13/03/2022 06:16 GMT+7

Tài xế hãng xe công nghệ 'thi nhau' tắt app, vì đâu nên nỗi?

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Sau khi giá xăng tăng mạnh vào chiều 11-3, trong đó giá xăng E95 lên mức xấp xỉ 30.000 đồng/lít, nhiều tài xế công nghệ cho biết phải tắt app hoặc chọn những tuyến cố định do giá cước chưa tăng.

Tài xế hãng xe công nghệ thi nhau tắt app, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Tài xế công nghệ “méo mặt” trước áp lực giá xăng dầu, đòi app tăng giá cước - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thu nhập giảm, tắt app, phản đối 

Sáng 12-3, đứng chờ khách trước cổng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), anh Nguyễn Hưng - tài xế GrabBike - cho hay dù Grab đã tăng giá cước để bù đắp lại phần tăng của giá xăng dầu thời gian qua nhưng giá xăng lại vừa tiếp tục tăng, gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, khiến cho nhiều tài xế GrabBike "méo mặt". 

Theo anh Hưng, có những cuốc xe chạy 7 - 15km, giá cước tăng vài ngàn đồng so với trước đây nhưng thực tế thu nhập của tài xế vẫn không thay đổi bao nhiêu do tiền xăng ăn hết, trừ khi chạy vào khung giờ cao điểm.

Hơn nữa, việc tăng giá cước chỉ áp dụng đối với quãng đường điểm đặt xe đến nơi khách tới, còn quãng đường di chuyển tìm đến vị trí để chở khách lại không được tính. 

"Có nhiều nơi khách đặt, chạy lòng vòng hơn 10 phút cũng chưa ra vị trí. Quãng đường này đâu có được tính vào giá cước. Tiền xăng chạy lòng vòng có khi hoàn thành cuốc xe, huề vốn" - anh Hưng nói, đồng thời bày tỏ lo lắng số lượng khách cũng sẽ bị giảm do người dân hạn chế đi lại vì giá cước tăng cao.

Trong khi đó, nhiều tài xế của Be, Gojek, Baemin cũng "nóng ruột" khi giá xăng tiếp tục tăng nhưng hãng chưa có tăng giá cước. Do đó nhiều tài xế hạn chế chạy các địa điểm không rõ ràng, thường tập trung ngồi ở khu vực đông khách như khu chung cư, bến xe, trường học... để dễ dàng nhận cuốc. Nếu có khách, tài xế sẽ lên ứng dụng bản đồ tìm kiếm quãng đường sao cho ngắn nhất để tiết kiệm chi phí.

Anh Nguyễn Văn Cành - tài xế của Be - cho biết trước đây đổ đầy bình xăng xe máy khoảng 50.000 đồng, bây giờ lên 70.000 - 90.000 đồng. "Trong khi chiết khấu với hãng vẫn giữ nguyên, xăng tăng mà hãng không tăng giá, nghĩa là mức thu nhập giảm đi rất nhiều" - anh Cành than thở.

Do giá xăng tăng mạnh nhưng một số app vẫn chưa tăng cước ship hàng nên nhiều tài xế đã tắt ứng dụng, thậm chí tài xế của ShopeeFood còn tập trung phản đối. Anh Bảo, một tài xế ShopeeFood, cho biết trung bình chạy khoảng 30 đơn/ngày, từ 6h sáng tới 10h tối, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng. Sau khi trừ các khoản phí và xăng xe, số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu. 

"Giá xăng tăng quá cao, trong khi phí ship quá thấp. Nếu chạy thế này thì không có thu nhập. Chúng tôi chỉ mong hãng tăng phí để có thể bù lại tiền xăng, có thêm thu nhập mới đủ trang trải", anh Bảo nói.

Hãng xe nói gì? 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số hãng xe công nghệ như Be, Gojek hay Baemin cho biết chưa có kế hoạch triển khai tăng giá. Thay vào đó, để động viên đối tác tài xế, hãng vẫn liên tục triển khai các chương trình tặng thưởng cuối ngày cho tài xế để họ có thêm thu nhập ngoài khoản thu chính từ các cuốc xe.

"Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường cùng các yếu tố khác để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho các đối tác tài xế cũng như người dùng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng" - đại diện Gojek nói.

Tài xế hãng xe công nghệ thi nhau tắt app, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Tài xế Gojek chở khách trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, đại diện ShopeeFood cũng cho biết công ty vừa tung ra gói ưu đãi xăng dầu dành riêng cho các shipper ShopeeFood trong bối cảnh giá cả biến động. Gói hỗ trợ được công bố vào chiều 11-3 và áp dụng cho tất cả tài xế ShopeeFood đủ điều kiện trên toàn quốc đến 31-5.

Trong khi đó, đại diện Grab - đơn vị đã tăng giá cước tất cả dịch vụ như gọi xe, giao hàng, đặt thức ăn... - cho rằng việc tăng cước nhằm giúp tài xế bù đắp một phần chi phí vận hành, khuyến khích tài xế tích cực làm việc, thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, hãng cũng có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách. Cụ thể, từ ngày 11-3 đến 31-3, khách tại TP.HCM và Hà Nội được nhận mã giảm giá 20%, tối đa 50.000 đồng cho 10 chuyến xe; mỗi cuốc có cước phí tối thiểu 60.000 đồng; kết thúc chuyến xe, người dùng nhận thêm mã ưu đãi 25% cho chuyến tiếp theo.

Tương tự, xe 2 bánh GrabBike có giá ưu đãi 15.000 đồng cho các chuyến xe có cước phí dưới 30.000 đồng. Khi kết thúc chuyến xe, người dùng sẽ được nhận thêm 1 mã ưu đãi giảm 20% (tối đa 10.000 đồng) cho chuyến xe tiếp theo. Các dịch vụ khác như GrabMart, GrabFood cũng được giảm giá 15.000 - 30.000 đồng/đơn hàng.

Chi phí ship hàng tăng mạnh

Việc các ứng dụng tăng cước khiến khách hàng buộc phải chi trả với số tiền cao hơn trước đây cho quãng đường di chuyển hoặc đơn giao hàng.

Chị Nguyễn Hoàng Trân, chủ shop hoa online (TP Thủ Đức), cho biết chi phí ship hàng đã tăng 30% so với dịp Tết, vượt qua dự toán ban đầu, khiến việc kinh doanh thêm áp lực. Chưa kể việc di chuyển hằng ngày của chị thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabCar từ khu vực Bình Thạnh đến chỗ kinh doanh, thông thường chỉ 55.000 đồng nhưng nay đã đến 70.000 đồng.

"Chi phí đi lại trong một tháng với mức tăng giá như hiện nay là quá cao, vượt khả năng chi phí đi lại, chắc tôi phải sử dụng phương tiện khác phù hợp hơn" - chị Trân nói.

Xăng tăng giá lần thứ 7, doanh nghiệp vận tải than ‘chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu’ Xăng tăng giá lần thứ 7, doanh nghiệp vận tải than ‘chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu’

TTO - Không chỉ người dân than khó khăn mà một số doanh nghiệp vận tải cho rằng 'chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu' khi cùng với dịch bệnh COVID-19, giá xăng dầu lại tiếp tục leo lên mức đỉnh mới.

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp