Chị Liên - vợ anh Đức với công việc bán bánh tiêu hàng ngày - Ảnh: Sơn Lâm |
Đã hơn 2 năm qua kể từ ngày anh (ngụ xã Trường An, TP Vĩnh Long, tĩnh Vĩnh Long) chết bất thường tại Nhà tạm giữ công an TP Vĩnh Long, gia đình anh vẫn luôn đau đáu mong cơ quan chức năng làm rõ cái chết của anh nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng.
Chết khi vào trại giam một ngày bởi nhiều thương tích
Chị Trịnh Kim Liên (vợ anh Đức) vẫn không thể quên cái ngày 28-5-2013, khi hai vợ chồng (làm nghề bán bánh tiêu) bỏ xong bánh cho các mối ở chợ Trường An, về đến nhà thì có đơn triệu tập từ Công an TP.Vĩnh Long.
“Sáng đó có ông chú bệnh nặng, anh Đức còn phải chở giúp ông lên bệnh viện. Đến gần trưa, hai vợ chồng mới cùng nhau lên trình công an”, chị Liên kể.
Tại cơ quan công an, sau khi đọc quyết định khởi tố bị can đối với anh Đức để điều tra về hành vi cướp giật, Công an TP.Vĩnh Long đã đưa anh vào trại tạm giữ.
"Vậy mà chỉ tối hôm sau, tức 29-5, khoảng gần tám giờ thì có một cán bộ đến nhà nói là chồng em chết rồi, đang để ở trên bệnh viện Vĩnh Long”, chị Liên rưng rưng nhớ lại. Vụ việc anh Đức bất ngờ chết ở trại giam đã gây xôn xao cả một vùng chợ Trường An lúc bấy giờ.
Anh Huỳnh Kim Tú, anh chị Liên và cũng là hàng xóm kề bên kể lại: “Tui là người lên bệnh viện theo dõi và xem luôn cảnh mổ tử thi. Đức tím tái khắp người, xương sườn thì bị gãy mấy chỗ”.
Theo bà Tống Thị Lý - mẹ ruột anh Đức, bệnh viện cho gia đình biết trước khi anh Đức chết, anh được hai công an đưa đến Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long để cấp cứu. Đưa đến lúc 5g55 và đến 18g thì tử vong.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ngực anh Đức bị gãy kín giữa xương ức và ba xương sườn khác, tụ máu tim, phổi sung huyết, nứt xương sọ, tụ máu dưới da đầu, tụ máu dưới màng cứng. Bệnh viện kết luận anh Đức chết không phải do bệnh lý.
Cái chết bất thường của anh đã từng được Tuổi Trẻ phản ánh. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-6-2013, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết anh Đức bị té trong trại tạm giam dẫn đến chấn thương sọ não, sau đó được đưa đi cấp cứu và chết tại bệnh viện(!?)
Sau khi anh Đức chết khoảng nửa tháng, Công an TP.Vĩnh Long có mời chị Liên lên để nhận tiền “giải quyết chế độ” cho chồng.
Chị Liên kể tiếp: “Lúc đầu em không nhận, bởi họ không nói vì sao chồng mình chết thì đâu có nhận. Sau đó khoảng 4 tháng, công an nói đó chỉ là tiền để lo mai táng cho anh Đức chứ không phải là tiền đền bù cho cái chết của anh thì em mới nhận. Lúc đó em cũng khó khăn quá, nhận được hơn 11 triệu đồng”.
Được biết, tháng 11-2013, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã quyết định khởi tố vụ án "dùng nhục hình" tại công an TP Vĩnh Long để điều tra cái chết của anh Đức. Thế nhưng, cũng suốt từ thời điểm đó, gia đình anh Đức không hề nhận được thông tin gì về việc điều tra này.
Chị Liên đã gửi đơn đi khắp nơi, ai chỉ gửi ở đâu thì chị gửi ở đó, từ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tỉnh ủy Vĩnh Long… đến những cấp cao hơn.
Rồi chị cũng chỉ nhận được các phiếu chuyển thông báo rằng đơn của chị đã chuyển đến Viện KSND Tối cao để xem xét, hoặc trả lời cơ quan điều tra VKS đang thụ lý vụ án.
Mãi đến đầu tháng 12-2015, chị Liên mới nhận được trả lời của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.
Trong công văn ký ngày 10-11-2015 trả lời chị có nội dung: “Cơ quan điều tra đã thụ lý xác minh điều tra và đã khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên quá trình điều tra để làm sáng tỏ thêm các tình tiết vụ việc, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định một số vấn đề liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Văn Đức.
Trong khi chờ kết quả giám định, theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án”.
Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao |
Quyết định tạm đình chỉ vụ án rất khó hiểu
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-12, ông Phạm Văn Ngân - phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết vì vụ án dùng nhục hình do Cơ quan điều tra Viện KSND đã khởi tố, nên ngoài việc có hỗ trợ chế độ theo quy định đối với gia đình ông Đức, đến nay, Công an tỉnh Vĩnh Long vẫn phải đang chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra cấp cao hơn để có cơ sở tiếp tục xử lý.
Nói về quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án trên, luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc cho biết: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, có nhiều lý do để cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, trong đó có việc chờ kết quả giám định.
Luật cũng không quy định thời hạn tạm đình chỉ vụ án kéo dài tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, công tác giám định pháp y là một trong những chuyện cần phải làm ngay trong giai đoạn đầu của giai đoạn điều tra, rất khó hiểu khi việc giám định pháp y lại để lâu như vậy mà đến nay vẫn chưa có kết quả.
Bởi trong những vụ án hình sự có chết người, việc khám nghiệm tử thi càng để lâu, tử thi sẽ phân hủy theo thời gian, do đó sẽ càng khó làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cái chết để phá án.
Trường hợp này, lẽ ra cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao phải đốc thúc nhanh kết quả từ phía Phân viện pháp y quốc gia tại TP.HCM để tiếp tục làm sáng tỏ vụ án.
"Theo tôi, trường hợp này một là nghiệp vụ điều tra quá non, nên việc giám định pháp y không được tiến hành ngay từ đầu, hoặc có chăng là sự cố tình kéo dài thời gian ở đây?", luật sư Tám nói.
“Anh Đức hiền khô, chỉ mỗi tội ưa nhậu. Anh Đức có chở một đứa em đi khi nó nhờ, chạy ra mới biết tụi nó đi cướp. Nhưng tuyệt đối anh không có tham gia, không có lấy đồng nào đâu. Bản án xét xử nhóm cướp sau này cũng nhận định anh Đức không tham gia mấy vụ cướp đó mà", chị Liên kể.
Những người tham gia vụ cướp mà anh Đức là nghi can, giờ đã có người ra tù, về lại với gia đình. Riêng anh Đức thì đã đi mãi ở tuổi 31 sau khi bị công an bắt giữ.
Hai vợ chồng anh Đức, chị Liên chỉ có một con trai. Ngày anh chết, đứa con đang học lớp 6. Sau đám tang anh, chị Liên đã phải gửi con về nhờ bà nội của nó chăm sóc giúp, còn mình lại tiếp tục công việc chiên bánh tiêu đem bán.
“Em bán bánh tiêu từ nhỏ, nói thiệt chớ đến giờ nhiều khi giở giấy tờ ra, nhìn con chữ cũng còn thấy hoa cả mắt. Nhưng phải ráng mà tìm hiểu mà đọc, để biết chồng mình vì sao mà chết”, chị Liên thở dài.
Không chỉ chị Liên, bà Tống Thị Lý, mẹ ruột của anh Đức, cũng đã gửi không biết bao đơn thư khiếu nại về cái chết của con trai.
Nhắc đến con, bà Lý lại khóc: “Tui được mỗi nó là con trai, đứt ruột lắm. Cha thằng Đức sau cái chết của nó cũng trầm cảm mà chết theo. Giờ họ nói tạm đình chỉ vụ án, vậy là con tôi chết không rõ nguyên nhân luôn hở trời?”.
Thấy bà nội khóc, con trai anh Đức ngồi kế bên, cũng đưa tay quệt nước mắt...
Bà Lý rớt nước mắt khi nhắc đến cái chết tức tưởi của con trai hơn 2 năm qua chưa được làm rõ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận