật về thuế đã mất tác dụng, vì thế nó cần phải bị bỏ đi. Các công ty đang vi phạm luật trắng trợn và chẳng ai làm gì được họ.” – Avi-Yonah nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận