Hạng mục giếng ngọc tại đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang tạm dừng tu bổ - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ngày 23-3, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa đã có công văn gửi Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về việc tu bổ giếng ngọc thuộc dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu.
Nội dung công văn nêu rõ lý lịch di tích đền thờ Lê Văn Hưu được ghi là có hồ, có giếng. Căn cứ vào hồ sơ khoa học di tích, đền thờ Lê Văn Hưu được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) công nhận di tích lịch sử quốc gia tại quyết định số 208/VH-QĐ, ngày 13-3-1990, có hạng mục giếng và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng ở đền thờ Lê Văn Hưu là giếng cổ nghìn năm.
Sau khi có một số ý kiến chưa đồng thuận về việc tu bổ hạng mục giếng ngọc, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu kiểm tra tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu.
Do còn có ý kiến trái chiều, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã đề nghị chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa tạm dừng thi công hạng mục giếng ngọc.
Để tạo sự đồng thuận trong việc tiếp tục hoàn thiện dự án, kịp thời phục vụ lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu vào ngày 23-4, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa đề nghị Cục Di sản văn hóa sớm kiểm tra thực tế, có ý kiến chỉ đạo để địa phương, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.
Lòng giếng ngọc tại đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang tu bổ nằm cạnh thành giếng được kè lát năm 2003 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, sau khi thi công tu bổ hạng mục giếng ngọc, một số ý kiến của nhà nghiên cứu cho rằng chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa điều chỉnh miệng giếng này có đường kính 10m xuống 6,04m là không đúng với nguyên trạng của giếng.
Tuy nhiên, ông Trương Trọng Tính - 76 tuổi, nguyên chủ tịch UBND xã Thiệu Trung giai đoạn từ năm 1989 đến 1999, trú tại xã Thiệu Trung - khẳng định: "Từ những năm 70 của thế kỷ 20, người dân địa phương không sử dụng nguồn nước từ giếng này để sinh hoạt vì giếng đất bị hoang hóa, nước đục. Năm 2003, người dân địa phương đóng góp gạch, đá, vôi, xi măng để kè từ thành giếng xuống lòng giếng 1,8m, còn phía sâu hơn vẫn là giếng đất. Vào thời điểm đó, đường kính miệng giếng là 10m, còn trước đó nhỏ hơn vì là giếng đất, bị sạt lở vào mùa mưa".
"Theo quan điểm của tôi, vị trí giếng đang tu bổ đúng vị trí giếng cũ. Khi tu bổ, lòng giếng có đường kính 6,04m là phù hợp với giếng đất từ xa xưa, lại có sân giếng, thành giếng là đẹp, được nhân dân địa phương tán thành", ông Tính cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận