31/05/2019 08:25 GMT+7

Tái xuất rác thải: đừng chần chừ!

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Philippines và Malaysia quyết tuyên chiến với rác thải nhựa khi yêu cầu các nước thu hồi rác thải mà họ đổ sang. Việt Nam đã đi trước khi siết chặt nhập khẩu rác thải nhưng việc xử lý, kể cả tái xuất vẫn ở giai đoạn hoàn thiện phương án.

Tái xuất rác thải: đừng chần chừ! - Ảnh 1.

Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra các container hàng, phần lớn là rác thải công nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đã có bao nhiêu container rác bị buộc tái xuất khỏi Việt Nam? Tổng cục Hải quan cho biết hiện chưa có thống kê. Trong khi đó, thống kê mới nhất cho thấy hiện có gần 9.000 container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày chưa biết xử lý ra sao...

Phế liệu nhập về Việt Nam giảm mạnh

Theo Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, năm 2014 Việt Nam đứng thứ tư thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa chỉ sau Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Malaysia. 

Đến năm 2018, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu thì lượng phế liệu nhựa khổng lồ của thế giới đã đổ vào Việt Nam. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018 có tới 275.000 tấn phế liệu nhựa nhập về Việt Nam, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam vọt lên đứng thứ nhì thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa chỉ sau Malaysia. 

Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời chỉ đạo dựng hàng rào ngăn rác từ xa nên 6 tháng cuối năm 2018 chỉ có hơn 100.000 tấn nhựa phế liệu cập cảng Việt Nam và những tháng đầu năm 2019 tiếp tục giảm mạnh.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong tuần từ ngày 17 đến 23-5-2019 chỉ có 279 container phế liệu các loại từ nước ngoài nhập về các cảng trên địa bàn TP. Trong đó nhiều nhất là giấy phế liệu với 267 container, sắt thép 11 container. Riêng mặt hàng nhựa phế liệu chỉ có 1 container.

Ngày 30-5, Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua phế liệu nhập về Việt Nam giảm mạnh so với hồi năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều biện pháp siết chặt kiểm soát mặt hàng này ngay từ nước xuất khẩu và khi tàu cập cảng.

Số liệu mới nhất cho thấy tại các cảng biển trong cả nước có hơn 14.000 container phế liệu các loại (giấy, sắt thép, nhựa), giảm gần 3.000 container so với tháng trước. Trong số này có tới gần 9.000 container phế liệu lưu bãi hơn 90 ngày không có người nhận (vô chủ) và hơn 600 container nằm tại cảng từ 30-90 ngày chưa làm thủ tục thông quan. 

Thời gian qua hải quan cũng đã thực hiện khám xét khá nhiều container phế liệu nhựa vô chủ. Kết quả: tất cả các container này đều chứa... rác!

Riêng tại các cảng ở TP.HCM hiện có 2.500 container phế liệu vô chủ vì đã quá 90 ngày không có người nhận. Trong đó có tới 2.449 container nhựa phế liệu. Số container này đã tồn đọng từ cuối năm 2018.

Ngày 17-9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. 

Hiện nay Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Quyết định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của các bộ, ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát phế liệu.

Với hàng loạt biện pháp xử lý vi phạm trong nước rất mạnh tay và kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu phế liệu từ nước xuất khẩu, từ đầu năm đến nay lượng phế liệu nhập về Việt Nam đã giảm mạnh. Cơ quan hải quan chưa phát hiện doanh nghiệp nhập rác nhưng khai báo là phế liệu đạt chuẩn như hồi năm 2018.

Hàng rào ngăn rác thế giới đổ về Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dựng lên ngày 17-9-2018 đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực.

Tái xuất rác thải: đừng chần chừ! - Ảnh 2.

Rác thải nhựa trong container phế liệu nhập từ nước ngoài về Hải Phòng - Ảnh: V.TR.

Lúng túng trong xử lý container vô chủ

Ông Hoàng Văn Thức - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - cho biết Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, hoàn thiện kế hoạch xử lý hàng tồn đọng ở các cảng biển là phế liệu. Tới đây bộ này sẽ chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành cùng với các bộ

TN-MT, GTVT, Tư pháp, Công an và các tỉnh, TP để xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển.

Các bước xử lý container tồn đọng tới đây gồm: thành lập hội đồng xử lý tại cục hải quan các tỉnh, TP. Sau đó sẽ xác minh, thông báo tìm chủ hàng. Kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày và xác định hình thức xử lý.

Căn cứ Bộ luật hàng hải năm 2015 và Luật hải quan năm 2014, cơ quan hải quan sẽ có thông báo yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển lô hàng tồn đọng là chất thải nguy hại hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày. 

Những hãng tàu nào không chấp hành thì Bộ GTVT sẽ có biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng cấp phép ra vào cảng của Việt Nam. 

Tuy nhiên do hiện nay chưa xác định lô hàng nào gây ô nhiễm và do hãng tàu nào vận chuyển đến Việt Nam nên chưa có thông báo buộc tái xuất. 

Những lô hàng không được vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ xử lý bằng biện pháp tiêu hủy. Bộ TN-MT chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các doanh nghiệp về khả năng tiêu hủy hàng hóa tồn đọng.

Đối với những lô hàng thuộc danh mục được phép nhập khẩu và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hội đồng xử lý sẽ quyết định bán đấu giá cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. 

Danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ được Bộ TN-MT thẩm định, cung cấp cho Tổng cục Hải quan để làm căn cứ tổ chức bán đấu giá.

"Từ cuối năm 2018 đến nay có container nào bị buộc tái xuất khỏi Việt Nam không?". Tổng cục Hải quan cho biết hiện chưa có thống kê về việc này. Còn theo ông Hoàng Văn Thức, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất phương án, thống nhất với các ngành rồi mới thành lập hội đồng xử lý. 

Hiện nay Bộ Tài chính đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoàn thiện phương án xử lý. Do đó, số phận của gần 9.000 container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày hiện vẫn chưa biết ra sao.

Một cán bộ hải quan cho biết khả năng cao là phải tiêu hủy bởi vì nếu phế liệu đạt chuẩn thì chủ hàng đã đến làm thủ tục thông quan từ lâu rồi. Hàng không đạt chuẩn không bán đấu giá được, buộc hãng tàu tái xuất khó khả thi. 

Nếu phải tiêu hủy thì vấn đề mới phát sinh, đó là doanh nghiệp có tiêu hủy thật hay luồn lách để đưa vào nhà máy tái chế? 

Thực tế trước khi Thủ tướng chưa ban hành chỉ thị 27 tháng 9-2018 thì bằng cách nào đó những container phế liệu như thế này vẫn được thông quan đưa về nhà máy tái chế. 

Nếu làm không chặt chẽ, nghiêm túc thì Nhà nước sẽ mất chi phí tiêu hủy nhưng rác vẫn lọt vào nhà máy làm lợi cho doanh nghiệp, còn môi trường và sức khỏe người dân bị xâm hại.

Một số nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết mặc dù Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý tiêu hủy hay đấu giá số container phế liệu tồn đọng, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp môi trường nộp đơn xin tham gia đấu giá và tiêu hủy. Điều này cho thấy phế liệu tồn đọng dù chỉ là rác thải nhưng lại được nhiều doanh nghiệp dành sự "quan tâm" rất lớn như một món hàng béo bở.

Tái xuất rác thải: đừng chần chừ! - Ảnh 3.

Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI - Đồ họa: N.KHANH

Rác thải nhựa vô chủ từ đâu đến?

Hiện nay các cơ quan chức năng chưa kiểm tra, phân loại nên chưa biết số lượng container phế liệu nhựa vô chủ là rác thải và cũng chưa biết những container đó đến từ đâu.

Tuy nhiên, theo tài liệu Tuổi Trẻ nắm được, trong năm 2018 doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phế liệu nhựa từ các quốc gia, vùng lãnh thổ sau đây: Nhật Bản 24,8%; Mỹ 14%; Hàn Quốc 12,6%; châu Âu 15%; Thái Lan 9,3%; Hong Kong: 3,7%.

Ngoài ra, nguồn phế liệu nhựa còn đến từ Canada, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Singapore...

Đã khởi tố nhiều vụ nhập phế liệu trái phép

Đến nay Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan TP Hải Phòng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến các doanh nghiệp do có hành vi nhập khẩu phế liệu trái phép và đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.

Cụ thể, 6 doanh nghiệp sau: Công ty TNHH DVTM XNK Đức Đạt (tỉnh Ninh Bình), DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh (tỉnh Ninh Bình), Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (TP.HCM), Công ty TNHH MTV Hương Quỳnh Cẩm Hưng (tỉnh Hải Dương), Công ty cổ phần DFG (tỉnh Hải Dương), Công ty TNHH ĐTTM XNK Minh Tân (Hà Nội).

Malaysia coi những kẻ nhập lậu rác thải như bọn phản quốc

TTO - Bộ Môi trường Malaysia thông báo sẽ trả lại khoảng 3.000 tấn rác nhựa cho các quốc gia phát triển, đồng thời điều tra các công ty nước nhà nhập lậu rác.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp