Hai cha con trong bài viết trên trong sân Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam trưa 16-11-2020 - Ảnh: T.GIANG
Trưa 22 tháng chạp vừa rồi, tôi có duyên được cùng các cô chú, anh chị em đến phát mì chay và sữa cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam). Và tình cờ, trong một khoảnh khắc bất chợt, thấy và nghe câu chuyện rất cảm động của hai cha con, bắt đầu từ bệnh viện về quê ăn tết.
Cậu bé có lẽ cũng đã học cấp 2 rồi, nhưng ốm và gầy lắm. Người cha cũng khắc khổ không kém. Hai cha con từ trong bệnh viện đi ra, tay xách nách mang những hành lý cơ bản như mền mùng quần áo. Chắc là đứa con nằm đây điều trị dài ngày, giờ thì gần tết rồi, người cha xin xuất viện để đưa con về quê ăn tết.
Hai cha con không có phiếu nhận, nhưng vẫn tiến lại chỗ phát mì chay và sữa cho bệnh nhân xin 2 hộp mì. Lúc đó cũng đã hơn 11h trưa, đợi đón xe về được tới nhà cũng đã chiều. Mà với những người bệnh quê nghèo lên đây, chắc chắn trong túi trở về ngoài tiền xe cộ, không còn đủ để mua 2 hộp cơm ở quán cơm ven đường.
Thời gian không nhiều nên tôi chỉ có thể hỏi hai cha con vài câu. Người cha bảo vợ mất sớm, một mình anh cặm cụi với ruộng vườn nuôi con trai duy nhất ăn học. Gia đình vì thế mà khó khăn. Cháu ốm yếu từ nhỏ, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà.
Đợt gần đây lại đau, phải nhập viện dài ngày. Gác lại tất cả việc đồng áng, cha theo con vào viện ở cả tháng nay. Đến giờ, tình hình sức khỏe chưa ổn định, nhưng tết phải về nhà thôi.
Nhà chỉ có hai cha con, bề bộn bao việc dọn dẹp, sửa sang để đón tết về. Nên tôi cảm nhận được từng bước chân họ trong nắng vội vã, gấp gáp, nhưng cũng không giấu được những niềm vui. Không đâu bằng mái nhà thân thương của mình, nhất là khi những lúc chào xuân đón tết, lúc mà mọi người đều sum họp bên nhau.
Người cha bảo giờ hai cha con ra đường, đón xe buýt chạy mất cũng gần 1 tiếng đồng hồ, rồi lại phải bắt xe ôm tầm gần nửa tiếng mới về đến nhà. Chắc chắn bữa trưa của họ với hộp mì chay và sữa sẽ trên xe buýt.
Đường về còn xa nhưng anh cười, bảo tôi: "Hai cha con tui rứa còn may hơn nhiều người khác. Trong phòng bệnh con tui, hay trong những khoa bệnh nặng ở bệnh viện ni, còn nhiều bệnh nhân phải ăn tết tại bệnh viện chứ có được về nhà mô. Với họ, tết ni là bệnh viện với 4 bức tường ngột ngạt…".
Rồi, anh dẫn con rảo bước đi về phía cổng bệnh viện. Những cánh hoa mai vàng nở trước sân bệnh viện như tiễn đưa họ.
Ra đến sát cổng, anh còn quay lại vẫy tay, nói với theo: "Tạm biệt bệnh viện, cha con tui về quê ăn tết".
Vậy đó, với nhiều người, tết là sắm sửa, là tìm những thú chơi đắt tiền, khoe những gì tốt nhất hay làm ăn được 1 năm của mình; thì đâu đó ngoài kia, nhiều người chỉ cần được về nhà trong 3 ngày tết, được bước vào mái nhà quen thuộc ấm êm của mình, với họ đã là một hạnh phúc rất lớn rồi.
Đó có thể là một người lao động xa quê, cũng có thể là một người bệnh nặng phải gắn cuộc sống mình với bệnh viện. Với họ, tết là nỗi trông mong, nhớ nhà đến mòn mỏi…
Cầu mong sao, đường về nhà ăn tết của hai cha con cậu bé kia được bình an. Và sức khỏe của cháu ổn định suốt trong tết cũng như sau tết, để niềm vui xuân của hai cha con được trọn vẹn trong ngôi nhà nơi quê xứ của mình…
Và, tôi cũng mong đường về quê ăn tết của tất cả mọi người năm nay cũng đều bình an, may mắn, để cái Tết Canh Tý thật sự là cái tết sum vầy, yêu thương, quay về trong hơi ấm.
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2019 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận