Đài CNN dẫn lời ông Laurel Cố, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, cho biết suy thoái kinh tế đã khiến lượng tìm kiếm “hàng nhái” trên mạng xã hội tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến 2024.
Chị Trịnh Khiết Văn (23 tuổi) đang làm việc tại một công ty quảng cáo ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Chị chia sẻ từng kiếm được 30.000 nhân dân tệ (hơn 4.200 USD) một tháng hồi hai năm trước.
Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế, công ty của chị giảm dần tiền lương nhân viên từ năm ngoái. Đỉnh điểm, đợt cắt giảm lương hồi tháng 2 vừa qua khiến thu nhập của chị giảm chỉ còn một nửa so với mức lương lúc mới đi làm.
“Tôi vô cùng sốc”, chị Trịnh nói. Chị cho biết thêm đã ngay lập tức cắt giảm chi tiêu để phù hợp với mức lương mới của mình. Điều này cũng có nghĩa chị phải nói lời chia tay các thương hiệu thời trang thuộc phân khúc cao cấp như Louis Vuitton, Chanel hay Prada, những thương hiệu mà chị thường mua sắm trước đó.
Hiện giờ chị Trịnh và các bạn chỉ còn mua sắm những sản phẩm gọi là “pingti” (hay phiên bản dupe trong tiếng Anh), tức những sản phẩm được xem là “bản sao chất lượng cao” của đồ hiệu.
Trong đó, một số món “hàng nhái” gần như không thể phân biệt được với hàng thật. Một số khác được các nhà sản xuất “lấy cảm hứng” từ thiết kế gốc của các thương hiệu lớn và tạo ra bản dupe bằng cách thêm thắt nhiều màu sắc hoặc họa tiết hơn.
Theo các nhà phân tích, mức độ phổ biến của các sản phẩm này đang tăng vọt khi lòng tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đang gần mức thấp kỷ lục.
Ông Cố cho biết nếu như 10 năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc là tệp khách hàng chi mạnh tay vào các xa xỉ phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, thì hiện nay họ chuyển sang dùng các sản phẩm dupe với giá cả phải chăng hơn.
Các sản phẩm “hàng nhái” có giá rẻ hơn đáng kể so với sản phẩm gốc. Điển hình, một chiếc quần yoga Align của thương hiệu Lululemon (LULU) có giá 750 nhân dân tệ (khoảng 106 USD) thì phiên bản dupe của chiếc quần này chỉ có giá khoảng 5 USD. Dù giá rẻ hơn rất nhiều nhưng theo những người bán trên các sàn thương mại điện tử nội địa Trung Quốc, các bản dupe này có chất lượng “một chín một mười” với bản gốc.
Không chỉ Trung Quốc, doanh số bán hàng của LVMH, công ty mẹ của các thương hiệu thời trang xa xỉ, cũng ghi nhận mức giảm đáng kể trong sáu tháng đầu năm 2024 tại khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận