Các khách mời chia sẻ tại buổi Talkshow "Phác đồ hồi phục" vào ngày 18-12
Sáng 18-12, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức Talkshow trực tuyến "Phác đồ hồi phục" với chủ đề "Vaccine Kinh Tế: Giải bài toán nguồn lao động".
Chương trình trình có sự tham của các khách mời: Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jean - phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP.HCM, ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), bà Phan Thị Mai - trưởng phòng quản lý thu - Bảo hiểm xã hội TP.HCM và ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam.
Các ngành còn thiếu 25-30% lao động
Mở đầu chương trình, bà Phan Thị Mai cho hay từ tháng 5 đến tháng 9 có gần 450.000 người ngừng việc không hưởng lương, hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc. Tuy nhiên, từ 1-10, số người lao động quay trở lại làm việc tăng, riêng tháng 10 tăng 243.000 lao động, tháng 11 tăng khoảng 100.000 lao động, tháng 12 đã tăng được hơn 10.000 lao động.
Theo bà Mai, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tăng thêm khoảng 30.000-40.000 người, đến 31-12 sẽ có khoảng 2,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với tháng 12 năm ngoái là 120.000 người, giảm so với tháng 4-2021 khoảng 90.000 người.
Bà Phan Thị Mai - trưởng phòng quản lý thu - Bảo hiểm xã hội TP.HCM - chia sẻ tại chương trình
Trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Sơn về thực trạng lao động cũng như sự phục hồi của ngành hiện nay, ông Phạm Văn Việt cho biết ngành dệt may đã gặp nhiều khó khăn, trong quá trình chống dịch và giãn cách, công nhân chỉ sản xuất được 30%, còn 70% phải nghỉ chờ việc. Đến nay, ngành dệt may đã phục hồi ước tính khoảng 85%.
Theo ông Việt, ngành dệt may có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đợt giãn cách, 5 tỉnh phía Nam mất khoảng 30% lao động do về quê, đã tìm việc ở quê hoặc chưa vào được vì cận tết, lo ngại dịch bệnh…
Còn đối với ngành gỗ, ông Chánh Phương đã sử dụng từ "thần kỳ" để nói về sự tăng trưởng của của năm 2021, song từ tháng 6, cũng như nhiều ngành khác, ngành gỗ cũng phải dừng 50% công suất. Từ sau 1-10 đến nay, ông Phương cho hay đã hơn 95% quay trở lại sản xuất với lực lượng lao động khoảng 75%.
"Ngành gỗ vẫn có 2 vấn đề nan giải, đó là thiếu hụt lao động tương tự các ngành khác, song thiếu 25% lao động thì tôi đánh giá không nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn là giá logistics rất cao, đối với ngành gỗ khi vận chuyển thể tích lớn, do đó vấn đề vận chuyển hàng từ Việt Nam sang châu Âu, sang Mỹ là vấn đề nghiêm trọng hơn" - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - đánh giá về sự phục hồi của ngành
Ông Phương cho hay chi phí vận chuyển do các chủ hàng chịu, trong bối cảnh giá vận chuyển cao khiến nhiều đơn hàng phải tạm thời nằm lại nhà máy, không chuyển đi được, do đó việc nhận thêm đơn hàng mới ảnh hưởng khi thiếu không gian sản xuất, nhân công và giá nguyên vật liệu của thế giới đang ở mức cao… làm chậm lại sự phát triển của ngành.
Chăm lo an sinh cho người lao động
Giữa chương trình, ban tổ chức chiếu clip ghi lại lại những tâm sự chân thật của người lao động TP về lý do họ đến TP làm việc, mong muốn cuộc sống tốt hơn, thu nhập cao hơn, ít nhất là thời điểm tết cận kề này.
Còn chuyện một mái nhà, chuyện để an cư ở phố thị các công nhân đều "không dám mơ" với đồng lương hiện tại, do đó ai cũng mong muốn sẽ an cư khi trở về quê hương sau quãng thời gian gắn bó với nhà xưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Chánh Phương cho rằng cuộc khủng hoảng thiếu lao động không đáng lo bằng cuộc khủng hoảng thiếu việc.
Theo ông Phương, có những ngành "không may mắn" như du lịch, dịch vụ… có lao động dôi dư nhiều, ngược lại những ngành thế mạnh của VN như gỗ, dệt may, sản xuất điện tử rất cần lao động.
Từ tháng 11, đã có nhiều đợt tuyển dụng lao động mới, hiện thống kê cho thấy lương đầu vào ngành gỗ cũng tăng 10-15% cho lao động phổ thông, thậm chí lao động gián tiếp cũng thiếu nhiều.
Theo ông Phương, có những nhà máy FDI ở Bình Dương còn có chương trình trang trải phân nửa tiền nhà trọ cho người lao động, nhiều nhà máy liên kết nhà máy liên kết với phòng trọ để hình thành bản đồ nhà trọ hỗ trợ công nhân.
Ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - đánh giá về tình hình lao động tại doanh nghiệp
Chia sẻ về các chính sách cho người lao động, ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết để đáp ứng nhu cầu gia tăng tiêu thụ mì ăn liền, công ty đã nỗ lực tăng công suất sản xuất, tuy nhiên do ảnh hưởng COVID-19 nên lực lượng lao động về quê nhiều, dẫn đến công ty này cũng gặp tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sản xuất.
Tuy vậy, ông Shimada Shigeru cho hay công ty cố gắng sắp xếp lượng nhân sự hiện có để đảm bảo sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt dịp tết nhu cầu hàng hóa lại tăng cao hơn nữa nên việc thiếu hụt lao động sẽ làm giảm năng suất nhà máy.
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo được lực lượng nhân sự sản xuất, nếu như nỗ lực tuyển đủ lao động thì công ty mới sản xuất ổn định, giảm tăng ca và nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra" - ông Shimada Shigeru khẳng định.
Để ổn định nguồn lao động, giúp người lao động yêu tâm sản xuất và gia tăng năng suất, ông Shimada Shigeru - cho hay công ty luôn có chính sách đãi ngộ về lương, thưởng, bảo hiểm, hoàn thiện hệ thống đánh giá và quản trị nhân lực, tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho công nhân như tàu xe về quê ăn tết hoặc các hoạt động công đoàn nâng cao đời sống tinh thần…
Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jean - phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho hay ngành dệt may đã có nhiều phúc lợi để giữ chân công nhân
Tương tự, đại diện của ngành dệt may cho biết các doanh nghiệp đều có các chính sách phúc lợi, hỗ trợ người lao động tăng thêm thu nhập, tăng thêm khẩu phần ăn, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho công nhân. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân viên bằng ngân sách doanh nghiệp.
Theo ông Việt, thời gian qua các doanh nghiệp dệt may đã đưa xe về tận địa phương để rước công nhân trở lại nhà máy sản xuất.
Mang nhà xưởng về vùng nguyên liệu, gần nguồn lao động
Ông Chánh Phương cho biết việc thiếu hụt 20-25% nhân sự ngành gỗ cũng nằm trong dự tính của ngành, từ đầu tháng 10, các doanh nghiệp ngành gỗ xem giai đoạn từ thời điểm đó đến tết âm lịch là giai đoạn thích ứng, ngành sẽ phục hồi thực sự từ tháng 2-3 đến tháng 6 sang năm.
"Nếu có cơ hội tốt, chúng tôi nghĩ COVID-19 rồi sẽ qua đi, những biến chủng mới cũng không thể nào chiến thắng con người. Do đó, chúng ta sẽ có những tăng tốc có thể từ tháng 6-2022" - ông Phương nói.
Ông Chánh Phương cho rằng cần có sự hỗ trợ để giúp công nhân nâng chất cuộc sống tại các nhà trọ
Với 3 giai đoạn thích ứng, phục hồi và tăng tốc như vậy, ông Phương cho hay ngành gỗ cũng đã có bước tái cấu trúc, hiện sản xuất theo chuỗi giá trị nên phần cuối của chuỗi giá trị (sản xuất) tập trung ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… do có lợi thế về cảng.
Song nguyên liệu lại trải dài từ miền Trung, miền Bắc, do đó có một số doanh nghiệp quay lại các tỉnh này để làm bán thành phẩm, còn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như đan lát cũng đầu tư nhà máy ở miền Tây để gần nguồn lao động.
Theo ông Phương, hiện nguồn lao động và nguồn nguyên liệu sẽ là 2 yếu tố đầu vào để ngành gỗ tái cấu trúc vị trí sản xuất, chuỗi cung ứng.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân, ông Phương cho hay việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sẽ khó giải quyết trong thời gian ngắn, song trước mắt thay vì chờ nhà ở, chờ quỹ đất thì có thể có những quỹ kích cầu để các chủ nhà trọ cải tạo, làm ra chỗ ở tốt, giúp chủ nhà trọ có thu nhập và vừa giúp công nhân có chỗ ở tốt.
Còn ông Phạm Văn Việt đề xuất chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Để thảo luận cùng các chuyên gia, đưa ra các giải pháp cho những vấn đề trong quá trình phục hồi nền kinh tế, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuỗi Talkshow trực tuyến với chủ đề "Phác đồ hồi phục".
Sau tập phát sóng đầu tiên với chủ đề chủ đề "Liệu trình cho kinh tế Việt Nam" và tập 2 với chủ đề "Vaccine Kinh Tế: Giải bài toán nguồn lao động", Báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục phát sóng các tập tiếp theo với những vấn đề sát sườn với doanh nghiệp.
Các chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên các nền tảng online của Tuổi Trẻ, bao gồm Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube Báo Tuổi Trẻ.
Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận