07/02/2020 11:03 GMT+7

Tài xế nằm 'chịu trận' ở biên giới khi nông sản ùn ứ

B.NGỌC - V.TUẤN
B.NGỌC - V.TUẤN

TTO - Hòa trong dòng đời tất bật lo dịch cúm, có những người đang lặng thầm "chịu trận" ở biên giới để dòng chảy thương mại không đứt, đưa nông sản đi tiêu thụ.

Tài xế nằm chịu trận ở biên giới khi nông sản ùn ứ - Ảnh 1.

Tài xế Đặng Ngọc Tiến (ngụ ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) nấu cơm ngay tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: VŨ TUẤN

Khệ nệ bưng chiếc nồi gang nấu cơm, lách vào giữa các thùng xe container, Đặng Ngọc Tiến - tài xế người Phan Thiết - nửa thật nửa đùa: "Sao anh vô đây mà không mua giùm em cái bánh tét? Em lái xe đi từ trước tết, nằm đây hơn một tuần rồi, giờ nhớ vợ, nhớ quê, nhớ mùi bánh tét quá trời!".

Bữa ăn dưới gầm xe

Nói xong Tiến bưng nồi cơm, đặt lên chiếc bếp gas mini dưới gầm xe, bật lửa. Bên cạnh, tài xế Nguyễn Thế Dũng, quê ở Khánh Hòa, nhanh tay bỏ mớ rau bắp cải vô nồi nước đang sôi ùng ục. Chiếc bếp "dã chiến" cũng được đặt dưới gầm container để tránh mưa. Các hốc trên chắn bùn, gầm xe biến thành chạn bát, giá để gia vị, nước uống, thực phẩm. Sâu bên trong gầm xe là chỗ phơi đồ. 

Anh Dũng cho hay bữa nay các anh nấu cơm cho 8 người. Họ là tài xế của 3 xe cùng của một doanh nghiệp và một xe bạn. Nằm đợi riết ở biên giới với nhau, cánh lái xe tự nhiên trở thành người một nhà lúc nào không hay.

Mọi năm, cứ đến mùng 2 tết là anh Dũng lên đường, lái xe từ vựa thanh long ở miền Nam ra Bắc. Ăn tết dọc đường, sang biên giới bỏ hàng rồi lái xe quay lại. Cầm đôi đũa nếm cọng rau nấu theo kiểu người miền Bắc, anh Dũng nhớ rằng đến rằm tháng giêng là anh đã chuẩn bị bỏ hàng chuyến thứ 2. 

"Tui chỉ muốn bây giờ được sang biên giới bỏ hàng rồi về thôi. Càng chờ lâu, thanh long càng xuống màu, càng mất giá. Mà tui còn lo cái nữa là bên Trung Quốc cũng có dịch, họ có đi chợ không? Nếu họ không đi chợ thì thanh long tui bán ế. Sao về?" - anh Dũng nói.

Bữa cơm cho 8 tài xế ngồi chen chúc trong cabin của một chiếc xe. Năm nay là năm đầu tiên họ không phải chờ đợi ngoài đường, mà có bãi xe. Không lo mất đồ, có đủ nước uống, chỗ vệ sinh sạch sẽ. Thực phẩm hay đồ dùng cá nhân cũng mua được ngay tại bãi. Có điều nấu ăn vẫn phải nấu "chui" vì doanh nghiệp quản lý bãi xe sợ cháy nổ.

Tài xế nằm chịu trận ở biên giới khi nông sản ùn ứ - Ảnh 2.

Bữa ăn đạm bạc của tài xế container khi chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: VŨ TUẤN

Nông sản vẫn ùn ùn ra biên giới

Giữa những ngày đại dịch corona bùng phát, lượng xe chở nông sản xuất qua Trung Quốc vẫn ùn ùn kéo ra các cửa khẩu, chứ không dừng lại theo lời một số quan chức cảnh báo. Chỉ trong buổi sáng 6-2, có thêm khoảng 20 xe hàng nhập bãi xe cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ đến ngày thông quan. 

Nhiều tiểu thương nằm chờ tại cửa khẩu này cho biết giờ là thời điểm chính vụ thanh long, bà con nông dân thường chỉ thu hoạch trong vài tháng với sản lượng lớn. Nếu không xuất qua biên giới thì thị trường trong nước cũng không thể giải cứu hết được.

Tính đến trưa cùng ngày, tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh có 234 xe container hàng nông sản, tương ứng khoảng 4.600 tấn nông sản lưu lại. Tân Thanh là cửa khẩu xuất khẩu nông sản lớn nhất tại biên giới phía Bắc nhưng hàng hóa, nông sản ách tắc không chỉ tập trung trong bãi xe cửa khẩu.

Dọc các tuyến đường từ TP Lạng Sơn ra các cửa khẩu Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh những ngày này, rất nhiều bãi xe chứa container tự phát mọc lên. Có bãi 5-7 xe, có bãi cả chục xe nổ máy nằm chờ thông quan.

Ông Dương Văn Sự, lái xe cho Công ty vận tải Mai Tiến Chính đang nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh, chia sẻ giờ đang chính vụ thanh long tại các tỉnh phía Nam lên, dù cấm biên thì các nhà xe vẫn phải nhập hàng với hi vọng có thể bán qua biên giới để gỡ gạc cho nông dân. 

"Các nhà xe không chở hàng ra biên giới thì nông dân cũng không thể bán hàng ngàn tấn thanh long trong thị trường nội địa" - ông Sự nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sự thì cùng thời điểm này hằng năm, mỗi ngày có khoảng 200 xe thanh long nối đuôi nhau chở hàng xuất qua Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm này, tất cả chủ xe buộc phải nằm chờ ở bãi xe cửa khẩu, hoặc đậu lại dọc đường để giảm chi phí bến bãi.

Tài xế nằm chịu trận ở biên giới khi nông sản ùn ứ - Ảnh 3.

Dòng xe dài chờ thông quan - Ảnh: VŨ TU

Không muốn lên biên giới cũng không được

Ông Đào Văn Mạnh, quản lý bãi xe Tân Thanh, chia sẻ hầu hết các tài xế, công ty vận tải, tiểu thương đều chọn phương án đưa hàng qua biên giới để vớt vát được phần nào giá bán nông sản.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp, mỗi xe chở khoảng 20 tấn thanh long, nếu xuất qua biên giới với giá trung bình 35.000 - 40.000 đồng/kg, tiểu thương sẽ thu về 700 - 800 triệu đồng/xe tùy thời giá. Nhưng nếu bán tháo dọc đường kiểu "giải cứu" với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg, tiểu thương chỉ thu về 240 - 260 triệu đồng/xe. Vì vậy, dù phải chịu thêm phí bến bãi thì hầu hết tiểu thương vẫn nằm chờ xuất khẩu, rất ít người chọn phương án bán tháo dọc đường.

Ông Mạnh cho biết thêm để hỗ trợ tiểu thương trong thời điểm dịch bệnh, bãi xe cửa khẩu Tân Thanh đã thông báo giảm chi phí bến bãi cho tất cả chủ xe từ 200.000 đồng còn 100.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, bãi xe cũng cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.

Để gỡ vướng cho hơn 4.600 tấn nông sản đang nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh và hàng ngàn tấn khác đang nằm chờ tại các bãi xe tự phát trên đường ra biên giới, ngay trong chiều 6-2, đoàn công tác liên ngành tỉnh Lạng Sơn đã làm việc với biên phòng, kiểm dịch, hải quan, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu để bàn giải pháp.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Công Trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đã yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn lên phương án thông quan hàng hóa giữa cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Pò Chài (Trung Quốc) vào ngày 10-2.

Theo ông Trưởng, khó khăn lớn nhất hiện nay là phương án cách ly và kiểm soát dịch bệnh khi thông quan hàng hóa. Nếu cho phép thông quan 234 xe nông sản tại cửa khẩu, chắc chắn sẽ có thêm hàng trăm xe nông sản khác từ nội địa được đưa lên và sẽ có hàng trăm lái xe buộc phải thực hiện cách ly sau khi xuất hàng qua biên giới.

Kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc Kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc

TTO - Việc xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền vừa phải bảo đảm phòng chống dịch nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

B.NGỌC - V.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp