Xe container gây tai nạn trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM tháng 11-2014 - Ảnh: H.Khoa |
Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo sơmi rơmoóc chở container đang thiếu trầm trọng lái xe có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này: Một là, nhiều doanh nghiệp vận tải chuyển đổi phương tiện từ xe tải thùng (các loại xe có trọng tải từ 11 tấn đến 18 tấn, sử dụng lái xe có GPLX hạng C) sang xe đầu kéo chở container (sử dụng lái xe có GPLX hạng FC).
Trước đây thị trường vận tải hàng hóa là thị trường vận chuyển hàng quá tải, cạnh tranh không lành mạnh nên nhiều doanh nghiệp sử dụng các loại xe tải thùng có tải trọng thấp, vốn đầu tư ít nhưng vẫn chở hàng quá tải từ 100% đến 200% (từ 30 đến 40 tấn hàng), đủ khả năng cạnh tranh với các xe đầu kéo chở container.
Tuy nhiên sau khi Chính phủ, Bộ giao thông vận tải tăng cường siết chặt kiểm tra tải trọng, các loại xe tải thùng này không thể chở hàng quá tải nên không thể cạnh tranh được với xe đầu kéo chở container. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải đầu tư chuyển đổi phương tiện sang xe đầu kéo. Số lượng xe tải chuyển đổi này rất lớn dẫn đến tình trạng thừa lái xe có GPLX hạng C nhưng thiếu lái xe có GPLX hạng FC.
Hai là, một số lao động có GPLX hạng FC đã dịch chuyển trở về địa phương làm việc để có điều kiện gần gia đình, một số hết tuổi lao động hoặc chuyển đổi sang nghề nghiệp khác, lái các loại xe du lịch.
Ba là, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thêm số lượng xe đầu kéo để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu lái xe có giấy phép hạng FC.
Hậu quả của việc thiếu lái xe có GPLX hạng FC này dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng tổ chức sản xuất, mua bán sử dụng GPLX giả trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp do thiếu hiểu biết, không cập nhật được thông tin, không tiến hành xác minh GPLX khi tuyển dụng nên vẫn tiếp nhận và giao xe đầu kéo cho các đối tượng này điều khiển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo trong thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp chỉ biết được GPLX của tài xế là giả khi được cơ quan cảnh sát điều tra xác minh.
Theo ông Dinh, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam thay đổi một số điều kiện chuyển đổi giấy phép lái xe từ hạng C, D, E sang hạng FC.
Theo đó, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP đã đề nghị người đủ 24 tuổi, đã được cấp GPLX hạng C, D, E và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm (chứng minh bằng xác nhận và hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho lái xe) được quyền đăng ký để học và sát hạch nâng hạng lên FC. Nếu họ sát hạch thành công thì được cấp GPLX hạng FC.
Hiệp hội vận tải hàng hóa TP cũng đề nghị trong công tác đào tạo cấp GPLX nên cho phép các cơ sở đào tạo đủ điều kiện được đào tạo thẳng người lái xe đầu kéo. Sau khi sát hạch, người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng FC và được hành nghề ngay, người chưa đủ 24 tuổi được cấp giấy phép lái xe hạng tương đương và khi đủ 24 tuổi được đổi giấy phép lái xe qua hạng FC theo đúng quy đinh tại Điểm d, khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp xem xét giải quyết kiến nghị của của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM về các vấn đề trên.
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, số km lái xe an toàn đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nếu bỏ quy định này sẽ rất khó vì liên quan đến sửa Luật, bên cạnh đó số km an toàn không chỉ quy định đối với ôtô, mà kể cả tàu thủy, máy bay đều quy định số giờ nhất định.
Cũng theo ông Ngọc, quy định thời gian hành nghề 3 năm trở lên thì có thể điều chỉnh được.
"Trước đây, khi Luật 2001 chưa phân biệt giữa hạng C và hạng FC, người có bằng C có thể lái xe bằng FC luôn, tuy nhiên do xe container gây ra nhiều vụ tai nạn nên đã tách ra làm hai loại hạng C và FC, khi đó quy định thời gian hành nghề 3 năm trở lên (21 tuổi có bằng hạng C, 24 tuổi có bằng hạng FC)" - ông Ngọc cho biết.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay cả nước có 36 cơ sở đào tạo lái xe hạng FC. TP.HCM đang kiểm tra cấp mới thêm 2 cơ sở, 22 Trung tâm sát hạch lái xe hạng FC. Năng lực của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và đội ngũ giáo viên, sát hạch viên đáp ứng được nhu cầu về đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng FC. Đến hết năm 2011, cả nước có gần 25.500 ôtô đầu kéo, đã cấp gần 33.000 GPLX hạng FC, đạt tỷ lệ 1,3 GPLX/ 1 xe đầu kéo. Cả nước hiện có 41.385 ôtô đầu kéo. Về GPLX hạng FC, cả nước hiện có 56.139 GPLX. Số lượng GPLX đã cấp đạt tỷ lệ 1,36 GPLX/ 1 ôtô đầu kéo. Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nếu phát hiện GPLX giả sẽ xử phạt lái xe 5 triệu đồng và tịch thu GPLX. Đồng thời, xử phạt chủ xe đã sử dụng lái xe có GPLX giả 3 triệu đồng hoặc phạt doanh nghiệp đã sử dụng lái xe có GPLX giả 7 triệu đồng và tạm giữ xe 7 ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận