Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố nhỏ của Afghanistan, nơi phụ nữ yêu cầu được tham gia chính quyền mới - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Hãng tin AFP, tuần qua, số cuộc biểu tình đã tăng lên trên cả nước, với nhiều người Afghanistan lo sợ việc Taliban sẽ lặp lại giai đoạn cầm quyền cực đoan theo luật Hồi giáo Sharia hồi cuối thập niên 1990.
Ngày 7-9, hàng trăm người đã tập trung tại một số cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul. Các tay súng Taliban đã nổ súng để giải tán đám đông.
Tại thành phố Herat, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành, giăng biểu ngữ và vẫy cờ Afghanistan. Một số người đã hô vang "tự do". Một bác sĩ giấu tên nói với AFP là có 2 thi thể đã được đưa đến một bệnh viện trung tâm của Herat.
"Họ có vết thương do đạn bắn", bác sĩ giấu tên cho biết.
Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở những thành phố nhỏ hơn của Afghanistan - nơi phụ nữ yêu cầu được tham gia vào chính quyền mới của Taliban.
Cuối ngày 7-9, Taliban đã cảnh báo công chúng về việc biểu tình trên đường phố.
"Cho đến khi tất cả văn phòng chính phủ mở cửa, và luật biểu tình được giải thích, mọi người không nên biểu tình", ông Zabiullah Mujahid - phát ngôn viên Taliban - nói.
Ngoài ra, Taliban cũng phải đối mặt với những thách thức an ninh với sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bên cạnh phong trào Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF) ở tỉnh Panjshir.
Cuối tháng 8, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul. Vụ việc làm gần 200 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ và 28 thành viên Taliban.
Ngoài ra, ngày 6-9, NRF cũng tuyên bố các tay súng của họ vẫn hiện diện ở các "vị trí chiến lược" trong thung lũng Panjshir và sẽ phản kháng đến cùng.
Tối 7-9, Tailban đã công bố chính quyền lâm thời gồm toàn người của lực lượng này.
Động thái diễn ra hơn 3 tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul, và chỉ vài ngày sau khi lực lượng này tuyên bố kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, bao gồm thung lũng Panjshir.
Trong khi đó, Washington cho biết họ "không vội vàng" công nhận chính quyền Afghanistan mới dưới thời Taliban.
Tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Pramila Patten - đứng đầu tổ chức Phụ nữ LHQ - nói sự vắng mặt của nữ giới trong chính quyền lâm thời Afghanistan "đặt ra câu hỏi về những cam kết gần đây (của Taliban) để bảo vệ và tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan".
Theo bà Patten, bằng cách loại phụ nữ khỏi chính quyền lâm thời, "lãnh đạo Taliban đang gửi đi tín hiệu sai về mục tiêu đã nêu của họ trong việc xây dựng một xã hội toàn diện, mạnh mẽ và thịnh vượng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận