01/07/2018 09:49 GMT+7

Tài xế lái xe bằng chân còn hoa khôi bỏ vôlăng ôtô để... múa

VÂN LAM
VÂN LAM

TTO - Tối 27-6 xuất hiện clip hoa khôi Nam Em lái xe hơi mà buông hai tay khỏi vôlăng. Cùng ngày, một đoạn clip khác có cảnh tài xế lái xe khách bằng chân trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương...

Tài xế lái xe bằng chân còn hoa khôi bỏ vôlăng ôtô để... múa - Ảnh 1.

Hoa khôi Nam Em buông tay khi lái ôtô - Ảnh cắt từ clip

Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung nghị định 46 theo hướng nghiêm khắc hơn. Ngoài tăng tiền phạt, cần phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Về lâu dài, cần bổ sung vào Bộ luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Thạc sĩ luật Nguyễn Văn Chung

Gần đây, xuất hiện khá nhiều vụ tài xế vừa lái xe vừa ăn uống, nghe điện thoại hoặc gác chân lên vôlăng... Nhiều ý kiến yêu cầu phải xử phạt nghiêm để răn đe. Vậy hành vi này pháp luật hiện hành điều chỉnh đến đâu?

Buông tay, gác chân lên vôlăng

Đoạn clip dài khoảng một phút cho thấy hoa khôi Nam Em không chỉ vô tư buông tay lái, uốn éo múa hát theo nhạc mà cô còn không quan sát đường phía trước, thường xuyên quay ngang để "diễn" trước ống kính.

Cũng trong ngày 27-6, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài 23 giây ghi cảnh tài xế ôtô khách lái xe bằng chân trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây bức xúc trong dư luận.

 Đoạn clip cho thấy tài xế đang lái xe giường nằm của Doanh nghiệp vận tải Tuấn Hiệp (Cà Mau) nhưng nằm ngửa ra ghế, hai tay để ra phía sau đầu và dùng hai chân lái xe. Trên xe có nhiều hành khách đang ngủ.

Trước đó, tháng 12-2016, trên mạng xã hội cũng xuất hiện clip dài hơn một phút ghi lại cảnh tài xế Hồ Thanh Dân thả vôlăng để bưng tô mì ăn khi xe khách 50 chỗ đang chạy trên đường. Chỉ khi gặp phương tiện phía trước, tài xế mới dùng một tay để bấm còi rồi lại tiếp tục ăn trong khi xe vẫn chạy.

Thời gian gần đây, tình trạng lái xe có các hành động buông vôlăng khi xe đang chạy trên đường liên tục bị phát hiện.

Xe máy bị phạt, ôtô thì không?

Tài xế lái xe bằng chân còn hoa khôi bỏ vôlăng ôtô để... múa - Ảnh 3.

Hình ảnh tài xế buông tay khi lái ôtô khách - Ảnh cắt từ clip

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc buông cả hai tay khi lái ôtô là hành vi nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Về nguyên tắc, hành vi này phải bị nghiêm cấm bởi pháp luật nhưng pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh hành vi này. Đây là một lỗ hổng cần khắc phục.

Cụ thể, Luật giao thông đường bộ chỉ nghiêm cấm hành vi buông cả hai tay khi điều khiển xe môtô hai bánh, ba bánh mà không điều chỉnh đối với ôtô. Nghị định 46 năm 2016 cũng chỉ xử phạt hành vi buông cả hai tay khi điều khiển xe máy mà không xử phạt hành vi tương tự khi điều khiển ôtô. Và tất nhiên, hành vi này chỉ có thể bị xử lý khi người điều khiển ôtô gây tai nạn giao thông, kèm theo hậu quả đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Bản thân tôi cũng như các chuyên gia khác, không phải là lần đầu tiên khuyến cáo hành vi này cần phải được bổ sung vào luật để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, nhưng chưa được các cơ quan chức năng tiếp thu" - luật sư Hưng nói.

Hiện nay, tình trạng này khá phổ biến, vì thế cần cấp thiết xem xét sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ, đưa hành vi buông cả hai tay hay dùng chân lái ôtô vào nhóm "quy tắc giao thông đường bộ" bị nghiêm cấm, đồng thời bổ sung xử phạt hành vi này vào nghị định 46 năm 2016.

Cần tước giấy phép lái xe vĩnh viễn

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi này đã đe dọa trực tiếp đến chính tính mạng người lái xe, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; đe dọa tính mạng và tài sản của người ngồi trên xe và người đi đường nhưng mức xử phạt hiện khá nhẹ.

Cụ thể, điểm d, khoản 8, điều 5 nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: phạt tiền từ 7.000.000-8.000.000 đồng đối với người "dùng chân điều khiển vôlăng xe khi xe đang chạy trên đường".

 Ngoài việc bị xử phạt tiền, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Theo luật sư Đức, mức xử phạt trong trường hợp này là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi. Vì vậy, cần phải tăng mức xử phạt và tước giấy phép lái xe không thời hạn.

Đồng quan điểm, thạc sĩ luật Phạm Văn Chung nói: "Hành vi này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà có thể xem là hành vi phạm tội. Ở đây là hành vi cố ý gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người khác. Bởi vì, điều khiển xe cơ giới, nhất là xe chở khách, không chỉ là nguồn nguy hiểm cao độ đối với hành khách trên xe mà cả với người đi đường".

Theo ông Chung, ở nhiều nước trên thế giới hành vi này bị xử lý rất nghiêm khắc, đó là ngoài xử lý hình sự, phạt tiền còn có thể bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. "Mức phạt như vậy là không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung trong khi hành vi này có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Vì chế tài chưa nghiêm nên các hành vi như thế này ngày càng nhiều đến mức báo động" - ông Chung nói.

Tài xế lái xe bằng chân còn hoa khôi bỏ vôlăng ôtô để... múa - Ảnh 4.

Hình ảnh tài xế buông tay khi lái ôtô khách - Ảnh cắt từ clip

Các vụ vi phạm nổi cộm:

Tháng 2-2014, tài xế N.V.C. của nhà xe Phương Trang chạy tuyến Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) vừa lái xe vừa "tám chuyện" điện thoại khoảng 30 phút.

Tháng 12-2016, tài xế Hồ Thanh Dân thả vôlăng bưng tô mì ăn khi xe khách 50 chỗ đang chạy.

Ngày 24-3-2018, tài xế của nhà xe Vĩnh Quang (dòng Limousine) chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lái ôtô bằng một tay, một chân gác lên ghế lái và đôi khi thả cả hai tay.

Ngày 27-6-2018, tài xế xe khách Tuấn Hiệp (Cà Mau) lái xe bằng chân trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Ngày 27-6-2018, hoa khôi Nam Em lái xe trong tình trạng buông cả hai tay khỏi vôlăng, uốn éo múa hát theo nhạc.

VÂN LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp