12/08/2014 10:01 GMT+7

Tạm đình chỉ nhân viên móc nối với “cò”

MINH MẪN - THÙY DƯƠNG
MINH MẪN - THÙY DƯƠNG

TT - Trao đổi với TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - sau bài viết “Giả xe cứu thương lừa bệnh nhân” (Tuổi Trẻ ngày 11-8).

Nhân viên khoa chấn thương sọ não (Bệnh viện Chợ Rẫy) Nguyễn Thị Mỹ Lệ móc nối với Phước “heo” để ép bệnh nhân đi xe cứu thương giả. Phước “heo” vào tận khoa chấn thương sọ não nói chuyện với bà Lệ - Ảnh: Minh Mẫn cắt từ clip

Bà Thảo cho biết sau khi đọc bài báo nói trên, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo phòng tổ chức tạm đình chỉ nhân viên Nguyễn Thị Mỹ Lệ (khoa chấn thương sọ não) và yêu cầu bà Lệ tường trình vụ việc.

* Như giám đốc bệnh viện đã nói (Tuổi Trẻ 11-8) thì bệnh viện đã biết các đối tượng bên ngoài móc nối với nhân viên để ép người dân đi xe cứu thương giả từ nhiều năm nay. Như vậy ngoài việc xử lý một số nhân viên vi phạm, có vẻ như bệnh viện bất lực trước tình trạng này?

- Ban giám đốc bệnh viện rất quyết tâm bài trừ tình trạng này bằng cách thường xuyên có các văn bản nhắc nhở cán bộ công nhân viên, nâng cấp hệ thống quản lý hành chính, buộc từng nhân viên ký cam kết không vi phạm đạo đức nghề nghiệp... và thường xuyên phối hợp với công an địa phương để giữ an ninh trong khuôn viên bệnh viện. Nhưng cũng phải thừa nhận rất khó kiểm soát được “thế giới ngầm”, “thế giới chìm” này.

Đây là vấn đề rất nhạy cảm, nguy hiểm nên việc giải quyết cũng cần hết sức cẩn thận, bình tĩnh. Trong các cuộc họp ban giám đốc, bệnh viện luôn nhắc nhở cán bộ công nhân viên phải làm đúng quy định của bệnh viện. Ngoài ra, trang web của bệnh viện luôn đăng tải các thông tin công khai về giá cả.

Nói như vậy để cho thấy chúng tôi đã rất cố gắng trong việc rèn luyện y đức cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên trong cơ chế thị trường, một số người vì đồng tiền lại cố tình vi phạm. Điều này làm chúng tôi rất buồn...

* Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi xe bên ngoài hoạt động rất náo nhiệt thì xe cấp cứu của bệnh viện lại rất ít hoạt động. Bà có thể lý giải chuyện này?

- Chúng tôi cũng vừa phê bình đội xe cấp cứu. Chúng tôi nói đơn vị vận chuyển phải xem xét đến nhu cầu của bệnh nhân. Phòng kế hoạch tổng hợp báo mỗi ngày ra viện 400-500 ca nhưng mấy anh chỉ nhận 7-8 ca chở về quê là sao? Sao không thắc mắc chuyện này? Từ đó mới phân tầng: ai đi xe nhà, taxi, xe cứu thương. Từ đó mới cải tiến công việc, mức giá có hợp lý hay không.

Trường hợp cần miễn phí, giảm giá phải báo ngay với ban giám đốc. Chứ quan điểm làm việc nhà nước, chở cũng vậy, không chở cũng hưởng lương chừng đó là không được rồi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra giải pháp cho chuyện này.

* Hiện nay đội xe cấp cứu của bệnh viện có phục vụ đủ nhu cầu của bệnh nhân không, thưa bà?

- Mỗi ngày, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có 400-500 bệnh nhân được xuất viện. Không phải bệnh nhân nào ra viện cũng cần xe cấp cứu của bệnh viện, những bệnh nhân sức khỏe ổn định có thể đi về bằng taxi, xe nhà...

Tuy nhiên, với lượng bệnh nhân ra viện lớn như vậy thì 20 xe cấp cứu của bệnh viện không đủ đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

* Tiếp xúc với chúng tôi, những đối tượng móc nối với nhân viên bệnh viện đưa bệnh nhân đi xe ngoài thừa nhận họ đã hoạt động ở bệnh viện rất lâu, bảo vệ, nhân viên trong khoa đều biết mặt, vậy tại sao lãnh đạo bệnh viện vẫn không phát hiện được?

- Cái này về nghiệp vụ rồi, bên công an người ta làm vì cái này khó. Chỉ khi nào những người này không thực hiện đúng nội quy của bệnh viện thì bệnh viện mới có quyền mời họ ra khỏi viện, hoặc khi họ gây rối thì mới báo công an đến xử lý chứ bệnh viện cũng không xử lý được. Vì vậy, hiện nay bệnh viện cần sự hỗ trợ từ phía địa phương rất nhiều.

* Bệnh viện có nên có số điện thoại công khai để người dân liên hệ xe khi có nhu cầu?

- Chúng tôi sẽ xem xét đến vấn đề này. Thật ra chúng tôi đã thành lập một đơn vị vận chuyển. Nếu người nào có nhu cầu thuê điều dưỡng, thuê bác sĩ thì bệnh viện sẽ hướng dẫn làm hợp đồng. Những bác sĩ ra ca trực sẽ làm thêm những cái đó, sẽ cùng bệnh nhân đi về nhà...

* Chúng tôi thấy nhân viên y tế của bệnh viện vi phạm chỉ bị kỷ luật và chuyển qua bộ phận khác, như vậy có đủ sức răn đe?

- Thật ra hình thức kỷ luật chuyển bộ phận không phải là nhẹ. Việc chuyển nhân viên y tế qua những bộ phận không thể tiếp xúc với bệnh nhân, tức là họ không còn điều kiện để tiếp xúc với “cò” nữa. Đối với những người làm chuyên môn, đây là một hình thức kỷ luật rất nặng.

* Những đối tượng móc nối với nhân viên bệnh viện, cụ thể trường hợp của ông Phước mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh, ban giám đốc bệnh viện có đề nghị công an phối hợp xử lý?

- Trước khi báo Tuổi Trẻ đăng bài báo nói trên, chúng tôi đã có công văn gửi công an trên địa bàn nhờ hỗ trợ về an ninh. Còn bây giờ, bảo vệ bệnh viện có quyền không cho những đối tượng bị điểm mặt vào bệnh viện. Không thể dung túng những đối tượng vào bệnh viện làm những chuyện bậy bạ.

Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm

Ông Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết cách đây khoảng hai năm trên địa bàn TP xuất hiện khá nhiều xe cứu thương giả. Trong đó có nhiều bệnh viện thuộc Sở Y tế TP quản lý đã để những chiếc xe này vào khuôn viên bệnh viện vận chuyển bệnh nhân. Chính vì thế, UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở GTVT và Công an TP phối hợp kiểm tra hoạt động của những chiếc xe trên.

“Sáng nay (11-8) giám đốc Sở Y tế TP đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ y ra văn bản nhắc nhở các đơn vị trong ngành lưu ý. Trong đó nhấn mạnh nếu trong khuôn viên bệnh viện nào để xảy ra sự việc như Bệnh viện Chợ Rẫy thì giám đốc bệnh viện đó phải chịu trách nhiệm” - ông Trạng nói.

Theo ông Trạng, hiện nay xe cứu thương ở mỗi đơn vị y tế được cấp theo định mức (tỉ lệ giường bệnh/xe cấp cứu). Xe cứu thương phải đảm bảo các điều kiện như giấy tờ cấp cho phương tiện chuyên ngành y tế, không có chuyện người dân tự mua xe về gắn còi hụ lên là chạy nghênh ngang ngoài đường.

“Trong cấp cứu, xe cứu thương không đơn thuần là xe vận chuyển người bệnh tới cơ sở y tế, mà còn liên quan đến chuyên môn. Xe cứu thương phải có một số loại thuốc, trang thiết bị, điều dưỡng để xử lý các vấn đề có thể xảy ra trên đường đi. Chỉ có xe trong ngành y tế mới có đầy đủ những điều này. Người bệnh không may gặp những chiếc xe cấp cứu giả, khi có biến cố bất thường sẽ rất nguy hiểm” - ông Trạng nói.

MINH MẪN

THÙY DƯƠNG - MINH MẪN thực hiện

MINH MẪN - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp