Cờ và hình ảnh của các thủ lĩnh Taliban trở thành mặt hàng bán chạy tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Trong ảnh: một người bán hàng vẫy cờ của Taliban bên cạnh biểu ngữ in hình phó thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar - Ảnh: AFP
Taliban dự kiến công bố các gương mặt của chính quyền mới trong hôm nay (4-9).
Giá lương thực và nhiên liệu đang tăng vọt trên khắp Afghanistan vì hạn hán, thiếu tiền mặt và viện trợ nhân đạo quốc tế. Ngân hàng Trung ương Afghanistan gần như trống rỗng, khi gần 10 tỉ USD gởi ở nước ngoài đã bị đóng băng.
Đã có một thực tế mới tại Afghanistan cho dù chúng ta muốn hay không.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Liên minh châu Âu nhanh chóng có quan điểm chung về vấn đề Afghanistan.
Hé lộ bộ máy lãnh đạo
Sau các lời hứa sẽ đảm bảo quyền cho phụ nữ và ân xá người đã làm việc cho chính quyền trước đây, mọi sự quan tâm dành cho Afghanistan hiện nay là bộ máy lãnh đạo của Taliban sẽ như thế nào. Nhà lãnh đạo tối cao của nhà nước Afghanistan mới gần như chắc chắn là ông Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh thứ ba của Taliban lên nắm quyền vào năm 2016.
Trong hơn một tuần qua, Taliban đã thực hiện hàng loạt cuộc tiếp xúc với các nhân vật có ảnh hưởng ở Afghanistan. Một vài trong số này kết thúc bằng bayah, một nghi thức đưa ra lời thề trung thành của Hồi giáo, dưới sự chứng kiến của Sirajuddin Haqqani - người đứng đầu Mạng lưới Haqqani quyền lực trong nội bộ Taliban.
Theo các nguồn thạo tin của Hãng thông tấn AFP, ông Sirajuddin Haqqani sẽ phải chia sẻ quyền lực trong chính quyền mới với Mawlavi Yaqoob, con trai của người sáng lập Taliban Mullah Omar và Abdul Ghani Baradar, phó thủ lĩnh kiêm đồng sáng lập Taliban.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin riêng tiết lộ ông Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban, sẽ đứng đầu chính phủ mới.
Ông Sirajuddin Haqqani, ông Mawlavi Yaqoob và ông Mohammad Abbas Stanekzai (cấp phó của ông Baradar) sẽ "giữ các vị trí cấp cao khác" trong chính phủ.
Phương Tây ra điều kiện
Các nước phương Tây đang chờ đợi những tín hiệu thiện chí của chính quyền mới ở Afghanistan để quyết định các khoản tiền đang bị đóng băng và viện trợ.
Phần lớn đại sứ quán của phương Tây tại Afghanistan đã đóng cửa sau ngày 31-8, làm hạn chế các cuộc tiếp xúc giữa các nước này với chính quyền mới của Taliban. Tuy nhiên, những quốc gia này có các đòn bẫy khác có thể buộc Taliban phải chủ động liên lạc.
Nói như Hãng tin AFP, Taliban nhận thức được họ ở "chiếu dưới" khi tìm kiếm sự công nhận quốc tế và hỗ trợ tài chính. Sau khi tiến vào thủ đô Kabul, lực lượng này liên tục phát đi các tín hiệu mong muốn quan hệ ổn định với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Viện trợ nước ngoài đóng vai trò ổn định kinh tế và chính trị ở Afghanistan, chiếm tới 75% chi tiêu công của chính quyền năm 2019.
Taliban đã hợp tác với Mỹ và các nước trong chiến dịch sơ tán trước ngày 31-8. Đây cũng là một trong những tín hiệu tích cực mà các nước phương Tây muốn thấy từ Taliban trong ngắn hạn. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã đến Doha của Qatar hôm 2-9 để bàn về việc đảm bảo an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan.
Lực lượng Taliban xác nhận đã nhờ Qatar cử đội ngũ kỹ thuật giúp vận hành sân bay chính ở Kabul, nơi diễn ra các hoạt động sơ tán bằng đường hàng không trước ngày 31-8.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố sẽ xem liệu Taliban có giữ lời hứa cho những người muốn rời khỏi Afghanistan được rời đi hay không. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định nếu Taliban đảm bảo được các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là phụ nữ, và không chứa chấp khủng bố quốc tế, Berlin sẵn sàng nối lại sự hiện diện ngoại giao tại Kabul.
Mỹ, quốc gia đang nắm giữ chìa khóa "két sắt" của Afghanistan, thì muốn nhiều hơn thế. Ngày 3-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nước này không có kế hoạch giải phóng 9,5 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của Afghanistan.
Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới tướng lĩnh Mỹ bắn đi thông điệp Taliban nên hợp tác để đối phó kẻ thù chung là khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), thủ phạm gây ra vụ nổ khiến hàng trăm người thiệt mạng hôm 26-8 (bao gồm 13 lính Mỹ).
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, trong một cuộc phỏng vấn với Đài ABC, đã ám chỉ rằng Washington có thể gởi viện trợ nếu Taliban thực hiện các cam kết ôn hòa.
Giới phân tích đang chia rẽ về cách tiếp cận của phương Tây đối với Taliban, với một bên cho rằng đây là thời điểm thích hợp để buộc Taliban thay đổi hành vi, bên còn lại quan ngại rằng những hành vi o ép sẽ dẫn tới việc Taliban đoạn tuyệt với phương Tây.
Taliban nhờ Trung Quốc giúp tái thiết?
Phát biểu trên báo la Repubblica ngày 2-9, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban cho biết sẽ coi Trung Quốc là một đối tác quan trọng nhất "sẵn sàng đầu tư và tái thiết đất nước Afghanistan".
"Trung Quốc chính là lối để chúng tôi bước ra các thị trường thế giới - ông Mujahid nói, khẳng định Taliban đánh giá cao sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc - Các mỏ đồng dồi dào ở đất nước chúng tôi, nhờ Trung Quốc, sẽ hoạt động trở lại và được hiện đại hóa".
Cùng ngày, Taliban cũng xác nhận Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa đại sứ quán ở Kabul sau cuộc điện đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wu Jianghao và ông Abdul Salam Hanafi - phó lãnh đạo của Taliban.
Sau khi Taliban chiếm Kabul, nhiều nước đã di tản nhân viên ngoại giao trong khi phái đoàn Nga và Trung Quốc vẫn ở lại.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận