Đầu năm 2024, Talentnet chính thức mở văn phòng đại diện tại Singapore và chi nhánh mới tại Campuchia, đánh dấu mốc son tiến ra khu vực để đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới.
Bà Tiêu Yến Trinh - nhà sáng lâp và là tổng giám đốc Talentnet Corporation cho hay, đây là chiến lược được lên kế hoạch từ những ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp.
* Thị trường nhân sự Singapore và Campuchia có sự phát triển không giống nhau. Vì sao Talentnet lại lựa chọn 2 quốc gia khác biệt trong lần đầu tiên bước ra khu vực?
Mục tiêu và sứ mệnh của Talentnet cuối cùng vẫn là song hành với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chiến lược quản trị nhân sự, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động nói chung.
Với thị trường Campuchia - một thị trường ngày càng đón nhận nhiều làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Việt, nên lẽ dĩ nhiên Talentnet cũng mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang khẳng định vị thế tại thị trường mới thông qua sự chuyên nghiệp và tính cạnh tranh về các hoạt động nhân sự.
Bởi lẽ với tư cách là một doanh nghiệp Việt, Talentnet chúng tôi hiểu rất rõ và cùng đồng cảm về văn hóa doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh với các công ty Việt để đưa ra những tư vấn nhân sự phù hợp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh doanh tại thị trường mới.
Đội ngũ tư vấn viên ở Campuchia của Talentnet chiếm đa số là người bản địa, tin chắc sẽ đóng góp những góc nhìn và thấu hiểu rất địa phương để hỗ trợ các khách hàng.
Riêng tại thị trường Singapore, đây lại là một ấp ủ khác trong bối cảnh Việt Nam và Singapore tăng cường các hoạt động hợp tác về kinh tế. Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư không chỉ từ các doanh nghiệp Singapore, mà còn từ các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang đặt trụ sở tại trung tâm kinh tế khu vực là Singapore.
Với sự am hiểu về thị trường lao động, tình hình đầu tư, văn hoá kinh doanh cùng kinh nghiệm làm việc với gần 1000 doanh nghiệp Việt Nam lẫn quốc tế, Talentnet sẽ đóng vai trò như một cầu nối để cung cấp góc nhìn toàn diện về bức tranh đầu tư tại Việt Nam.
Song song đó, Talentnet tham vấn các vấn đề về chính sách nhân sự, nhu cầu người lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, sẵn sàng nền tảng để hoà nhập cùng nền kinh tế Việt Nam.
* Vì sao Talentnet lại chọn cột mốc năm nay để triển khai mở rộng?
Chúng ta đều biết đây là giai đoạn thử thách của nhiều doanh nghiệp. Đối diện với khó khăn, chúng ta hay nghĩ nhiều đến việc "ngủ đông" để bảo toàn lực lượng. Nhưng đối với cá nhân tôi, thay vì chờ đợi thời cơ, ta có thể tự tạo ra cơ hội từ việc nhìn lại để đổi mới, tái cấu trúc nhân sự.
Trong suốt 15 năm qua, khi quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp đi qua các biến động thị trường, Talentnet đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ các đối tác và khách hàng.
Đây là lúc Talentnet vững vàng về phương pháp chuyên môn quốc tế, sẵn sàng trở thành cánh tay nối dài của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế chuyển mình sang trang mới. Đây cũng là cơ hội để Talentnet học hỏi từ bạn bè láng giềng.
Tôi rất hy vọng Talentnet sẽ chào đón nhiều nhân tài từ các nước trong khu vực tham gia cùng, chia sẻ chung mục tiêu và sứ mệnh với chúng tôi trong việc nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực khu vực.
* Một thế mạnh cạnh tranh giúp Talentnet trụ vững trong thị trường và sẵn sàng tiến ra khu vực là gì?
Một trong những trăn trở lớn nhất của tôi ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Talentnet là liệu một doanh nghiệp 100% Việt Nam có thể trở thành đơn vị cung cấp toàn diện các giải pháp nhân sự cho các khách hàng lớn, ngay cả khách hàng Việt Nam và các khách hàng đa quốc gia?
Câu trả lời là có. Chúng tôi không dừng lại ở việc thấu hiểu vấn đề của thị trường Việt Nam và các thị trường láng giềng để đưa ra lời giải phù hợp ngay tại thời điểm doanh nghiệp cần, mà phải đồng hành lâu dài, cùng nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản trị nhân sự.
Vì thế, bên cạnh nền tảng hiểu biết về con người, văn hóa và luật pháp nước nhà, Talentnet còn hợp tác cùng các tên tuổi quốc tế, trở thành đối tác độc quyền trong khu vực của ADP Streamline và Mercer, mang đến nguồn dữ liệu và phương pháp đáng tin cậy.
Đây là tư liệu quý giá giúp các doanh nghiệp Việt hoạch định các chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả. Doanh nghiệp Việt không cần tìm kiếm đâu xa để tiếp cận các dịch vụ chuẩn quốc tế, bởi Talentnet hoàn toàn có thể cung cấp đầy đủ, và "may đo lại" cho thị trường nước ta.
Thành quả không chỉ dừng lại ở việc nâng chuẩn chất lượng cho các dịch vụ của Talentnet, mà còn góp phần nâng tầm doanh nghiệp Việt, đồng thời khẳng định: Điều gì quốc tế làm được thì người Việt cũng có thể làm được!
Bà Tiêu Yến Trinh phát biểu tại hội thảo đổi mới The Makeover - một trong những sự kiện nổi bật của Talentnet dành cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhân sự Việt Nam trong năm 2023
* Từ câu chuyện của Talentnet, bà có lời khuyên nào cho những "chiếc thuyền" doanh nghiệp cũng đang tìm cơ hội ra biển lớn?
Cũng là một người đang lèo lái con thuyền doanh nghiệp, nhưng cũng là một người đi cùng các doanh nghiệp, tôi có một đúc kết quan trọng: "Cơ hội luôn mở", nhưng với các điều kiện:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trước khi chuẩn bị vươn ra biển lớn. Việc xác định rõ mục tiêu lâu dài giúp doanh nghiệp tìm được "la bàn", trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Khi đã có chiếc "la bàn" này, hành trình định vị của các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn. Đây cũng là lúc các "thuyền trưởng" phải ngồi xuống, xác định thế mạnh làm nên sự khác biệt của mình là gì, đặc biệt tại thị trường mới mà doanh nghiệp hướng đến.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy tắc, luật lệ, người chơi, hành vi, tập quán… của sân chơi đó để có những bước thay đổi, nâng cấp cho phù hợp.
Điều cuối cùng và tôi nghĩ đây cũng là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Việt, đó là tinh thần hợp tác, gắn kết với nhau trên hành trình vượt biển, "muốn đi xa phải đi cùng nhau". Những cái bắt tay giữa các doanh nghiệp nội địa không chỉ có thể góp phần nâng tầm thương hiệu Việt tại thị trường trong nước, mà còn đưa thương hiệu Việt vươn xa trên trường quốc tế.
Khi một cộng đồng doanh nghiệp có thể tạo nên hệ sinh thái vững chắc, lấy thế mạnh của đối tác làm đòn bẩy, tôi tin các giá trị cốt lõi của thị trường Việt Nam, là sức sáng tạo, sự linh hoạt, uy tín, chất lượng sản phẩm sẽ được lan toả dù ở bất kỳ thị trường nào doanh nghiệp chúng ta đặt chân đến.
* Vậy bà nghĩ đâu sẽ là "chìa khoá" để doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo nên một cộng đồng gắn kết như bà và nhiều "đầu tàu" khác cũng đang mong muốn?
Đầu tiên, đó là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, huy động tinh thần đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế. Đây là động lực rất lớn để doanh nghiệp Việt thực hiện các mục tiêu phát triển cùng nhau.
Thứ hai, đó là tính kết nối của các hiệp hội doanh nghiệp ở mọi ngành nghề. Trên thực tế, chúng ta đã xây dựng mạng lưới gắn kết vững chắc trong cùng một nhóm ngành. Và nay sẽ là lúc những nhóm ngành cùng kết nối với nhau, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, giải pháp toàn diện.
Đừng quên chúng ta cũng cần nhìn xa hơn những biên giới của mình, kết nối với đối tác quốc tế, học từ họ những tiêu chuẩn mới để tự nâng cấp mình.
Thứ ba nhưng không kém phần quan trọng, một cộng đồng gắn kết, mạnh mẽ phải được làm nên từ những doanh nghiệp và cá thể mạnh mẽ. Củng cố nội lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn lực lao động trong nước để đội ngũ nhân tài có thể theo kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường vẫn luôn là mục tiêu cốt lõi.
Năm mới, hy vọng những mong ước mới của các doanh nghiệp Việt trên lộ trình tiến ra biển lớn sẽ gặt hái nhiều thành công!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận