Tạm dừng đăng ký hộ khẩu vào Đà Nẵng

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Ngày 23-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 đã bế mạc. Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về việc tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào TP Đà Nẵng.

YnJ6Ahel.jpgPhóng to
Khu nhà trọ của công nhân ở P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng Ảnh: hữu khá

Theo đó, người từ các địa phương khác đến đang ở nhà thuê, nhà mượn và ở nhờ nhà người khác không được đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng.

Bà Lương Nguyệt Thu, trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cho biết thực trạng người nhập cư vào Đà Nẵng đang là vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về cư trú của TP. Hiện nay số người nhập cư ở địa phương khác đến Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là 11.356 hộ (114.290 khẩu), chiếm tỉ lệ 11,5% dân số toàn TP.

Con số 278 bị can bị khởi tố trong năm 2011 (chiếm tỉ lệ 24,9%) là người từ địa phương khác đến buộc TP phải quan tâm đến công tác đăng ký, quản lý cư trú nói chung và quản lý đối tượng có tiền án tiền sự từ địa phương khác đến tạm trú, lưu trú ở TP nói riêng.

Theo bà Thu, việc nhập cư nhanh trong thời gian qua đã gây nên tình trạng quá tải ở khu vực trung tâm đô thị nên đề nghị TP chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, nhà ở nhờ.

Theo ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, hạn chế nhập cư vào Đà Nẵng là việc cần phải làm ngay để tránh tình trạng đến khi TP quá tải như các đô thị khác thì rất khó giải quyết.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng Đà Nẵng tạm dừng, không cho người từ địa phương khác đăng ký hộ khẩu thường trú có vi phạm Luật cư trú, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Vấn đề hạn chế nhập cư trước đây đã được nói nhiều, tuy nhiên đến nay Luật cư trú vẫn chưa được điều chỉnh nên công tác quản lý còn gặp vướng mắc. Nếu sợ vướng luật thì Đà Nẵng sẽ tạm ngưng đăng ký nhập cư mới thôi. Lúc nào Luật cư trú sửa đổi, điều chỉnh thì Đà Nẵng mới dừng hẳn”.

Theo ông Thanh, nhập cư vào TP cũng phải chọn lọc chứ cho nhập thoải mái vào như hiện nay thì quá lộn xộn. TP cần những lao động có tay nghề, có trình độ chứ không để cảnh người không nghề nghiệp kéo về TP gây nên vô vàn vấn đề xã hội phức tạp như hiện nay.

Theo nhiều đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, TP cần siết chặt việc quản lý nhập cư. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến nói người nhập cư nói riêng và một bộ phận sinh viên, công nhân đang sống trong điều kiện đáng lo ngại.

“Nếu các đại biểu xuống cơ sở ở các khu nhà trọ sinh viên và công nhân chắc chắn các vị sẽ không hình dung được con người sống trong môi trường khủng khiếp như vậy. Chúng ta là người mới đến thì không thể đứng ở khu nhà trọ đó quá 15 phút vì không chịu nổi” - bà Yến nói. Theo các đại biểu, việc quản lý nhà cho sinh viên, công nhân thuê ở TP đang bị thả nổi.

Ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết nhập cư vào TP Đà Nẵng trong thời gian qua tăng đột biến, chỉ sau Bình Dương và TP.HCM, đặc biệt là tình trạng nhập cư tăng nhanh vào các quận trung tâm.

“Bên cạnh những đóng góp không thể phủ nhận vào việc phát triển kinh tế - xã hội TP trong thời gian qua thì vấn đề nhập cư nhanh đang, đã đặt ra nhiều áp lực và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự. Vấn đề nhập cư nhanh cũng ảnh hưởng đến chất lượng dân số TP” - ông Chiến nói.

Điều 3 Luật cư trú năm 2007 quy định rõ về quyền tự do cư trú của công dân. Theo đó, công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

Cụ thể, theo khoản 1 điều 20 Luật cư trú, công dân được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương nếu có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Hướng dẫn thêm về việc đăng ký thường trú của công dân đang tạm trú tại TP trực thuộc trung ương, nghị định 56/2010 của Chính phủ (có hiệu lực ngày 10-7-2010) lưu ý: công dân đó phải “có chỗ ở hợp pháp tại TP trực thuộc trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên”.

Như vậy, nếu những người đang tạm trú ở Đà Nẵng có nhà thuê, mượn, ở nhờ và đã tạm trú liên tục tại nhà đó từ một năm trở lên có nhu cầu đăng ký thường trú ở Đà Nẵng thì chính quyền địa phương phải giải quyết. Nếu từ chối thì địa phương này đã làm sai luật.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trực tiếp phụ trách “đường dây nóng”

Kết luận kỳ họp, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng năm 2012 Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công 12 công trình trọng điểm gồm các cầu: Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tri Phương nối dài, trung tâm hành chính Đà Nẵng, khu thể thao Hòa Xuân, bệnh viện ung thư...

Kể từ năm 2012 sẽ không cấp phép mới đối với hộ kinh doanh tiệm cầm đồ, đồng thời rà soát tiến tới giảm dần số lượng các tiệm cầm đồ, xử lý rút giấy phép vĩnh viễn đối với cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm. Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: trong năm 2012 văn phòng HĐND TP Đà Nẵng sẽ lập lại kênh điện thoại đường dây nóng (0511.3888.888) và số điện thoại này sẽ do đích thân chủ tịch HĐND TP trực tiếp phụ trách nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm những thắc mắc của người dân, nhất là các vấn đề liên quan đến dân sinh. “Mọi việc khi người dân gọi đến tôi sẽ tìm hiểu giải quyết xử lý ngay” - ông Thanh nói.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp