16/01/2022 11:41 GMT+7

Tắk Pổ đổi thay từ vạn tấm lòng

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Tắk Pổ, điểm trường nằm cheo leo trên dãy núi Ngọc Linh, từng gây xúc động mạnh với lễ khai giảng trong trẻo, đầy bình dị năm 2019 đang từng ngày có những đổi thay nhờ ân tình của hàng vạn tấm lòng.

Tắk Pổ đổi thay từ vạn tấm lòng - Ảnh 1.

Bữa tiệc tất niên đầm ấm được anh Bão Quốc cùng các cô làm cho học sinh Tắk Pổ - Ảnh: LÊ TRUNG

Thay đổi lớn nhất là con đường lớn đã mở lên Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), điểm trường đang được xây mới. Thay đổi hằng ngày là cuộc sống của cô trò ở điểm trường và bà con xung quanh được chăm chút nhiều hơn.

Hy vọng qua năm mới những điều dự định ấp ủ sẽ thực hiện được. Nhất là điểm trường sớm làm xong để năm mới bọn trẻ có nơi học hành đàng hoàng.

Cô Thu ước mong trước thềm năm mới

Vạn tấm lòng hướng về

Trong chuyến trở lại thăm Tắk Pổ cùng chúng tôi những ngày đầu tháng chạp, hành trang của anh Phạm Hoài Bão Quốc (31 tuổi, một nhân viên ngân hàng ở vùng xuôi) đầy ắp bánh kẹo đặc trưng của Tết và một chiếc kèn melodica. "Nghe điểm trường đã lâu, rất muốn đến gặp cô trò, dân làng nơi vùng cao này" - Bão Quốc tâm sự. 

Khi chúng tôi đến nơi, một bữa tiệc tất niên nho nhỏ được Quốc cùng hai cô giáo làm cho 35 học sinh sau giờ tan học. Đơn sơ nhưng ấm cúng, Quốc thổi kèn bài Happy New Year, bọn trẻ vừa ăn bánh kẹo Tết vừa cất những tiếng cười giòn tan xen lẫn điệu kèn.

Quốc chỉ là một trong vô vàn những tấm lòng đã hướng về cô trò Tắk Pổ. Những chuyến thăm điểm trường trước đây, chúng tôi đã từng chứng kiến hình ảnh các nhà hảo tâm với những món quà thiết thực khác như áo quần, giày dép, chăn mền... hướng về điểm trường. 

"Mỗi dịp lễ thiếu nhi, trung thu, hay Tết, bọn trẻ nhận được nhiều tấm lòng từ các nơi gửi về, không chỉ là vật dụng thường ngày mà bọn trẻ còn được chăm chút thêm đến từng bữa ăn. Mình trân quý những tấm lòng đó" - cô Trà Thị Thu, giáo viên dạy lớp tiểu học ở điểm trường, xúc động nói. Cô Thu chính là cô giáo đã cùng học trò làm nên lễ khai giảng đặc biệt vào tháng 9-2019.

Sau thời điểm ấy một năm, cô được chuyển về điểm trường chính nhưng năm học này lại ngược lên Tắk Pổ. "Điểm trường giờ thay đổi nhiều lắm. Đường lớn mở, ngôi trường được một đơn vị phối hợp với báo Tuổi Trẻ đang xây dựng, nhưng hơi tiếc là dịch COVID-19 gây cách trở. Tình hình giờ ổn rồi, hy vọng sớm có trường lớp mới" - cô Thu chia sẻ.

Tắk Pổ đổi thay từ vạn tấm lòng - Ảnh 3.

Đường lớn đã mở lên tận điểm trường Tắk Pổ - Ảnh: LÊ TRUNG

Đổi thay từng chút một

Cô Thu nói từng sự quan tâm, yêu thương của mọi người dành cho cô trò của điểm trường và bà con nơi đây thể hiện rất nhiều yêu thương. Sau lễ khai giảng năm 2019 chừng vài ngày, cụ bà Thái Minh Xuyến (90 tuổi, ở TP.HCM) đã tự tay đan hơn 50 chiếc áo len gửi lên cho các cháu. Những chiếc áo đủ sắc màu khiến bọn trẻ mừng vui hí hửng. "Mấy năm nay, bọn trẻ giữ chiếc áo ấy cẩn thận, mùa đông nào cũng đem ra mặc" - cô kể thêm.

Rồi anh Đặng Quang Ánh (Công ty VietFood), chỉ cần thấy học sinh học lúc trời nắng nóng thì anh hỗ trợ kinh phí lắp ngay la phông cho mát. Rồi lắp đèn đường bằng năng lượng mặt trời quanh trường, hỗ trợ giống cây ăn quả cho bà con trồng. Năm nay anh còn hỗ trợ bắt thêm điện đường cho người dân đi lại tiện hơn, kết nối làm 30 nhà vệ sinh cho người dân.

Nhóm của thầy Trương Thế Quy (Trường ĐH Sư phạm Huế) thì tặng tivi, máy tính, bộ phát sóng WiFi... để các em học sinh biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài, học tập tốt hơn. "Và còn rất nhiều nhóm giúp đỡ cơ sở vật chất ở trường để bọn trẻ có điều kiện tốt trong học hành" - cô Thu chia sẻ.

Con đường đất giờ được mở lên điểm trường, cảnh chật vật cuốc bộ hàng giờ không còn nữa. Sự đổi thay quá lớn, đường mở ra nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và công sức nhiều người. Dọc đường, những cây trụ điện thắp sáng bằng tấm pin năng lượng mặt trời đã được dựng lên. Nhiều ngày qua, đoàn thanh niên xã đã tất bật lắp những cây trụ điện ấy cho dân làng.

Tất nhiên, hiện giờ Tắk Pổ vẫn chưa có điện thắp sáng ban đêm nhưng ánh sáng le lói từ những ngọn đèn đường cũng giúp không còn cảnh tối tăm giữa núi đồi đến rợn người. Cô Thu cho biết sắp tới đường dây điện sẽ được kéo lên đây, Tắk Pổ sẽ không còn cảnh tối tăm, tù mù như trước. Rồi cuộc sống dân làng, bọn trẻ nơi đây sẽ đổi thay, tin vậy.

Đồng hành với cô Thu trong năm học này là cô Đinh Thị Trinh, giáo viên Trường mẫu giáo Phong Lan, phụ trách dạy 20 trẻ khối mẫu giáo. Khi được chuyển lên trong năm học này, cô xúc động lắm. "Một điểm trường thơ mộng nhưng cũng lắm chật vật mùa mưa bão, cái lạnh lẽo của mùa đông. Nhưng vì bọn trẻ, các cô có vất vả mấy cũng vui. Và vui hơn vì có nhiều tấm lòng cùng hướng về cô trò" - cô Trinh tâm sự.

Tắk Pổ đổi thay từ vạn tấm lòng - Ảnh 4.

Tết này dân làng có nhà vệ sinh mới - Ảnh: TRÀ THỊ THU

Tết sẽ ấm hơn!

Xuân đang về Tắk Pổ, có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Trưởng nóc Tắk Pổ Hồ Văn Tiến nói rằng vô cùng trân quý những tình cảm mà các nhà hảo tâm, những tấm lòng ở miền xuôi đã dành cho bọn trẻ, cho dân làng suốt những năm qua.

Với những sự thay đổi về đường, điện, vị trưởng nóc tin rằng đó là một cơ hội để dân làng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chăm lo cho con cái được đầy đủ. Bà con có đường vận chuyển nông sản, dược liệu đi bán, trồng thí điểm sâm Ngọc Linh và hy vọng loài cây có giá trị kinh tế cao này sẽ đổi thay Tắk Pổ trong tương lai gần.

Nhưng điều mà khiến người dân phấn khởi và cảm thấy đặc biệt mới trong cái Tết này là cô Thu đã vận động, kết nối nhà hảo tâm góp hơn 70 triệu đồng để làm 30 nhà vệ sinh cho dân làng. Tình yêu của cô giáo trẻ với nơi như sinh ra lần thứ hai, gói gọn trong hai tiếng đồng bào. Dường như, cô đã dành những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân mình cho Tắk Pổ. 

"Cũng chẳng có gì, mình muốn dân làng ai cũng có nhà vệ sinh cho quan cảnh làng xóm sạch đẹp, vệ sinh hơn, nhất là tập cho bọn trẻ có ý thức từ lúc nhỏ" - cô Thu cười hiền tâm sự.

Để phong cảnh núi đồi đẹp hơn, vừa qua có người lại gửi đến điểm trường hàng chục cây hoa anh đào trồng trên triền đồi. Các cô cùng lũ trẻ cẩn thận chăm sóc từng li từng tí. Trước mắt, cô Thu còn cho biết sẽ vận động kinh phí để hỗ trợ người dân trồng thí điểm cây sắn. 

"Hiện giá trị cây này rất cao, hy vọng bà con sẽ phát triển kinh tế trong kế hoạch trước mắt" - cô Thu bộc bạch. Cô Thu cũng cho hay đang có nhiều người liên hệ tặng quà Tết. Các cô sẽ nhận và tổ chức một buổi tiệc tất niên ấm cúng cho học trò.

Cảm ơn những tấm lòng

Ông Trần Duy Dũng - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - chia sẻ thời gian qua, điểm trường Tắk Pổ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều của tổ chức, cá nhân.

"Thay mặt cho chính quyền, tôi chân thành cảm ơn những tấm lòng bao la đó. Hiện nay chính quyền đã hỗ trợ mở đường lên làng Tắk Pổ, sắp tới sẽ bê tông hóa để bà con được thuận lợi trong việc đi lại, phát triển kinh tế, các cô đỡ vất vả trong hành trình mang con chữ cho bọn trẻ" - ông Dũng nói.

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ

TTO - Sáng 5-12, một nghi thức đơn sơ theo phong tục Ca Dong trên triền núi đỉnh Ngọc Linh đã được tổ chức với sự chủ trì của vị già làng. Đó là lễ đặt viên gạch đầu tiên cho công trình điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp