Ông Abdul Ghani Baradar, phó thủ lĩnh phụ trách chính trị kiêm đồng sáng lập Taliban, sẽ đứng đầu chính phủ lâm thời, theo Hãng tin Reuters - Ảnh: AFP
"Tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của Taliban đã đến Kabul và đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để công bố chính phủ mới", một quan chức Taliban nói với Reuters.
Ông Haibatullah Akhunzada, thủ lĩnh tối cao đời thứ ba của Taliban, sẽ tập trung vào các vấn đề tôn giáo và điều hành quốc gia trong khuôn khổ Hồi giáo, theo một nguồn tin khác của Reuters.
Ông Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, sẽ đứng đầu chính phủ lâm thời gồm 25 bộ, theo nguồn tin của Reuters.
Ông Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của cố thủ lĩnh Taliban Mullah Omar, và cấp phó của ông Baradar là ông Sher Mohammad Abbas Stanekzai, sẽ góp mặt trong chính phủ lâm thời.
Taliban cũng sẽ thành lập một hội đồng cố vấn (shura) gồm 12 người, một nguồn tin khác cho biết thêm.
Một số gương mặt bộ trưởng trong chính phủ lâm thời sẽ được công bố sau buổi cầu nguyện chiều 3-9 (giờ địa phương). Số bộ trưởng còn lại sẽ được chỉ định từ ngày 3-9 đến giữa tuần sau.
Theo nguồn tin của Reuters, chính phủ lâm thời sẽ chỉ bao gồm người của Taliban. Trong vòng 6 hoặc 8 tháng tới, một hội nghị gồm nhiều người lớn tuổi và đại diện cho các dân tộc ở Afghanistan sẽ được tập hợp để thảo luận về hiến pháp và hình thái chính phủ chính thức tương lai.
Hiện vẫn chưa rõ vai trò của ông Sirajuddin Haqqani, người đứng đầu Mạng lưới Haqqani có ảnh hưởng lớn trong nội bộ Taliban. Một số nguồn tin tiết lộ ông này sẽ chia sẻ quyền lực với các thủ lĩnh khác của Taliban như ông Baradar.
Hãng thông tấn AFP dẫn 2 nguồn tin riêng cho biết chính phủ lâm thời sẽ được công bố sớm nhất vào ngày mai 4-9.
Những thách thức đầu tiên của chính phủ lâm thời này là giải quyết tình trạng thiếu lương thực và ổn định giá thực phẩm, nhiên liệu đang tăng phi mã tại Afghanistan.
Theo Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác, việc phương Tây tiếp tục đóng băng gần 10 tỉ USD mà chính quyền Afghanistan trước đây gởi ở nước ngoài sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Nam Á này.
Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Ý đã phát đi các tín hiệu hỗ trợ nếu Taliban đáp ứng được một số yêu cầu nhân quyền, chẳng hạn đảm bảo an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan sau ngày 31-8.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận