Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, tài xế Trần Đức Hiền (ngụ thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) nói:
Loại bỏ biển báo làm khó tài xế
Tài xế Trần Đức Hiền - Ảnh: C.Quốc |
“Tôi kiến nghị nội dung của điểm 1 điều 13 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép”. Vậy “những nơi cho phép” được nói ở đây là những nơi nào?
Khi xin chuyển làn đường để vượt qua xe phía trước tại đoạn đường không có biển báo “cấm vượt” và vạch kẻ đường là vạch đứt quãng thì có được xem là “nơi cho phép” không? Pháp luật không quy định rõ vấn đề này nhưng lực lượng thực thi pháp luật cứ sử dụng điều này để “hành” tài xế.
Thực tế, để vượt xe phía trước chạy chậm thì xe tải hay xe khách phía sau phải chuyển sang làn đường của ôtô con để vượt. Dù tại những điểm vượt làn đường có vạch đứt quãng và không hề có biển cấm vượt nhưng cảnh sát giao thông vẫn bắt lỗi này, phạt 1 triệu đồng và giam bằng lái một tháng.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 (điều 14) chỉ quy định về vượt xe trên những đoạn đường có hai làn xe (lưu thông từ hai chiều). Theo đó, có thể chạy trên phần đường của xe ngược chiều để vượt qua xe phía trước, còn việc vượt xe sao cho hợp pháp trên những đoạn đường lớn, có nhiều làn xe trong cùng một hướng lưu thông và có phân chia làn đường thì không có hướng dẫn cụ thể. Điều đó dẫn đến tâm lý đường rộng 6-8 làn đường thì chạy sướng nhưng rất sợ bị phạt.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị cần có một sự đồng nhất tương đối trong phân chia làn đường. Hiện nay, việc phân chia làn đường đều theo ý chủ quan của từng đơn vị quản lý. Chính vì thế đã xuất hiện tình trạng trên cùng một tuyến đường, xe chúng tôi đang được quy định chạy trên làn số 1 đột ngột phải chuyển gấp sang làn 2, rồi đi một đoạn nữa thì bị yêu cầu quay lại làn 1. Nếu tài xế không quen đường thì sẽ vi phạm, không may gặp cảnh sát giao thông thì bị phạt ngay.
Tôi gửi thư từ ngày 9-7. Ngày 18-8, đại diện Tổng cục Đường bộ VN có gọi điện thông báo với tôi đã đọc thư và sẽ xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị sau này có kiến nghị như thế thì gửi thẳng Tổng cục Đường bộ VN hoặc trên trang web của đơn vị”.
Tổng cục Đường bộ cử người đi thực tế Sau khi nhận thư của tài xế Trần Đức Hiền, ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - giao vụ trưởng Vụ An toàn giao thông xem xét. Ông Vũ Ngọc Lăng, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, cho biết đã giao Cục Quản lý đường bộ IV căn cứ những nội dung phản ảnh của tài xế Trần Đức Hiền cử người đi thực tế để đối chiếu, xem xét. Theo ông Lăng, những phản ảnh và đề xuất của tài xế Hiền là vấn đề thực tiễn và có những góc nhìn, quan điểm đánh giá khác nhau. Vì vậy, phải cử người của Cục Quản lý đường bộ IV đi thực tế với tư cách và góc nhìn của lái xe để có cơ sở trả lời, điều chỉnh quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận