Các khách mời chia sẻ tại buổi Talkshow "Phác đồ hồi phục" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chuỗi Talkshow trực tuyến "Phác đồ hồi phục" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức với chủ đề của tập đầu tiên "Liệu trình cho Kinh tế Việt Nam" diễn ra vào sáng 14-12 với sự tham gia của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA).
Doanh nghiệp đã phục hồi song vẫn gặp khó
Trả lời câu hỏi đầu tiên của nhà báo Xuân Toàn về sự phục hồi của doanh nghiệp TP.HCM hiện nay, phó chủ tịch HUBA Trần Việt Anh cho hay từ ngày 1-10 đến nay, các doanh nghiệp đã tái hoạt động tương đối ổn định với tỉ lệ trên 96%.
Trong đó, doanh nghiệp FDI quay lại sản xuất nhanh nhất, kế đến là các doanh nghiệp "3 tại chỗ", doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cuối cùng là doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp.
Theo ông Việt Anh, hiện khối sản xuất phục hồi nhanh kéo theo khối logistics, trong khi khối dịch vụ, thương mại, du lịch… phục hồi "lác đác".
Về khó khăn của doanh nghiệp, phó chủ tịch HUBA nhận định bên cạnh lao động, doanh nghiệp cũng gặp khó về vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất 2022.
Phó chủ tịch HUBA Trần Việt Anh nhận định bên cạnh lao động, doanh nghiệp cũng gặp khó về vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất 2022 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đi sâu vào câu chuyện doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đặng Hiến cho hay sau 2 tháng tái sản xuất, các doanh nghiệp đã từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, song doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thành sản xuất lẫn giá bán trên thị trường đều tăng.
Đồng thời, ông Hiến dự đoán nhu cầu tiêu dùng sẽ đi xuống, thị trường không thể có được mức mua sắm như tết năm ngoái nên nhà sản xuất cũng cần được "báo động" để không thể sản xuất như kế hoạch.
Cần tung gói hỗ trợ mới
Nhận định khó khăn của kinh tế Việt Nam hiện nay đến từ tổng cung lẫn tổng cầu, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng gói kích thích kinh tế thời gian tới phải đảm bảo đủ liều lượng để khuyến khích cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Đánh giá về quy mô gói hỗ trợ của các nước, ông Ngân cho hay mỗi nước đều khác nhau, song bình quân các nước phát triển là 16% GDP, đơn cử Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước có thu nhập trung bình cao như Thái Lan cũng có gói trên 15% GDP.
Trong khi đó, các nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thì gói hỗ trợ bình quân chỉ khoảng 4% GDP.
Do đó, ông Ngân cho rằng Chính phủ cần sớm trình Quốc hội gói hỗ trợ mới với quy mô đủ lớn. Ngoài quy mô, ông Ngân cho rằng "vấn đề quan trọng là gói đó hỗ trợ vào đâu, đối tượng nào?"
PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng gói kích thích kinh tế thời gian tới phải đảm bảo đủ liều lượng để khuyến khích cả tổng cung lẫn tổng cầu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giải đáp cho câu hỏi này, ông Ngân khẳng định điều đầu tiên Việt Nam cần phải đưa ra được một thông điệp để các doanh nghiệp tin tưởng chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch, không còn giãn cách nghiêm ngặt, đóng cửa hay đứt quãng sản xuất. Do đó, cần phải dành nguồn lực cho ngành y tế có thể đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Ngân đề nghị cần tiếp tục có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Trước mắt những khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước, cần tạm hoãn bằng cách tiếp tục thực hiện các nghị quyết về hoãn, giãn, miễn thuế, phí, tiền thuê đất… có thể kéo dài hết 2022
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
Đối với dòng tiền, ông Ngân nhấn mạnh phải hỗ trợ cho doanh nghiệp vay được vốn. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn do gặp khó về tài sản thế chấp nên cần khôi phục quỹ bảo lãnh cho nhóm doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, khoảng 2% mỗi năm.
Cuối cùng, ông Ngân cho rằng cần thiết có gói hỗ trợ tổng cầu bằng cách tăng gói đầu tư công để tập trung cho tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, góp phần giảm chi phí logistics, giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng.
Nên ưu tiên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nào?
Về đối tượng nhận hỗ trợ, ông Ngân cho rằng cần phải tính đến 2 hướng, một bên là nhận hỗ trợ để chia sẻ, giữ chân người lao động và một bên là nhận hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Việt Anh cho rằng tất cả các gói hỗ trợ đều cần thiết, song cần phải xác định gói hỗ trợ đúng đối tượng, nên tập trung vào doanh nghiệp có thể hoặc đang hoạt động, có kế hoạch cho 2021 nhưng bị dừng lại do dịch và đã có kế hoạch cho 2022.
Gói hỗ trợ mới phải là gói cần sử dụng ngay cho nhóm trên, ưu tiên cho các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn bởi lực lượng lao động này chính là người tiêu dùng, người tạo ta nguồn cầu cho TP
Ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
"Gói hỗ trợ mới phải là gói cần sử dụng ngay cho nhóm trên, ưu tiên cho các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn bởi lực lượng lao động này chính là người tiêu dùng, người tạo ta nguồn cầu cho TP" - ông Việt Anh đề xuất.
Phó chủ tịch HUBA cho rằng doanh nghiệp cần một thủ tục tiếp cận vốn nhanh, đồng thời những chính sách miễn và giảm cần phải rõ ràng. Theo ông, hiện Việt Nam đang nhập khẩu nguyên vật liệu rất lớn, đến 70-80%, khi hàng về doanh nghiệp phải đóng ngay VAT nên doanh nghiệp đang mong giảm, giãn thuế này.
Ngoài ra, ông Việt Anh cũng đề xuất cần có gói hỗ trợ an sinh cho người lao động, lo nơi ăn chốn ở đạt chuẩn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để cải tạo nhà trọ theo đúng chuẩn, có internet, không ngập, đảm bảo 5K…
Ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ đi xuống, thị trường không thể có được mức mua sắm như tết năm ngoái - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi đó, ông Đặng Hiến cho rằng rằng nghị quyết 406 về giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp "đúng nhưng chưa đủ".
Lý giải nhận định của mình, ông Hiến nói chỉ giảm VAT 3 tháng là quá ngắn, riêng ngành dịch vụ là chưa đủ. Đồng thời giảm 30% cũng quá ít, do đó cần phải có một lộ trình giảm VAT 50% trong 6 tháng, 30% trong 6 tháng tiếp theo, sau đó hạ xuống và nên giảm chung cho tất cả các ngành.
VAT là thuế gián thu, nếu giảm thì hàng hóa đến tay người tiêu dùng giảm hơn, kích thích mua nhiều thêm khiến nhà sản xuất nhiều hơn, việc phân phối lợi tức cũng nhiều hơn, kích hoạt được cả chu trình từ tiêu dùng, sản xuất, phân phối, kể cả logistics… do đó giảm VAT có tác động lớn
Ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM
Bên cạnh đó, ông Hiến cũng cho rằng cần xem lại việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khi đưa ra mức giới hạn doanh thu 200 tỉ đồng liệu đã phù hợp với thực tế các doanh nghiệp hiện nay.
Doanh nghiệp muốn biết thời gian tiêm mũi 3
Các khách mời tham dự chương trình, đưa ra các đề xuất, góp ý để xâu dựng các gói hỗ trợ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trả lời câu hỏi của MC Tú Trinh về vấn đề phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, ông Việt Anh cho hay hầu như doanh nghiệp nào test cũng có F0, song hiện tư duy cũng đã thay đổi và các lao động lành bệnh sau khoảng 10 ngày.
Theo ông Việt Anh, hiện các doanh nghiệp và người lao động rất chờ được để tiêm mũi 3, do đó cơ quan chức năng cần có trả lời cho các doanh nghiệp là khi nào người lao động được tiêm mũi 3.
Đối với biến chủng mới Omicron, ông Việt Anh cũng cho rằng Bộ Y tế cần thông tin chính thức về mức độ nguy hiểm để người lao động phòng ngừa và doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch.
Mời bạn đọc đón xem tiếp tập 2 của chương trình Talkshow "Phác đồ hồi phục" với chủ đề: Vắc xin Kinh tế - Giải bài toán nguồn lao động, sẽ phát sóng trực tuyến vào lúc 10h, thứ bảy, ngày 18-12, trên Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube Báo Tuổi Trẻ. Chuỗi chương trình Talkshow "Phác đồ hồi phục" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận