Ngôi trường Tăk Rối mới được xây dựng bằng tấm lòng - Ảnh: L.T
Sau bao tháng bằng sự tâm huyết của các thầy cô và mạnh thường quân, chính quyền địa phương, trường mới khang trang, đẹp đẽ đã được dựng lên giữa rừng xanh.
Dân làng Tăk Rối gọi đó là ngôi trường cổ tích.
Ngôi trường của tấm lòng
"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" – một tấm biển được gắn trước cổng trường để nhắc nhớ, ngôi trường cổ tích ấy được xây lên từ tấm lòng.
Đứng nhìn ngôi trường được xây mới, thầy Lê Huy Phương - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập lòng vui sướng. "Vậy là năm học mới này trẻ con làng Tăk Rối sẽ được học, vui chơi ở trường mới, không còn cảnh chật vật ở điểm trường tạm", thầy Phương tâm sự.
Tăk Rối, ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Tranh thơ mộng với hàng chục hộ dân sinh sống được lập nên từ khi chính quyền địa phương thực hiện phương án tập trung khu dân cư, di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Từ tháng 8-2019, nhân dân làng Tăk Rối được chuyển đến vùng đất mới hiện nay.
Thầy Phương kể, khi dân dời xuống điểm tái định cư mới, lúc này nhà trường định huy động dân dời điểm trường cũ xuống để thực hiện giảng dạy cho kịp năm mới nhưng trường đó đã cũ nếu tháo dỡ láp ráp sẽ không đảm bảo được.
"Lúc này tôi có quen biết anh Nguyễn Bình Nam, là chủ nhiệm CLB "Bạn Thương Nhau" ở Đà Nẵng, nhờ bạn ấy giúp đỡ. Bạn Nam đồng ý và bắt đầu kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng. Và ngôi trường Tăk Rối bắt đầu xây dựng từ tháng 8-2019, đến tháng 10-20219 hoàn thiện khánh thành và bàn giao để giảng dạy cho học sinh", thầy Phương nhớ lại.
Tưởng đâu điểm trường được xây nên bằng tấm lòng ấy vững chãi, nhưng những ngày cuối tháng 10-2020, tròn một năm khánh thành, cơn bão số 9 ập đến kèm theo mưa rất to và lũ quét. Con sông Tranh vốn hiền hòa thơ mộng ngày thường bỗng trở nên hung dữ, dâng cao kỷ lục quét qua, trường Tăk Rối ngập trong biển nước lũ.
Nước lớn cuốn theo những gốc cây lớn xộc thẳng vào trường, làm ngôi trường mới xây bị hư hỏng nặng. Rất may thầy cô chạy kịp thoát thân nhưng tất cả tài sản của trường, tài sản và đồ dùng các nhân của thầy cô đều bị dòng nước cuốn đi. "Đứng nhìn điểm trường hoang tàn, xơ xác, ruột gan thầy cô ai cũng đau xót", thầy Phương nhớ lại.
Điểm trường Tăk Rối tan hoang do mưa lũ năm 2020 - Ảnh: LÊ TRUNG
Tôi còn nhớ như in, sau đợt mưa lũ, thầy và trò trường Tăk Rối phải chật vật dạy và học ở một nhà dân. Thầy Lê Văn Bốn - giáo viên điểm trường, kể rằng sau bão lũ, trường hư hỏng nên cả thầy trò phải gồng với con chữ ở điểm nhà tạm. "Dù vất vả nhưng cũng phải cố gắng không để học sinh bỏ dỡ chương trình học. Mong điểm trường mới được xây dựng cho học sinh bớt nhọc", thầy Bốn tâm sự.
Thầy Huy Phương kể, nhận được tin điểm trường bị sập, ngoài báo cáo cho lãnh đạo huyện, thầy đã gọi điện báo ngay cho anh Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau.
Đầu tiên anh em bàn tính sửa chữa lại để giảm chi phí. Sau đó bạn Bình Nam quyết định kêu gọi xây mới lại, chọn vị trí cao hơn để làm vì sợ sửa lại trường cũ lỡ sau này lại bị ngập lũ sẽ không an toàn cho thầy cô và học sinh.
"Sau khi bàn bạc thống nhất, bạn Bình Nam tiếp tục kêu gọi kinh phí và làm. Trong thời điểm đó được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo huyện nhà, CLB Golf ở TP.HCM đóng góp giúp đỡ xây trường", thầy Phương kể.
Sau khi trường hư hỏng, học sinh phải học ở điểm nhà tạm - Ảnh: LÊ TRUNG
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!
Sau khi có kinh phí, thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương lại tất tả chuẩn bị cho việc xây trường. Cái khó nhất theo thầy Phương vẫn là chuyển vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng qua sông Tranh. Bởi làng Tăk Rối từ xưa đến nay chưa có cầu bắc qua sông, mọi người vẫn dùng ghe qua lại.
Mùa mưa, nước sông Tranh dâng cao, rất khó khăn cho việc vận chuyển. Nhà trường phải huy động thầy cô, dân làng vận chuyển vật liệu bằng bè, thuyền từ đường quốc lộ 40B qua làng.
Từ tháng 3-2021, điểm trường bắt đầu được thi công. Thầy Lê Đình Tuấn, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, kể rằng thời điểm đầu nước sông vẫn còn khá lớn.
"Vận chuyển vật liệu để xây dựng chủ yếu bằng bè tự chế, nước lớn thì kéo bè qua, kéo dây và bơi theo bè để chuyển đồ, rất vất vả, kỳ công. Thầy cô tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần cùng làm với người dân. Bà con nhân dân bận khôi phục sản xuất, giáo viên lo giảng dạy cho kịp chương trình, nhưng với quyết tâm xây trường cho kịp năm học mới nên ai cũng đồng lòng vượt mọi khó khăn", thầy Tuấn nhớ lại.
Để xây được trường, thầy cô cùng dân làng dùng bè vượt sông Tranh vận chuyển vật liệu xây dựng - Ảnh: L.T
Sau hơn hai tháng, bằng với nỗ lực tuyệt vời, ngôi trường Tăk Rối đã được hoàn thiện trong tháng 5-2021 với tổng chi phí sau khi hoàn thiện hơn 1,1 tỉ đồng bằng sự kêu gọi của CLB Bạn thương nhau, nhiều mạnh thường quân và kinh phí hỗ trợ của huyện Nam Trà My.
Trường có hai phòng học dành cho khối tiểu học và mầm non, một phòng ở cho giáo viên, bếp nấu, khu vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Sân trường được lát gạch sạch sẽ, khang trang.
Anh Nguyễn Xuân Cường, dân làng Tăk Rối, phấn khởi: "Trường mới xây xong, dân làng ai cũng vui bởi năm học mới, con em không phải học ở điểm trường tạm. Dân làng biết ơn các thầy cô và mạnh thường quân lắm", anh Cường chia sẻ.
Ngôi trường cổ tích ấy mọc lên, đó là sự tâm huyết và thầy Lê Huy Phương và anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau. Thầy Phương nói ngôi trường được xây dựng chắc chắc hơn ngôi trường cũ, tiện ích nhiều hơn, rộng rãi hơn, cao ráo hơn.
Đây là điểm trường lẻ đẹp nhất của xã Trà Tập tính đến thời điểm này. "Ngôi trường sẽ được khánh thành trước năm học mới này, thật hạnh phúc cho bản thân tôi, giáo viên, học sinh và bà con làng Tăk Rối. Xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến tất cả" - thầy Phương tâm sự.
Thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương - Ảnh: LÊ TRUNG
Anh Bình Nam tâm sự, hơn mười năm anh cùng câu lạc bộ của mình kêu gọi xây trường ở miền núi thì Tăk Rối là một ngôi trường thật đặc biệt. Một năm sau khi khánh thành thì trường bị bão lũ nhấn chìm, lại hư hỏng nặng nề.
"Nghe đứa con cưng của mình như vậy, tôi và anh em câu lạc bộ rất nhói lòng. Trước đó mình đã kêu gọi xây trường nên giờ không dám kêu gọi nữa. Nhưng thương các em nhỏ miền núi, tôi lại kêu gọi kinh phí thì được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của mọi người. Thế là mình quyết tâm phải làm lại Tăk Rối. Và câu lạc bộ đã kêu gọi được hơn 500 triệu đồng xây trường", anh Bình Nam tâm sự.
Anh kể, ngôi trường mới mọc lên, anh vui lắm. Đó là ngôi trường của tấm lòng nhiều người. "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình - câu ấy kèm thêm hình của trái tim, đại diện cho rất nhiều tấm lòng chung tay xây trường", anh Bình Nam nói.
Ngôi trường cổ tích Tăk Rối - với câu khẩu hiệu: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Người có duyên với nhiều điểm trường cổ tích
Anh Nguyễn Bình Nam, sống tại TP Đà Nẵng, 11 năm câu lạc bộ Bạn thương nhau hoạt động với sự kêu gọi, họ đã góp sức xây được 15 điểm ở miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bởi theo anh, miền núi còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo dục.
"Nhiều ngôi trường chúng tôi kêu gọi xây dựng cũng đã gần mười năm đến nay vẫn còn sử dụng tốt. Tôi muốn cảm ơn mọi người đã đồng hành cùng với tôi, chia sẻ với học sinh miền núi", anh Bình Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận